Bài: Anh Thư

Ảnh: Tuấn Mark, Huy Hòa

Những đường chạy marathon đang bùng nổ ở Việt Nam với nhiều điều thú vị.

Giải chạy Long Biên 2019 tại Hà Nội

Quốc gia lười vận động và sự nở rộ của marathon

Năm 2017, nghiên cứu của Đại học Standford ở hơn 100 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong số những quốc gia lười vận động nhất khi đứng thứ 7 từ dưới lên. Theo đó, người Việt Nam đi bộ khoảng 3.600 bước mỗi ngày, kém xa mức của thế giới là 5.000 bước.

Thế nhưng ở một phương diện khác, các câu lạc bộ chạy lại đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Ví dụ, số thành viên của câu lạc bộ VPIron đã tăng từ vài chục người lên 2.500 người chỉ trong vài năm qua.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về số người tham gia chạy bộ đường dài ở Việt Nam nhưng theo một tài liệu của ban tổ chức giải VnExpress International Marathon 2019 tính toán có khoảng 20 ngàn thành viên tham gia nhóm và câu lạc bộ chạy ở Việt Nam. Tuy vậy, nhiều nhà tổ chức các giải marathon tin rằng lượng người chạy đường dài thường xuyên ở Việt Nam nhỏ hơn số kể trên rất nhiều. Cộng đồng chạy bộ đường dài nhỏ đến mức hầu như “ai cũng biết ai”.

Đáng ngạc nhiên là Việt Nam hiện đã có “cả trăm giải chạy việt dã và marathon”, bao gồm những đường chạy hoành tráng “như Tây” và những sự kiện chạy bộ nhỏ thường được tổ chức cho nội bộ các tổ chức, tập đoàn. Điều đó cho thấy chỉ riêng việc thu hút vận động viên cho “đủ đông người chạy” đã là một nhiệm vụ khá khó khăn với các giải chạy.

Cuộc chơi của những cái tên

Các giải chạy lớn thường gắn với những nhà tài trợ lớn, vốn là những thương hiệu hàng đầu như Vietnam Airlines, VNPT, Aquafina, TH và… các ngân hàng.

Giới quan sát cũng nhận thấy dường như có những cuộc đua giữa các nhà tài trợ trên đường đua marathon. Ví dụ, Techcombank bắt đầu gắn tên của họ với một giải chạy ở TP. Hồ Chí Minh năm 2017 thì chỉ một năm sau đó VPBank, ngân hàng vốn được biết đến như một nhà tài trợ ở các sự kiện nghệ thuật, bắt đầu “xoay trục” sang thể thao và tài trợ giải Hanoi International Heritage Marathon. Năm 2019, VPBank quyết định gắn tên mình với giải này 10 năm liền và đổi tên giải thành VPBank Hanoi Marathon. Techcombank lập tức có động thái “Bắc tiến” bằng việc tổ chức Techcombank Hanoi International Marathon vào tháng 3/2020.   

Trò chơi đắt đỏ

Chi phí tổ chức các giải marathon cũng như các hợp đồng tài trợ vẫn luôn được giữ kín nhưng một nhà tổ chức giải chạy marathon yêu cầu được giấu tên “bật mí” rằng giải marathon là “một trò chơi không rẻ”. Vị này tính toán chi phí để tổ chức thành công một giải chạy marathon 10.000 người ở Hà Nội có thể lên tới khoảng 15 tỷ đồng và hợp đồng tài trợ lớn nhất cho một giải marathon mà người này biết là khoảng 450.000 đô la Mỹ.

“Theo tôi biết, hầu hết các nhà tổ chức giải marathon hiện vẫn chưa có hoặc chỉ có rất ít lợi nhuận. Họ vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, thu hút người tham gia các giải marathon tới điểm mà từ đó họ có thể thu lợi nhuận”, nhà tổ chức này cho hay.

Chưa phải doanh vụ lớn, mới chỉ lắm tiềm năng

Trên thế giới, marathon là một hoạt động kinh doanh lớn. Six Majors – biệt danh của sáu giải marathon thường niên danh giá tại Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago và New York– thường thu hút tới khoảng 50.000 vận động viên tham gia mỗi giải. Các vận động viên muốn tham gia không những phải thỏa mãn các điều kiện “đầu vào” mà còn phải chờ tới vài năm vì lượng số bib của các giải thường đã bán hết khá lâu trước đó. Tài trợ cho mỗi giải trong số này cũng được dự đoán ở mức hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Ở Trung Quốc, môn thể thao chạy bộ đang thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như vận tải, du lịch, trang phục thể thao và tổ chức sự kiện. Trong năm 2017, gần 5 triệu người đã tham gia hơn 1.100 giải chạy đường dài và marathon ở Trung Quốc, tạo nên mức tăng trưởng 78% về số người tham gia so với năm trước. Các dự báo cho thấy con số này có thể vượt qua con số 10 triệu vào năm 2020 và thị trường của các dịch vụ liên quan tới marathon có thể đạt 120 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 17 tỷ đô la Mỹ). Ước tính, Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu người có tham gia chạy bộ.

Trong khi đó, marathon chưa phải hoạt động kinh doanh lớn tại Việt Nam mà mới chỉ là “tiềm năng lớn” vì số lượng người chạy còn quá ít. Với dân số gần 100 triệu người, đang có nhiều trông đợi rằng Việt Nam sẽ có khoảng 1% dân số chạy đường dài trong tương lai.  

Ngoài ra, marathon ở Việt Nam đang đối mặt với một mâu thuẫn chưa giải quyết được: Để tăng doanh thu và thuyết phục các nhà tài trợ, các giải marathon cần đông người tham gia; nhưng để thu hút được nhiều vận động viên tham gia, các nhà tổ chức phải khuyến mại nhiều, chiết khấu nhiều và tốn nhiều chi phí tổ chức. Doanh thu của họ vì vậy khó có thể tăng lên và thường chịu cảnh “túi trái bù túi phải”.

Nhiều hoạt động thiện nguyện

Đáng chú ý là gần như mọi đường chạy đều gắn liền với các hoạt động thiện nguyện, từ gây quỹ cho các tổ chức từ thiện như Operation Smiles, Cho một Trái tim khỏe, Thiện Nhân và các bạn, tới ủng hộ nữ quyền hay bảo vệ môi trường.

Theo dòng động lực tăng trưởng kinh tế thế giới

Lý thuyết chu kỳ Kondratieff cho rằng các cuộc cách mạng trong nền kinh tế thế giới xuất hiện khoảng mỗi 40 – 60 năm. Những cuộc cách mạng này thường được dẫn dắt bởi những phát kiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và trở thành một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới. Đã có sáu chu kỳ như vậy kể từ thế kỷ 18.

Chu kỳ thứ 4 (1920 – 1950) chứng kiến sư dẫn dắt của ngành ô tô. Trong thời kỳ này, cứ năm việc làm ở Mỹ và bảy việc làm ở Đức thì có một việc liên quan tới ngành ô tô. Các chuyên gia cho rằng chu kỳ tăng trưởng thứ 6, bắt đầu từ khoảng 2005, đã được các hoạt động y tế, bao gồm cả phòng bệnh và chữa bệnh, khởi động. Sự phát triển của các đường chạy marathon hay các trung tâm thể dục và yoga kín người được xem như ví dụ phản ánh động lực tăng trưởng mới này.

Thể thao vừa sức, trong đó có chạy bộ, được coi là một tác nhân quan trọng giúp phòng tránh, chữa trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư. Bệnh không lây nhiễm được xem như thách thức của ngành y tế trong thế kỷ 21.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: