Bài: Hương Giang
Ảnh: Trần Thiện, Holo, Pho Trần

“Buồn sững sông xanh lẫn suối xanh” *

Gần 30 năm trước, cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết những vần thơ như vậy trong cái đêm phải rời xa Huế. Nhìn dòng sông Hương từ đỉnh núi Kim Phụng, ông đã không hay để hồn mình “mắc cạn” ở Huế. Tôi đã phần nào thấu hiểu nỗi buồn của thi sĩ khi chính mình cũng để hồn mình mắc cạn giữa sông xanh lẫn núi xanh, giữa những áng mây phiêu lãng trên đỉnh Bạch Mã.

Mây giăng trên đỉnh Bạch Mã ở độ cao 1.450m

Tìm về đường xưa mây trắng

Tháng 9, mùa mưa ở Huế mới bắt đầu và kéo dài đến tận tháng 4. Đây không phải thời điểm lý tưởng để leo lên Vườn Quốc gia Bạch Mã bởi những cơn mưa có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Có khi buổi sáng trời trong xanh, nắng hiền hòa, nhưng đến chiều, mây đen kéo xuống núi bất ngờ, làn sương mù ẩm ướt có thể giăng kín những con đường quanh co khiến việc đi lại thêm khó khăn.

Chúng tôi quyết định đánh liều vận may, leo Bạch Mã từ sớm. Khác với không khí thành phố nóng nực, thời tiết ở Bạch Mã mát mẻ quanh năm. Chiếc xe tắt điều hòa, mở hết những cánh cửa kính để đón lấy gió rừng và cả gió biển thổi về. Làn không khí trong lành này có được nhờ vị trí đặc biệt của dãy Bạch Mã. Là một phần của dãy Trường Sơn, các dãy núi của Bạch Mã chạy theo hướng từ tây đông và thấp dần ra biển. Khi mây trắng xuống bao phủ lấy núi, nhìn từ dưới lên, Bạch Mã trông giống như một con ngựa trắng duỗi chân hướng biển. Cái tên Bạch Mã cũng một phần từ đó mà ra.

Ở dưới chân núi mây chưa kịp sà xuống, chỉ có những khúc quanh uốn lượn mở ra khung cảnh thung lũng với màu xanh rì mơn mởn và bao quanh là những ngọn núi trập trùng tựa như sống lưng của khủng long. Khi đi qua khu cổng chào của Vườn Quốc gia, lữ khách mới thấy mây thấp dần xuống.

Đỉnh Bạch Mã ẩn hiện giữa mây trời

Thấp thoáng trong cung đường núi mây trắng phủ quanh là những biệt thự cổ của người Pháp xây dựng từ những năm 1930 khi biến Bạch Mã thành chốn nghỉ dưỡng. Những dấu tích xưa của thiên đường nghỉ dưỡng vẫn còn đó, một số được cải tạo thành nhà hàng, một số là chốn nghỉ ngơi cho du khách…

Ngũ Hồ và thác Đỗ Quyên

Ngũ Hồ là tên gọi của 5 hồ nước nhỏ ở 5 độ cao khác nhau. Xưa kia, con đường đến Ngũ Hồ chỉ là những đoạn đường đất dốc, vách đá trơn trượt nguy hiểm. Nay, những bậc thang đã được làm cùng những sợi dây thừng đan dọc đường giúp du khách có điểm tựa để trèo đèo lội suối. Quãng đường rừng đến Ngũ Hồ chỉ là vài cây số mà chúng tôi thấy mệt nhoài. Nhưng, bù lại cho công sức đó chính là vẻ đẹp hoang sơ như tiên cảnh của những suối nước – hồ nước.

Thác Đỗ Quyên tựa như một suối tóc

Con đường mòn kết thúc của Ngũ Hồ cũng mở ra một hành trình mới đến thác Đỗ Quyên. Thác được gọi tên là Đỗ Quyên bởi vào mùa xuân một rừng đỗ quyên sẽ nở hoa đỏ rực hai bên thác. Đường đến thác Đỗ Quyên dễ hơn nhiều so với Ngũ Hồ, chỉ là những cung đường phẳng và những cây cầu nguyên sơ đáng yêu. Tuy nhiên chúng chỉ dẫn bạn đến đỉnh thác. Muốn chiêm ngưỡng toàn bộ dải thác cao 300m tựa như một suối tóc thon thả thì bạn cần phải leo xuống hơn 700 bậc thang. Việc leo xuống thì dễ nhưng để leo trở lại thì rất khó. Người bạn đồng hành của chúng tôi, anh Thiện, một nhà quay phim chuyên thám hiểm các Vườn Quốc gia kể lại, đã có lần anh trèo xuống thác Đỗ Quyên từ 1h chiều, mà phải đến tận 7h tối anh mới trèo lên lại được đỉnh thác. Điều này do những bậc thang bên vách thác khá cao, việc trèo lên thường mất sức hơn rất nhiều so với việc trèo xuống. Lời khuyên dành cho ai muốn ngắm toàn bộ thác Đỗ Quyên là hoặc leo xuống thác từ sáng sớm và trở lại đỉnh thác buổi trưa, hoặc có thể dựng lều qua đêm ở chân thác và ngày hôm sau dành sức để leo lại lên đỉnh.

Săn mây trên Vọng Hải Đài

Cung đường đến Vọng Hải Đài nằm khá xa và cao hơn nhiều so với Ngũ Hồ và Thác Đỗ Quyên. Chúng tôi men theo con đường bê tông lên Vọng Hải Đài. Nơi đây là một lầu bát giác ngắm cảnh do người Pháp xây dựng, nằm trên đỉnh cao nhất của núi Bạch Mã với độ cao 1.450m.

Những bạn trẻ Huế đồng hành kể với tôi rằng, các bạn thường lên đây ngắm hoàng hôn vào những ngày mùa khô trời đẹp. Rời thành phố từ khoảng 15h30 là vừa kịp lên đây đón hoàng hôn và đừng quên mang theo mình một ly cafe kem muối, thức uống đặc biệt của Huế.

Vọng Hải Đài - điểm ngắm cảnh săn mây trên đỉnh Bạch Mã

Từ Vọng Hải Đài, có thể ngắm được cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai, cửa Từ Hiền, vịnh Chân Mây, hồ Truồi với Trúc Lâm Bạch Mã, thậm chí là cả thành phố Huế vào những ngày trời quang mây tạnh.

Khi chúng tôi lên đến Vọng Hải Đài, lấp ló phía sau những đám mây trắng muốt đó là bầu trời trong xanh nguyên sơ, như chính không gian núi rừng nguyên sinh Bạch Mã. Chúng tôi hít căng bầu không khí đó chỉ bởi sợ về thành phố sẽ không tìm đâu được nó nữa.

Tôi đã đắm chìm vào bức tranh thiên nhiên hào phóng của những gam màu xanh. Giờ tôi đã hiểu vì sao cố hoạ sĩ Đinh Cường lại đưa vào tranh của mình sắc xanh sâu thẳm lạ lùng đến vậy. Giữa khung cảnh đậm chất thơ này, giống như cảm xúc của những nghệ sĩ, tôi thấy lòng mình buồn sững nặng nề chỉ bởi phải rời xa Huế khi bắt đầu biết yêu Huế.

(*) Câu thơ trích từ bài thơ “Mắc Cạn” của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi nhìn Huế xanh từ đỉnh núi Kim Phụng