Quế Chi
Tà áo dài và chiếc nón lá là những hình ảnh quen thuộc làm nên dáng dấp người phụ nữ Việt Nam dịu dàng.
Khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón lá nổi tiếng và mỗi loại nón đều mang những nét đẹp, sắc thái riêng. Nón lá bền đẹp nức tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ là nón lá làng Chuông ở huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 40km.
“Muốn ăn cơm trắng cá trê.
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”
(Ca dao)
Nón lá làng Chuông đã đi vào ca dao từ lâu bởi nghề truyền thống của làng đã có đến hơn 300 năm. Xưa kia, nón làng Chuông được những người thợ tài khéo làm ra để dâng lên hoàng hậu và công chúa. Hàng trăm năm qua, nón lá đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam để làm nên hình ảnh duyên dáng và yêu kiều. Ngày nay, dẫu ở những nơi phồn hoa đô hội ít thấy chị em làm đẹp với nón lá nhưng đây vẫn là vật dụng quen thuộc của những người phụ nữ nông thôn.
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
(Trích thơ “Nón làng Chuông” – Hoàng Cẩm Thạch)
Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông vẫn dễ dàng nhận thấy dáng dấp của một làng cổ có nghề truyền thống với những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay nguyên liệu làm nón. Đến làng Chuông để mua nón hay để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng thì du khách đừng quên những phiên chợ được họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của làng Chuông còn được lưu giữ đến nay. Phiên chợ làng Chuông chỉ bán sản phẩm truyền thống của làng. Du khách có thể vừa chơi chợ nón vừa quan sát, trò chuyện với các bà, các chị tay đang bán nón mà tay vẫn thoăn thoắt khâu nón. Chợ nón làng Chuông không chỉ bán nón thành phẩm mà còn bán đầy đủ nguyên liệu để làm nón, từ lá nón đến khuôn nón, dây cước, chỉ thêu… Chiếc nón giản dị nhưng được kết hợp từ nhiều nguyên liệu và trải qua các công đoạn tỉ mỉ của đôi tay người thợ. “Lá nón” là tên gọi của loại lá nguyên liệu chính để làm nón. Từ nguyên liệu lá nón thô, phải qua vài bước từ vò trong cát, phơi nắng, rẽ lá… rồi cuối cùng “là” lá cho phẳng để chuẩn bị xếp lá vào khuôn nón. Trước khi xếp lá vào khuôn thì người thợ phải làm các vòng nón. Những người làm nón làng Chuông đã có công thức được truyền lại từ nhiều đời là làm 16 lớp vòng từ chóp nón xuống vành nón. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón vừa đẹp, vừa có độ chắc và giữ được độ bền.
Khi ghép thành vòng phải tròn, chỗ nối không được có vết. 16 lớp vòng nón làm xong sẽ được đặt cách nhau đều đặn vào khuôn nón để xếp lá nón tiếp theo. Có hai lớp lá nón nhưng ở giữa còn có một lớp mo tre được xếp trên khuôn nón. Hình hài chiếc nón thô mộc bắt đầu hiện lên để chờ người thợ khâu nón hoàn tất. Khâu nón là công đoạn chính cuối cùng mà thực hiện khó nhất vì những lớp lá mỏng manh rất dễ bị rách. Đa phần công đoạn này đều được làm bởi những người có kinh nghiệm và khéo léo. Chiếc kim khâu được đưa lên, đưa xuống nhanh thoăn thoắt nhưng từng mũi khâu phải thẳng hàng, đường chỉ mềm mại, đều đặn từ vòng trong ra vòng ngoài. Những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí vào lòng nón những họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu hoặc chỉ khâu nhiều màu giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón. Chiếc nón lá trắng tròn trịa chỉ cần thêm một dải lụa mềm buộc làm quai nón đã tôn lên vẻ dịu dàng cho bao cô gái.
Các bậc cao niên ở làng Chuông luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu. Ở chợ nón, có không ít các cô bé vừa phụ giúp mẹ bán nón vừa ngồi học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại. Người làng Chuông tự hào hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng. Nón làng Chuông đã trở thành món quà đậm nét dân tộc đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.