Lê Anh
Là thành phố lớn thứ hai ở Campuchia nhưng là thành phố du lịch nổi tiếng nhất đất nước Chùa Tháp, Siem Reap mỗi ngày đón hàng nghìn lượt du khách tới tham quan và khám phá tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer. Hãy cùng tạp chí Heritage ghé thăm những ngôi đền nổi tiếng trong quần thể Angkor đã trở thành Di sản của nhân loại
Đón bình minh ở kì quan Angkor Wat
Tất cả các ngôi đền ở Angkor đều quay về hướng đông, duy chỉ có khu đền Angkor Wat – quay về hướng tây. Chính vì thế, Angkor Wat đón du khách nhiều nhất vào hai thời điểm bình minh và hoàng hôn. Nếu để đón hoàng hôn thì có vẻ như lịch trình khám phá khu đền tháp sẽ bị đảo ngược khi du khách phải vào tham quan khu đền trước rồi quay ra chính diện khi bóng chiều buông xuống. Còn đón bình minh lại khơi gợi nhiều cảm xúc hơn cả khi khu đền tháp uy nghi dần hiện lên trên nền trời chuyển động màu sắc. Băng qua quãng đường xuyên rừng già từ khi trời còn tối đen như mực, du khách sẽ đến được Angkor khi bóng đêm dần tan. Khoảng không gian tĩnh mịch được đám đông khách du lịch tôn trọng tối đa và ai cũng âm thầm tìm cho mình một vị trí quan sát đẹp nhất. 5 ngọn tháp uy nghi dần hiện rõ trên nền trời chuyển màu từ xám sang hồng nhạt rồi tím biếc. Chỉ sau vài phút, bức tranh đền tháp được chuyển sang màu cam rực rỡ. Mặt trời lên dần từ phía sau Angkor Wat, không gian càng trở nên kỳ bí khi 5 ngọn tháp được in bóng xuống mặt nước hồ phía trước để trước mắt du khách như hiện lên hai khu đền tuyệt đẹp. Khi những tia nắng bắt đầu chiếu tới đỉnh tháp là lúc du khách đã di chuyển vào tham quan phía trong khu đền. Men theo hành lang dài hun hút trong không gian gần như yên lặng tuyệt đối, du khách nào cũng chìm trong suy tư, thả hồn theo những tuyệt tác điêu khắc trên đá của nghệ nhân Khmer. Để ngắm toàn cảnh thành phố Siem Riep cũng như quần thể đền tháp Angkor trong không gian trong trẻo sớm mai du khách hãy chinh phục cầu thang dốc hẹp dẫn lối lên tầng ba của ngôi đền.
Những mặt tượng bí ẩn ở Đền Bayon
Nổi tiếng không kém Angkor Wat là Angkor thom – đây chính là kinh đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc khmer. Đến nay, Angkor thom chỉ còn lại những di tích là đền thờ những vị thần và tổ tiên của các vương triều Khmer. Nằm ở trung tâm của quần thể này và được biết đến nhiều nhất là ngôi đền Bayon. Quy mô và kiến trúc của đền Bayon luô đem đến sự ngưỡng mộ cho du khách về nghệ thuật xây dựng của người Khmer xưa. Một câu hỏi lớn là những khối đá sa thạch và đá ong đã được vận chuyển về đây như thế nào để xây dựng được ngôi đền với 54 tháp lớn nhỏ như vậy? Cách lí giải thuyết phục được nhiều sử gia cũng như giới khảo cổ chấp nhận là người Khmer xưa đã sử dụng một hệ thống kênh đào để vận chuyển những khối đá nặng đến 1,6 tấn từ mỏ đá, vượt qua hơn 30km đến công trình xây dựng.
Đền Bayon có tất cả 216 mặt tượng trên đỉnh của 54 tháp, mỗi tháp chính là một bức tượng có 4 mặt quay về bốn hướng. Những bức tượng có 4 mặt đều mỉm cười là đại diện cho vị thần nào, thể hiện triết lý từ, bi, hỉ, xả của nhà phật hay chính là gương mặt vua Jayavarman VII đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bayon được xem là một kiến trúc kì lạ mà lãng mạn bởi các tháp tượng bằng đá nhưng đường nét lại thanh thoát, tự nhiên với những khuôn mặt bao dung mà vô thường.
Đền Ta Prohm với những rễ cây cổ thụ kì quái
Đền Ta Prohm nằm ở phía đông của Angkor thom cũng là nơi được nhiều du khách viếng thăm. Đây chính là phim trường của siêu phẩm nổi tiếng “Bí mật ngôi mộ cổ” do Hollywood sản xuất. Ngôi đền nằm lọt giữa một vùng cây cối um tùm và được lưu giữ nguyên vẹn như lúc phát hiện vào thế kỉ 19. Một cảm giác choáng ngợp hiện hữu khi nhìn thấy những rễ cây cổ thụ như những con trăn khổng lồ trườn bò, ôm cuốn quanh đền một cách ma quái. Rễ cây xâm lấn xuyên các vách đá hay phủ dài từ đỉnh đền, xuyên qua mái cắm chặt xuống nền đất. Nhiều điện thờ bị rễ cây xâm lấn nặng nề nên việc bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Khung cảnh kì bí cùng với những truyền thuyết bí ẩn của ngôi đền luôn mê hoặc du khách. Xưa kia, Ta Prohm vừa là một tu viện phật giáo vừa là nơi vua Jayavarman vII tôn vinh hoàng tộc. Đến đời vua Jayavarman VIII thì ông ra lệnh phá huỷ những hình tượng mang dấu ấn Phật giáo để thay vào những hình tượng Bà La Môn. Vì thế, những dấu tích kiến trúc, điện thờ còn lại đến nay có sự pha trộn giữa Phật giáo và Bà La Môn.
Đền Banteay Srei – nơi nghệ thuật chạm khắc thăng hoa
Banteay Srei là ngôi đền thờ thần Shiva có hơn 1.000 năm tuổi được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ. Mặc dù cách khá xa trung tâm thành phố Siem Reap nhưng đền Banteay Srei luôn là điểm đến được khách du lịch yêu thích bởi nơi đây được tôn vinh là viên ngọc quý của nghệ thuật Angkor. Là một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất nên du khách có thể chiêm ngưỡng những tuyệt tác điêu khắc vẫn còn nguyên vẹn. Qua bao thăng trầm lịch sử, mưa nắng của xứ nhiệt đới, những nét chạm trổ tinh xảo, mềm mại mà khỏe khoắn vẫn cuốn hút người xem chìm vào thế giới
nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa Khmer. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật điêu khắc tại đền Banteay Srei gần với kỹ thuật chạm khắc trên vàng hay gỗ hơn là trên đá.
Ta Keo – ngôi Đền duynhất không có Điêu khắc Đá
Nghệ thuật điêu khắc đá được nhìn thấy ở tất cả các công trình ở Angkor, ngoại trừ đền ta keo bởi đây là ngôi đền duy nhất chưa được hoàn thành ở quần thể Angkor thom. Sự khác thường này cũng là điểm thu hút sự chú ý của du khách cũng như những người ưa thích nghiên cứu nghệ thuật xây dựng. Một điểm khác biệt nữa của đền ta keo là đền được xây dựng từ đá sa thạch màu xanh lá đem đến màu sắc nổi bật so với các ngôi đền màu nâu hoặc màu xám trong quần thể Angkor.
Đền Ta Keo được xây dựng dưới triều của vua Jayavarman V và dự kiến hoàn thành năm 1.000. Tuy nhiên, do cái chết bất ngờ của nhà vua nên ngôi đền bị dừng thi công kể từ đó. Giai đoạn này là thời điểm mà các cấu trúc của ngôi đền đã được hoàn thành. Tuy còn dang dở nhưng dáng vẻ thô mộc, vững chãi của ngôi đền vẫn là điểm nhấn trong quần thể đền tháp lừng danh ở Angkor.