Bài: Lê Anh
Ảnh: Thành Thế Vinh

Trong ý niệm bao đời nay của nhiều dân tộc, ngọn lửa đã trở thành biểu tượng cho sự hy vọng, thắp sáng bao khát khao cũng như mang ý nghĩa về mặt tâm linh khi là phương tiện để xua đuổi những điều xui xẻo và cầu ước mọi sự may mắn. Ở Việt Nam, từ đồng bằng đến miền núi, có rất nhiều nghi lễ liên quan đến ngọn lửa, nhất là vào dịp đầu năm mới như lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao ở vùng núi phía Bắc, lễ rước lửa đêm giao thừa tại làng chài Cảnh Dương – Quảng Bình… Trước ngưỡng cửa năm Tân Sửu 2021, hãy cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu về tục rước lửa đêm giao thừa đã có từ lâu đời tại làng La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Chủ tế mở cửa hậu cung xin cho dân làng được vào rước lửa ra sân đình

Tương truyền rằng, vào thời Đinh Lê, tướng quân Ninh Hữu Huân – một vị tướng tài ba được Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm cử lại khai hoang, lập ấp vùng ven sông Sắt thuộc địa phận xã Yên Ninh ngày nay. Tướng quân Ninh Hữu Huân vốn là một người giỏi nghề mộc nên sau khi khai khẩn, xác lập nên các thôn làng, ông đã truyền dạy cho dân chúng nghề mộc. Đến nay, dân làng thờ ông tổ nghề mộc tại đình La Xuyên. Và, trong hương ước của làng vẫn còn lưu giữ một tục lệ do vua Lê Đại Hành xây dựng cho: “Lấy lửa đêm 30 Tết để xông đất, xông nhà, cầu may cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhất là nghề mộc được tinh thông, phát đạt”. Người dân làng La Xuyên tưởng nhớ công ơn ông tổ nghề mộc và làm theo lời vua ban đã duy trì tục xin lửa từ đình làng đêm giao thừa.

Đại diện mỗi gia đình mang theo một bó đuốc ra đình làng để chuẩn bị xin lửa

Nhân vật quan trọng nhất trong lễ xin lửa tại đình làng La Xuyên chính là chủ tế – người mở cửa đình trong thời khắc giao thừa để xin lửa thần của ông tổ nghề mộc cũng là Thành hoàng làng. Chủ tế là người trong hàng lão, có uy tín, được dân làng chọn lựa để thực hiện các nghi lễ cổ truyền từ bao đời nay. Vào chiều 30 Tết, chủ Tế cùng các đội tế nam quan, nữ quan và dân làng tề tựu tại đình chuẩn bị cho lễ dâng hương Thành hoàng làng. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo với thành tâm của cả làng. Còn với mỗi gia đình, một suất đinh được cử ra đình mang theo một bó đuốc làm bằng nứa dài tới 4, 5m. Đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, chủ Tế mở cửa hậu cung, xin phép Thành hoàng làng cho dân chúng được lấy lửa chào đón năm mới. Ngọn lửa thiêng được rước ra sân đình trong sự hò reo, hân hoan của dân chúng. Ai cũng nhanh chóng châm bó đuốc để tiếp tục rước ngọn lửa về nhà. Mọi con ngõ, ngách trong làng như sáng bừng và rộn ràng với những bước chân, tiếng cười, lời chúc mà dân làng dành cho nhau. Khi lửa được rước tới nhà, người dân kính cẩn thắp hương báo cáo thần linh, gia tiên rồi khua bó đuốc đang rực cháy lướt qua các khu vực trong nhà với niềm tin lửa trừ tà ma, đen đủi, lửa mang sự may mắn, thịnh vượng đến với gia đình. Những hộ không có người đi rước lửa từ đình làng thì láng giềng sẽ mang lửa sang xông nhà, mừng tuổi, chúc Tết. Tình làng, nghĩa xóm càng trở nên thắm đượm cùng ngọn lửa thiêng. Và, người La Xuyên hồn hậu luôn giữ ngọn lửa linh thiêng ấy – biểu tượng của niềm tin và hy vọng rực cháy suốt ba ngày Tết.

Không có pháo nổ rền trời đón năm mới như những ngày xa xưa nhưng tục rước lửa đêm giao   thừa đã khiến cho cả vùng quê La Xuyên náo nhiệt, tưng bừng. Niềm vui, sự hạnh phúc đầu xuân kéo dài và lan tỏa ấm áp khắp thôn làng.