Đỗ Thị Thắm

Cuộc sống đa sắc màu ở những cao nguyên phía Bắc hay Tây Nguyên được tái hiện đầy cảm hứng qua bảng màu đa sắc của các họa sĩ Hà Nội.

“Đằng sau cửa cõi tạm I” của Nguyễn Minh Hiếu (2018 – SƠN DẦU)

Việt Nam có những cao nguyên đậm bản sắc như vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên. Đây luôn là những khung cảnh đa sắc tạo cảm hứng sáng tác không cạn cho các nghệ sĩ. Nếu như cao nguyên đá Đồng Văn luôn mang màu sắc hùng vĩ của đá tai mèo, của “cuộc sống trên đá, chết vùi trong đá”, thì đại ngàn Tây Nguyên lại luôn hào hùng và lãng mạn với những thiên anh hùng ca bất hủ như Xinh Nhã, Đam San… Nhưng để tác phẩm chuyển tải được nguyên tinh thần của những miền đất sử thi này, mà vẫn mang hơi thở của thời đại, lại là một thách thức đối với những người sáng tác. Một số họa sĩ của Hà Nội đã dành thời gian cho những bộ tranh riêng về đề tài tâm huyết này.

“Sương qua bản” của Nguyễn Minh Đông (2018- SƠN DẦU)

Với tranh sơn mài, các họa sĩ khai thác triệt để bản chất trừu tượng của sơn mài Việt Nam nhằm đưa người xem vào các sắc thái biến đổi trên mặt tranh. Là họa sĩ có tiếng trong việc làm chủ chất liệu sơn ta, Nguyễn Trường Linh sử dụng các thủ pháp mới trong sơn mài, tạo ra sự biến đổi kỳ ảo của chất liệu trên bộ tác phẩm “Đam San”, “Đi tìm lời ru mặt trời”. Lấy cảm hứng từ sử thi “Đam San cướp vợ là Nữ thần Mặt trời”, bộ tranh ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ, ca ngợi chất anh hùng trong dòng máu của người Tây Nguyên. Bộ tác phẩm “Tiếng vọng quá khứ I;II” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục lại mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực, diễn tả hồi ức về những tín ngưỡng huyền bí, linh thiêng của đồng bào Tây Nguyên, các mô típ về tượng nhà mồ… Ở tác phẩm “Tiếng vọng” của Trần Tuấn Long, màu đỏ son chủ đạo gợi không gian linh thiêng, những pho tượng như đã đứng đó từ cả ngàn năm, ánh trăng sắc lạnh khắc vào không gian tiếng vọng bao la của sử thi. Trong khi đó, chất sơn then, cánh gián của chất liệu sơn ta được sử dụng hợp lý, kết hợp với lối tạo hình hiện đại đã tạo cảm giác mạnh trong những trăn trở của Đào Minh Tuấn ở tác phẩm “Đất, Nước, Lửa” – những yếu tố không thể thiếu trong tự nhiên mang cho con người sự sống, nhưng cũng đến cái chết với ai không biết trân trọng những giá trị của tự nhiên. Tác phẩm sơn mài trên vải “Không gian miền núi” của Nguyễn Thế Hùng lại mang nguyên được âm ưởng thâm trầm của vùng núi cao phía Bắc.

“Bên rừng” của Nguyễn Minh Đông (2018 – SƠN DẦU)

Tung hoành với chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Quốc Khánh sử dụng phong cách Pop và cách nhìn mới mẻ trong tác phẩm “H’reng trong bảo tàng”. Hình ảnh cô gái Tây Nguyên với ánh mắt u buồn ngước nhìn trời cao, xã hội thừa mứa vật chất, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa thì chỉ còn trong bảo tàng. Chủ đề tranh có phần châm biếm xã hội đương đại, về một nền văn hoá đậm đà đang dần và có thể biến mất vĩnh viễn nếu chúng ta không có hành động thực sự. Cũng khai thác thế mạnh của chất liệu, bộ tranh “Đằng sau cửa cõi tạm I; II” của Nguyễn Minh Hiếu sử dụng các mô típ trang trí đặc trưng của Tây Nguyên, viết nên câu chuyện huyền bí về thế giới các vị thần thường được nhắc đến trong các sử thi, trường ca. Trong phong cách hội họa ấn tượng, “Giấc mơ bản số 2” của Phạm Hà Duy Khánh là một cảm nhận đầy mạnh mẽ về cuộc sống cao nguyên hoang sơ

“Không gian miền núi” của Nguyễn Thế Hùng (2018- SƠN MÀI TRÊN VẢI)

Với cái nhìn hiện thực, các tác phẩm “Tây Nguyên” của Chu Viết Cường, “Bên rừng” của Nguyễn Minh Đông lại đưa người xem vào không gian bình yên với mái nhà rông, những bóng cây cao vút tỏa bóng che chở, như mẹ đại ngàn vẫn dang tay cho người dân Tây Nguyên từ bao đời nay. Cũng là cảnh đời thường, cuộc sống vùng núi phía Bắc được tái hiện bình dị với với hình ảnh đàn gà trong tranh “Sáng ở Cốc Mạ” của Nguyễn Lê Tân, những mái nhà gỗ ấm cúng xen giữa cánh đồng hoa tam giác mạch trong tranh“Sương qua bản” của Nguyễn Minh Đông. Cùng với chủ đề thiên nhiên, họa sỹ người Huế Nguyễn An lại có cảm nhận rất khác về mưa đại ngàn. Trong bộ tác phẩm “Mưa cao nguyên I; II; III” của anh, núi rừng ẩn hiện trong mưa, mùa mưa rừng tầm tã, thiên nhiên núi rừng rì rầm những bài ca bay theo các triền núi, các con sông con suối, bay trên mái nhà rông. Thủ pháp sơn dầu trên giấy của loạt tranh này cũng gợi nên sự khác biệt thú vị của chất liệu…

“Tiếng vọng quá khứ I” của Nguyễn Xuân Lục (2018 – SƠN DẦU)

Một đề tài tạo nhiều cảm hứng, và được thể hiện bằng các chất liệu hội họa phong phú như vậy, thật sự là một nguồn dữ liệu văn hóa quý giá. Những miền cao nguyên hoang sơ mà hùng vĩ sẽ luôn là một chủ đề hấp dẫn cho các nghệ sĩ luôn trăn trở để gìn giữ bản sắc của dân tộc.