Trúc Lâm

Từ hơn 10 năm nay các hãng thực phẩm lớn đã nhanh chóng triển khai chương trình nuôi trồng, chế biến và phân phối theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc gia

Một trong những mối quan tâm chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay là thực phẩm an toàn, điều này đã nổi lên trong tâm lý chung của xã hội từ nhiều năm nay. Khi trên các phương tiện truyền thông xuất hiện dày đặc các thông tin về ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, đồ ăn chứa dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật hoặc nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thì yêu cầu về thực phẩm sạch đã trở nên vượt trội. Với một đất nước hơn 80 triệu dân và mức tiêu dùng cho thực phẩm và đồ uống chiếm tới 40% tổng mức tiêu thụ thì câu chuyện về quản lý nguồn thực phẩm an toàn luôn là vấn đề nan giải. Theo thống kê gần nhất, hiện trong cả nước có 424 siêu thị, 23 đại siêu thị và gần 800.000 chợ truyền thống và các cửa hàng mini. Hàng nghìn nhãn hàng xuất hiện trong các siêu thị và chợ, hàng vạn chủng loại hàng hóa được cung cấp trên thị trường hàng ngày, trong đó rất khó biết mặt hàng nào thực sự thân thiện với sức khỏe con người, từ sữa cho tới thịt, trứng, bánh kẹo, rau củ quả…

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, từ hơn 10 năm nay các hãng thực phẩm lớn đã nhanh chóng triển khai chương trình nuôi trồng, chế biến và phân phối theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc gia. Với mặt hàng thịt, người tiêu dùng khá chuộng thương hiệu Vissan; Hạ Long và Cầu Tre, đó là những tên tuổi lớn từ nhiều năm nay. Song với bữa ăn hàng ngày của các gia đình, những miếng thịt tươi, mớ rau xanh, chục trứng gà… mua tại chợ hoặc cửa hàng nhỏ gần nhà vẫn là điều thiết yếu, do đó, thị trường gần như vẫn thuộc về các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Vừa đáp ứng nhu cầu mua theo đơn hàng lớn của các xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn, vừa thỏa mãn hàng triệu người nội trợ trong cả nước, bài toán này chính là cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Không khó để bắt gặp các sản phẩm được khẳng định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như thịt và xúc xích Đức Việt;  rau củ quả Hiếu Phát; rau sạch Đà Lạt… được bán trong hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích rải khắp các vùng trong cả nước. Tuy nhiên, còn hàng trăm nghìn chợ dân sinh, chợ truyền thống vẫn ngày ngày tiêu thụ hàng nghìn tấn thực phẩm đủ mọi chủng loại, chất lượng và nguồn gốc, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Câu chuyện về thực phẩm ngày nay đã xuất hiện trên cả nghị trường Quốc Hội, trong chương trình hội thảo của Bộ Y tế; Bộ Thương Mại; Cục Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…chứ không chỉ còn là vấn đề của doanh nghiệp và người tiêu dùng nữa.

Sở dĩ ngành thực phẩm sạch cho tới nay vẫn chưa đảm bảo cung ứng thực phẩm cho toàn xã hội chính nằm ở vấn đề chi phí đầu tư. Để có thể có được những miếng thịt heo, cá, tôm an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh, đòi hỏi chi phí cao gần gấp 2 lần so với cách chăn nuôi thông thường. Thói quen lạm dụng thức ăn công nghiệp cho ngành chăn nuôi, phun thuốc trừ sâu quá liều lượng của ngành rau quả… đã quá phổ biến ở khắp các vùng nghiên liệu. Trong khi đó, sản xuất thực phẩm sạch yêu cầu không dùng thuốc tăng trọng, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại cho nuôi trồng, điều đó dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao và hình thức bề ngoài của rau quả không được bắt mắt cho lắm. Dễ dàng nhận thấy trong hệ thống siêu thị và tràn ngập trên các trang mạng những lời quảng cáo cho sản phẩm sạch, nuôi trồng bằng hệ thống thủy sinh, vi sinh… Nhỏ lẻ hơn là hình thái bán sản phẩm tự làm của các hộ gia đình, từ giá đỗ cho tới bánh kẹo, từ gà nuôi vườn nhà cho tới sữa chua tự chế… Khá thú vị khi biết hình thái kinh doanh này đang dần nở rộ, nhất là trong khối nhân viên văn phòng ở các đô thị lớn. Sự xuất hiện của khái niệm home-made trong thực phẩm này nói lên một tâm lý mong muốn sự an toàn cho những bữa ăn, đồng thời cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội.

Không phải doanh nghiệp nào khi đầu tư vào sản xuất cũng đủ nguồn lực để mua sắm thêm kho lạnh, xe cấp đông, chuỗi cửa hàng phân phối, song vẫn có thể tìm ra thị phần của riêng mình thông qua phương thức tiếp thị bằng facebook, giao hàng tận nơi và không giới hạn số lượng cho mỗi đơn hàng. Đây là con đường mà rất nhiều đơn vị quy mô vừa và nhỏ đang thực hiện nhằm tránh đối đầu trực diện với các đối thủ lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo dự báo của tổ chức Euromonitor International, tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số 11,4% trong giai đoạn 2014- 2018, vượt xa so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhìn nhận về cơ hội tăng trưởng, ông Hứa Xuân Sinh, giám đốc điều hành thực phẩm Đức Việt cho biết: “ Trong 15 năm hình thành và phát triển, hãng luôn duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức 2 con số, trên dưới 20%. Có được thành công này là nhờ Đức Việt đã nắm bắt được nhu cầu thỏa mãn nhu cầu về thực phẩm an toàn, tiện lợi của người tiêu dùng”. Trong thời gian tới, khi cánh cửa hội nhập TPP đang dần mở rộng, ngành thực phẩm cũng như tất cả ngành khác của Việt Nam đòi hỏi có những đổi mới mạnh mẽ hơn, tìm ra hướng đi phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên xem xét để thu gom việc quản lý thực phẩm vào một đầu mối, tránh sự chồng chéo như hiện nay. Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, có thể tham khảo mô hình hoạt động của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ – FDA để áp dụng tại Việt Nam, như vậy mới dễ dàng và hiệu quả trong quản lý sự an toàn cho những bữa ăn của người Việt.