Hùng Cường

Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển và ngày càng có nhiều cây cầu nối hai bờ sông để người dân Nam Bộ giao thương, sinh hoạt thuận tiện nhưng không vì thế mà những khu chợ nổi có lịch sử trăm năm tuổi bị lãng quên. Người dân miền sông nước vẫn duy trì tập quán buôn bán, họp chợ trên những khúc sông.

Khách du lịch đến với miền sông nước Nam Bộ thường không muốn bỏ qua cơ hội khám phá chợ nổi – một trong những nét đặc trưng của cuộc sống nơi đây. Khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới hơn chục chợ nổi với quy mô tương đối lớn, ở đó hoạt động buôn bán tấp nập với ghe, thuyền xuôi ngược theo dòng con nước. Có thể kể đến những chợ nổi có tiếng mà khách du lịch thường tới là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phong điền (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Châu đốc (An Giang), chợ nổi Cà mau… Thuở ban đầu hình thành tập quán buôn bán, trao đổi hàng hóa trên sông hay hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cư dân đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu mang đến chợ nổi những mặt hàng nông sản. Dần dần, hàng hóa ở chợ nổi trở nên đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu của cuộc sống từ hàng thủ công truyền thống của từng vùng đến hàng gia dụng thiết yếu, đồ ăn thức uống, thậm chí cả những dịch vụ như cắt tóc, sửa máy, sửa cân… Những chiếc ghe đầy ắp trái cây hẳn là hình ảnh quen thuộc ở chợ nổi nhưng du khách sẽ vô cùng thích thú khi đi chơi chợ mà được trải nghiệm cả những nét văn hóa ẩm thực độc đáo từ những ghe thuyền bán các món ăn dân dã của Nam Bộ.

Giống như các khu chợ truyền thống, chợ nổi cũng họp từ sớm, khi trời còn mát và nắng còn chưa lên. Từ 5,6 giờ sáng, những chiếc ghe, thuyền chất đầy sản vật đã ngược xuôi trên các khúc sông. Thuyền to, ghe nhỏ, xuồng máy đi lại như mắc cửi. mặc dù vậy, rất hiếm khi có một vụ va quệt nào xảy ra. Các phương tiện đi lại trên mặt sông như có quy ước ngầm về sự nhường nhịn đúng với bản tính chân chất của con người miền Tây. họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, rộng rãi và phóng khoáng mênh mông. Khi đến gần trung tâm chợ, các ghe xuồng đều đi chậm lại. Ghe, thuyền chở sản vật đi chậm để mời chào hàng hóa. Ghe, thuyền của du khách đi chậm để ngắm nghía cảnh chợ và chọn mua những mặt hàng đặc sản nơi đây. một trong những hình ảnh có sức hút đặc biệt ở chợ nổi là “cây bẹo” – chiếc sào tre treo các mặt hàng được bán trên ghe, thuyền. Những thuyền bán cùng mặt hàng ở chợ nổi không quy tập vào từng vị trí như chợ trên bờ mà cứ lênh đênh qua lại mặt nước, khách hàng sẽ tìm cây bẹo để mua theo nhu cầu. Cây bẹo treo lỉnh kỉnh nhiều thứ đồng nghĩa với ghe, xuồng ấy buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú. Từ xa, khách chỉ cần nhìn vào các cây bẹo để quyết định mua mặt hàng gì và len lỏi để tới được ghe, xuồng đó. Người dân địa phương thường hay nói về cây bẹo là “treo gì bán nấy” và khi bán hàng thì” nói sao bán vậy”. hầu như những người dân buôn bán ở chợ nổi thường không nói thách và khách du lịch có trả giá thì cũng chỉ cốt để được giao lưu, nói chuyện với những chủ ghe hồn hậu. hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách còn có thể tìm hiểu về sinh hoạt của những gia đình thương hồ cư trú trên chính những chiếc ghe mà họ buôn bán. Có thể thấy cả đại gia đình ba thế hệ cùng sống trên “căn nhà di động” và gắn bó quanh năm nơi mặt nước này. Chính vì thế, trên ghe có đủ cả vật dụng gia đình thiết yếu, thậm chí cả cây cảnh, vật nuôi thân thiết của gia đình. Thoáng chùng lòng trước cuộc sống mưu sinh vất vả miền sông nước nhưng du khách cũng không khỏi cảm mến tinh thần lao động, bản tính lạc quan của cư dân nơi đây.

Ghé chơi chợ nổi, du khách cũng đừng quên xuôi thuyền đến những miệt vườn. hành trình khám phá sông nước Cửu Long sẽ mang đến cho du khách nhiều cảm xúc. Không còn gì thú vị hơn khi được nghe một điệu đờn ca tài tử ở chính không gian diễn xướng dân gian của nó hay hình ảnh thiếu nữ miệt vườn đằm thắm trong tà áo bà ba đang dịu dàng khua mái chèo rẽ sóng hiện ra trước mắt sẽ đẹp hơn bất kỳ bức hình nào bạn đã từng chiêm ngưỡng về sông nước Nam Bộ.