Tạp chí Heritage tổng hợp
Theo quan niệm của một số người thì tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian không được may mắn, không phù hợp cho những hoạt động mang tính chất bắt đầu như động thổ, khai trương. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội Việt Nam, đặc biệt là những sự kiện mang màu sắc văn hóa, tâm linh.
Cùng Tạp chí Heritage điểm qua 5 lễ hội đặc sắc được tổ chức vào tháng 7 âm lịch trong bài viết sau đây.
Tháng 7 âm lịch là thời điểm lễ hội Việt Nam tụ hội náo nhiệt
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
1. Lễ hội Đổ giàn ở An Thái – Bình Định
Lễ hội Đổ giàn được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, cách 4 năm một lần. Đây là lễ hội truyền thống của vùng An Thái, Bình Định, nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, tri ân các bậc tiền nhân có công chống giặc ngoại xâm. Bạn nhớ để tâm đến thời gian khi có ý định tham gia lễ hội, vì không phải năm nào cũng tổ chức.
Sức hấp dẫn của lễ hội đến từ các nghi thức truyền thống như lễ rước, phóng sinh đổ giàn, phóng đăng, hát bội… Cũng như những lễ hội Việt Nam khác, hội Đổ giàn có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa địa phương.
Trong thời gian diễn ra hội, nhà nào trong thôn cũng thắp đèn sáng rực, các môn phái võ cổ truyền cũng tề tụ đông đủ. Lễ rước nước bắt đầu từ 2 – 3h sáng, chum nước lấy từ sông Kôn được rước trên Long Đình đưa về bàn thờ Phật ở chùa Hội Quán. Tiếp theo là lễ rước Phật và khai hội tại chánh điện với những nghi lễ vô cùng thiêng liêng, trang trọng.
Nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội này là “xô cỗ, đổ giàn”. Các võ sĩ thi nhau kéo về trung tâm khan đàn – nơi có giàn cao 2 mét được dựng sẵn để cỗ heo quay. Người leo lên giàn lấy được mâm cỗ về đích đầu tiên sẽ là người chiến thắng. Trong quá trình lấy cỗ, các võ sĩ phải vận dụng hết thảy sự khéo léo, sức mạnh và các ngón võ của mình để về đích thành công.
2. Lễ hội làng Chuồn ở Thừa Thiên Huế
Làng Chuồn hay làng An Truyền là ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 600 năm, nằm gần với Phá Tam Giang. Hội làng Chuồn là một trong các lễ hội đặc sắc ở Việt Nam, được tổ chức vào ngày 15, 16 và 17 tháng 7 âm lịch hàng năm. Lễ hội này còn có tên là Thu tế, nghi thức cúng lễ mang hơi thở Khổng Giáo và văn hóa cổ truyền địa phương.
Lễ hội Thu tế – làng Chuồn có truyền thống từ lâu đời
(Nguồn: MIA)
Hội làng Chuồn là dịp để người dân nơi đây thể hiện lòng biết ơn với 3 họ tộc có công khai canh làng, là Thành Hoàng họ Nguyễn, Đoàn và Hồ. Theo quan niệm của người dân địa phương, Thành Hoàng chính là người bảo trợ cho cuộc sống của họ được no ấm và bình an. Với ý nghĩa như vậy, ngày hội luôn được tổ chức long trọng, vừa bình dị lại vừa phảng phất nét tâm linh huyền bí.
Đám rước bắt đầu từ sáng sớm, đi từ Đồng Miễu đến Đình làng. Trong đám rước có 3 bộ kiệu lớn đặt 3 vị Thành Hoàng, theo sau là cờ xí, lọng và đoàn lính mặc áo đỏ, vàng. Xét về mức độ, Hội làng Chuồn có phần hoành tráng hơn nhiều lễ hội Việt Nam. Đặc biệt, mỗi năm dân làng sẽ thay đổi một linh vật hay vật thờ cúng, thường là đôi chim hạc, cá chép hóa rồng hoặc bộ tam sự.
3. Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu ở TP.HCM
Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu diễn ra từ ngày 30 tháng 7 đến mùng 3 tháng 8 âm lịch tại Lăng Ông, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ hội là dịp kỷ niệm ngày giỗ của Thượng Quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt và bà Đỗ Thị Phận.
Trong văn hóa của người dân Nam Bộ, Tả quân Lê Văn Duyệt được xem như một vị thần. Do đó, việc thờ cúng và tế lễ đều được thực hiện theo nghi thức thờ thần và tế thần.
Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt được cử hành một cách trang trọng, bài bản
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu từng là một trong những lễ hội lớn nhất ở Sài Gòn. Ngày nay, giống như nhiều lễ hội ở Việt Nam, ngày hội thu hút một lượng lớn người tham gia. Trong đó, số lượng người Hoa chiếm đến 50%.
Từng dòng người đổ về Lăng Ông để thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân vị Tổng trấn đã có nhiều quyết sách giúp người dân an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, trong lễ hội còn có các hoạt động đặc sắc như múa lân, biểu diễn nghệ thuật…
4. Lễ Vu Lan báo hiếu
Vu Lan là đại lễ quan trọng của Phật giáo, diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đại lễ bắt nguồn từ bộ kinh Vu Lan Bồn, kể về hành trình cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ của Bồ tát Mục Kiền Liên. Dựa trên câu chuyện cảm động đó, Lễ Vu Lan được xem là dịp để con cái báo hiếu công ơn của tổ tiên, cha mẹ.
Lễ Vu Lan báo hiếu vô cùng ý nghĩa, tôn vinh công sinh dục và dưỡng thành của cha mẹ
(Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tôn giáo, Vu Lan còn là một trong các lễ hội Việt Nam nêu cao tinh thần hướng về cội nguồn, báo hiếu báo ân, đền ơn đáp nghĩa. Trong ngày này, các chùa thường tổ chức nghi lễ cài hoa hồng lên áo cho Phật tử tham dự. Đây là nghi thức thiêng liêng, nhắc nhở con người về hiếu đạo, lòng biết ơn với bậc tiền nhân tiên tổ.
5. Lễ hội rửa lá lúa ở Hòa Bình
Lễ hội rửa lá lúa là phong tục đặc sắc của người Mường, được tổ chức vào tháng 7 và tháng 8 âm lịch tại xã Mường Bi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Theo quan niệm, đây là dịp để tưởng nhớ những người đã có công mở đất cho bản Mường và cầu mùa màng ít sâu bệnh.
Đúng kỳ lúa trổ bông thì lễ hội chính thức khai mạc
(Nguồn: pexels)
Trước ngày hội, người dân trong bản sẽ chuẩn bị các mâm cỗ để tế lễ, mâm cỗ mặn có thịt lợn, thịt gà, cỗ chay có oản và trái cây. Tương tự như những lễ hội ở Việt Nam, các nghi thức trong lễ được diễn ra trang trọng với sự tham gia của rất nhiều người.
Chủ lễ mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, người làm lễ là thầy cúng (thầy Mo) trong làng. Mâm cúng được đặt ngay tại đầu ruộng của các gia đình chờ thầy Mo đọc lời cầu khấn. Tiếng sáo, nhị được tấu theo từng lời khấn của thầy. Sau khi kết thúc, đồng bào tổ chức ăn uống tại sân đình, những người không tham dự vẫn được hưởng một phần lộc.
Không chỉ làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống còn góp phần quảng bá cho du lịch địa phương. Tạp chí Heritage hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về lễ hội Việt Nam nói chung và các sự kiện văn hóa trong tháng 7 âm lịch nói riêng.
Tham khảo thêm: