Tạp chí Heritage tổng hợp
Các lễ hội dân gian Việt Nam không chỉ là sợi dây gắn kết cộng động, mà qua thời gian, nó đã trở thành giá trị văn hóa của cả dân tộc. Từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên cao nguyên, mỗi nơi mỗi vùng đều có những nét văn hóa và tín ngưỡng vô cùng đặc trưng và riêng biệt. Và hãy xem, mùa hè, mùa du lịch nhộn nhịp nhất trong năm, chúng ta có những lễ hội dân gian nổi tiếng nào nhé.
Chào tháng 6 đón hè rực rỡ với các lễ hội dân gian Việt Nam
(Nguồn: danhthangtrangan.vn)
1. Lễ hội đình Trà Cổ – Quảng Ninh
Là một trong những lễ hội truyền thống lớn trong các lễ hội ở miền bắc Việt Nam, lễ hội đình Trà Cổ thường được tổ chức vào cuối tháng 5 cho đến đầu tháng 6 âm lịch tại phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Mang đậm nét đặc trưng của cư dân miền biển, lễ hội đình Trà Cổ gồm nhiều nghi thức, nghi lễ được tổ chức quy mô và duy trì đều đặn qua mỗi năm. Một trong những nét độc đáo nhất trong lễ hội này chính là hội thi “Ông Voi”.
Theo tục xưa, trước khi bắt đầu lễ hội, người trong làng sẽ họp lại và chọn ra 12 người để trở thành “cai đám”. Mỗi cai đám sẽ có nhiệm vụ túc trực ở đình, tham gia vào việc tổ chức lễ hội và được người trong làng tôn trọng gọi là “ông đám”.
Ngoài ra, mỗi cai đám đều phải nuôi một con lợn và chăm bẵm cho chú lợn này một cách chu đáo. Đó cũng chính là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. Đến ngày diễn ra phần lễ, “Ông Voi” nào có cân nặng, thân hình và vòng cổ đẹp nhất sẽ được chọn tế thần. Thủ lợn và túm lông đuôi của “Ông Voi” là những phần bắt buộc phải có trong mâm lễ vào ngày rước thần.
Lễ hội đình Trà Cổ mang đậm nét đặc trưng của người dân ven biển
(Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Lễ rước kiệu nghênh thần thường diễn ra vào ngày 1/6 âm lịch, xuất phát từ khu vực đình Trà Cổ ra đến miếu Đôi sau đó trở lại Đình. Phần lễ này gồm đoàn người khiêng kiệu, cờ lọng, đi kèm với dàn trống hội, bát âm, bát biểu.
Những nghi thức này đều thể hiện ước mong về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của người vùng biển Quảng Ninh, cũng như làm nổi bật nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của các lễ hội ở miền bắc Việt Nam.
2. Lễ hội xa mã, rước kiệu – Hải Phòng
Mang ý nghĩa thể hiện sự tri ân với hai vị thành hoàng làng đã có công trừ hải tặc, dạy dân đánh cá, cũng như kỉ niệm ngày dựng đình, lễ hội xa mã – rước kiệu, hay còn gọi là hội kéo ngựa gỗ, được tổ chức hàng năm từ mùng 9/6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày tại đình Hoàng Châu, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Nghi thức rước kiệu là sự kiện chính trong phần lễ đồng thời mang ý nghĩa tín ngưỡng và tâm linh độc đáo. Kiệu rước được khiêng bởi 4 thanh niên khỏe mạnh, trong lúc thực hiện nghi lễ, kiệu có thể di chuyển nhanh chậm, đi lùi, quay vòng hoặc thậm chí “kiểm soát” cả người khiêng kiệu.
Trong khi đó, xa mã lại là tâm điểm của phần hội khi tái hiện quang cảnh tập trận của binh sĩ thời xưa thông qua trò chơi kéo ngựa gỗ (xa mã) chạy vòng tròn trong sân đình. Trên mỗi con ngựa gỗ đều sẽ có các công Đình múa cơ, rung lục lạc tạo ra sự hào hùng và sôi nổi cho cuộc đua.
Đến Hải Phòng thì không thể không ghé xem lễ hội xa mã, rước kiệu
(Nguồn: thanhphohaiphong.gov.vn)
Kể từ năm 2017, lễ hội xa mã, rước kiệu đình Hoàng Châu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành một trong các lễ hội dân gian Việt Nam nổi tiếng nhất ở vùng Bắc bộ.
3. Lễ hội Quan Lạn – Quảng Ninh
Ngoài lễ hội đình Trà Cổ thì trong tháng 6 này Quảng Ninh còn có một lễ hội khác tổ chức tại Vân Đồn, đó là lễ hội đình Quan Lạn, di sản văn hoá phi vật thể đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận.
Lễ hội này vừa mang ý nghĩa kỉ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông, tri ân Trần Khánh Dư, vừa mang ý nghĩa cầu mong được mùa đối với những cư dân vùng biển.
Đến Quảng Ninh thì đừng quên ghé xem lễ hội đua bơi Quan Lạn
(Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Theo tục lệ, từ ngày 10/6 âm lịch, người dân trong làng sẽ không được đi bất cứ đâu, đến ngày 16/6, bài vị của Trần Khánh Dư sẽ được rước từ nghè về đình. Đến 18/6 âm lịch, sẽ diễn ra lễ hội chèo bơi, là một cuộc thi đua thuyền giữa hai đội trong làng là Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ.
Ngoài phần thi đua thuyền, cả hai đội cũng sẽ có ba lần giáp trận tại sân đình vào ngày chính của lễ hội, tượng trưng cho ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông của quân dân thời Trần năm xưa.
Dù chỉ mang quy mô của một hội làng truyền thống, nhưng lễ hội Quan Lạn vẫn gây ấn tượng được với du khách và những người tham gia nhờ vào sự hoành tráng, hào hùng và tinh thần thượng võ được đề cao.
4. Lễ hội đền Ba Xã – Hà Nội
Được tổ chức vào ngày 12/6 âm lịch, lễ hội đền Ba Xã để tưởng nhớ đức thánh Mạc Trâu từ xa xưa đã trở thành thông lệ hàng năm của năm thôn: Thịnh Thượng, Thịnh Hạ, Thịnh Thần, Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Lễ hội đền Ba Xã là một lễ hội quan trọng ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội)
(Nguồn: internet)
Từ sáng sớm ngày 12/6, mỗi thôn đều đem theo kiệu rước đưa thần thánh thờ trong thôn mình cùng tập trung tề tựu bên bờ sông Nhuệ để tiến hành nghi lễ rước nước. Cả đoàn người bao gồm đội cờ, đội nhạc, đội kiệu rước bát nhang hương án và kiệu rước chum nước. Phần lễ lúc này sẽ là lễ mộc dục, rồi đến lễ tế thần, lễ tế của các dòng họ, các gia đình và khách thập phương.
Như đa số các lễ hội ở Việt Nam, phần hội của lễ hội đền Ba Xã cũng bao gồm các trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, đập bị gạo và túm nước, múa rồng, múa lân… thu hút được rất đông người dân trong khu vực và du khách cùng tham gia.
5. Lễ Hội Nghinh Ông – Bến Tre
Trong tất cả các lễ hội dân gian Việt Nam, lễ hội Nghinh Ông là sự kiện văn hóa tín ngưỡng phổ biến tại hầu như các tỉnh thành ven biển. Chính vì sự đa dạng về vùng miền mà lễ hội này có rất nhiều tên gọi khác nhau, như lễ nghinh Ông Thuỷ tướng, lễ tế cá Ông, lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ cúng Ông…
Riêng trong tháng 6 này, lễ hội Nghinh Ông sẽ được tổ chức tại một số xã ven biển của tỉnh Bến Tre. Đối với những người dân miền biển, cá “Ông” là một sinh vật rất linh thiêng. Chính vì vậy, phần chính của lễ hội chính là nghi thức “Nghinh Ông” được diễn ra ngoài khơi xa.
Lễ hội Nghinh Ông đặc biệt ý nghĩa với người dân vùng biển
(Nguồn: TTTTXT Du lịch Bến Tre)
Tại đa số các địa phương, lễ hội Nghinh Ông thường bao gồm: lễ rước kiệu, lễ tế và các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội. Trong khi với phần hội, ngư dân địa phương sẽ cùng rủ nhau ra khơi quăng lưới, đánh bắt, hoặc cùng ăn uống, trò chuyện với những du khách phương xa.
Tháng 7/2016, lễ hội Nghinh Ông của xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã vinh dự được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như một sự ghi nhận vẻ đẹp tín ngưỡng dân gian của người dân vùng biển.
6. Lễ hội làng Thanh Phước – Thừa Thiên Huế
Nằm dọc bên sông Bồ, Thanh Phước là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội làng Thanh Phước được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ đến vị khai canh làng là Phan Niệm, được tôn làm Thành hoàng làng.
Mặc dù chỉ kéo dài 3 ngày (ngày chính lễ là 22/6) nhưng phần lễ của lễ hội làng Thanh Phước vẫn đầy đủ các nghi thức và được diễn ra trang trọng, bao gồm lễ phơi bội, lễ cung nghinh. Trong khi phần hội đã sớm được diễn ra từ 21/6 với các trò chơi, hội thi dân gian như cưỡi ngựa đốt pháo, kéo co, nhảy bao bố…
Một điểm độc đáo trong lễ hội làng Thanh Phước chính là trong suốt 3 ngày diễn ra, thanh niên trong làng sẽ không được uống rượu nhằm thể hiện sự kính trọng với Thành hoàng làng.
Từ Bắc vào Nam, qua miền Trung thân thương, đều dễ dàng bắt gặp các lễ hội dân gian
(Nguồn: internet)
Đất nước Việt Nam muôn hình vạn trạng, văn hóa Việt Nam quý giá vô phần. Các lễ hội dân gian Việt Nam diễn ra quanh năm. Cùng chuẩn bị kỹ càng hành trang để sẵn sàng cho những chuyến khám phá đầy ắp trải nghiệm và ý nghĩa sau khi hết dịch nhé.
Bài viết liên quan: