Nguyễn Đình 

Từ bảo tàng, đến hải cảng, nhà ga, ra đường phố… đâu cũng thấy hiện hữu những tác phẩm nghệ thuật đậm hơi thở đương đại.

Cao Hùng, một thành phố cảng phía nam xứ Đài, nơi được mệnh danh là “kinh đô” của nghệ thuật.

Một tác phẩm trưng bày được làm từ các container tại Trung tâm nghệ thuật Cảng số 2

Nhắc đến nghệ thuật đương đại, Cao Hùng từ lâu đã không xa lạ với các họa sĩ và những người yêu nghệ thuật ở Việt Nam. Từ các không gian triển lãm hội họa ở bảo tàng, tại các phòng tranh tư nhân, ra đến nghệ thuật đường phố, Cao Hùng luôn mang lại cho khách phương xa nhiều bất ngờ đến kinh ngạc khi hòa vào dòng chảy mãnh liệt của nghệ thuật đương đại. Điểm đến đầu tiên để có thể chạm vào những bất ngờ ấy, chính là khu Công xưởng nghệ thuật đường phố Cửu Như (Jiuru Street Art Factory) – thực chất chỉ là một khu nhà xưởng cũ của ga tàu bỏ hoang, được chính quyền thành phố mở cửa cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo nghệ thuật graffiti để biến khu vực này trở thành tâm điểm đầu tiên ở Cao Hùng – nơi có thể thăm quan nghệ thuật đường phố.

Chiếc ghế sắt hoang phế trở thành vật trưng bày trong tổng thể một trung tâm nghệ thuật
Tạo hình robot tại Trung tâm nghệ thuật Cảng số 2

Từ bước đà ban đầu, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng nghệ sĩ, khu cảng số 2 cũng được biến hóa trở thành Trung tâm nghệ thuật Cảng số 2 (Pier-2 Arts Centre) thuộc quận Diêm Trình (Yán Chéng). Nhộn nhịp, đẹp, lạ mắt, sống động chính là những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến khu vực này. Từ ngay cuối đường Dayong, bên dòng sông Tình yêu (Love river) ra hướng biển – điểm khởi đầu cho hành trình khám phá nghệ thuật đường phố ở đây là công trình kiến trúc nghiêng, được tái chế từ các container để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật màu đỏ đầy ấn tượng. Lối tạo hình thú vị ấy đã truyền tải thông điệp về một thành phố cảng container nhộn nhịp và năng động.

Trang trí nghệ thuật tại ga tàu điện ngầm
Trung tâm Triển lãm Cao Hùng
Công viên Singuang Riverside tại trung tâm thành phố Cao Hùng

Khu cảng số 2 không khác gì một bảo tàng ngoài trời, trưng bày vô số các tác phẩm, từ tranh vẽ tường, đến điêu khắc, sắp đặt, tất cả dàn trải đều đặn trên chiều dài hơn cây số dọc theo sông Tình yêu để du khách thỏa chí chiêm ngưỡng trong một không gian mở, cảm giác như hành trình khám phá nghệ thuật đường phố như được trải dài bất tận.

Có được diện mạo thú vị ấy ở lĩnh vực nghệ thuật đường phố, chính nhờ sự hậu thuẫn từ chính quyền, với rất nhiều sự kiện, hội thảo, liên hoan nghệ thuật đường phố diễn ra hàng năm… nhằm thu hút nghệ sĩ ở khắp trên thế giới tìm đến thể hiện tài năng của mình lên mặt tiền của các ngôi nhà, cảng, xưởng, nhà ga… Những tên tuổi quen thuộc có thể kể đến như Mr. Ogay, Bamboo Yang, Leho_Paint, Debe, Candy Bird hay Sen2 đến từ Puerto Rico, Sliks từ Brazil, Cloakwork từ Malaysia… Cục văn hóa Cao Hùng phát đi thông điệp rõ ràng về nghệ thuật đường phố rằng: “Quảng bá nghệ thuật nơi công cộng và quảng bá nghệ thuật đến với công chúng”.

Tạo hình mặt tiền của một tiệm cafe giống với thư viện khổng lồ 86

Bên cạnh khu cảng số 2, nghệ thuật đường phố còn xuất hiện dày đặc ở các địa điểm khác quanh Cao Hùng như khu nghệ thuật đường phố Lingya, được ví như ngôi làng nghệ thuật bởi dường như thứ gì hiện hữu trên đường phố đều được các nghệ sĩ khoác lên một lớp áo mới đầy sắc màu đương đại. Một điểm hẹn thú vị khác còn có khu nghệ thuật đường phố Qianjin – nơi có những tác phẩm của nghệ sĩ Xeva đến từ Hàn Quốc, khu vực quanh sân Bóng rổ Quốc gia là nơi nghệ sĩ Bamboo Yang thể hiện hình ảnh các vận động viên bóng rổ bao trùm cả tòa nhà. Fongsan cũng là một điểm lý tưởng khác để thăm viếng nếu nói về nghệ thuật đường phố.

Với người yêu thích khám phá nghệ thuật đường phố, Cao Hùng thực sự là chốn “thiên đường”, được mệnh danh là một trong những thành phố lý tưởng nhất châu Á, nơi nghệ thuật không giới hạn của đường phố có cơ hội thăng hoa.