Đỗ Thị Thắm
Săn mây, săn ruộng bậc thang mùa lúa chín, săn bình minh ghềnh đá, săn ráng chiều mùa nước nổi… Phong cảnh thiên nhiên luôn là đề tài cuốn hút muôn thủa cho các nhiếp ảnh gia, đặc biệt là những người sáng tác trẻ.
Phong cảnh tưởng chừng là đề tài dễ chụp nhất, ấy thế mà để gắn bó, thành danh với mảng đề tài này lại không phải ai cũng theo được.
Tay máy nổi danh trong đội “săn mây”, “săn” cảnh miền núi phía Bắc, phải kể đến Khánh Sói Sầu (Lê Việt Khánh). Theo dõi những cung đường sáng tác của anh hơn 10 năm qua, có thể cảm nhận được cái say nghề của một nghệ sĩ dám xả thân. Anh viết trên facebook cá nhân “Xông vào những con đường đá nhỏ dẫn sâu vào trong vùng thâm sơn ít người lui tới, nhiều lúc lại khám phá ra những góc chụp đẹp đến bất ngờ”. Quả ngọt của những nỗ lực ấy là các tác phẩm không phải ai cũng có được. Đó là những cảnh mây luồn bản mà “… sau 4 năm liền kiên trì mai phục, cuối cùng tôi cũng chộp được mây luồn qua bản Ngải Trồ”, là bộ ảnh 4 mùa về là nóc nhà thờ Mân Côi ở Sapa biến ảo qua các mùa xuân hạ thu đông…
Chung thủy và thành danh với đề tài Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Xuân Chính có một kho tàng các khoảnh khắc khó quên của một thủ đô ngàn năm văn hiến đa sắc diện. Anh cho biết “Tôi nghĩ Hà Nội chụp mãi cũng không hết được, mặc dù Hà Nội thay đổi rất nhiều, thay đổi về không gian, thời gian”. Và Xuân Chính vẫn tiếp tục ấp ủ thêm những “Góc nhỏ Hà Nội ”, để người xem có cơ hội thưởng lãm những “lát cắt” độc đáo hơn nữa về Hà Nội của anh.
Nhiếp ảnh gia Andre Lưu lại tạo ấn tượng với những bức ảnh phong cảnh rất đặc sắc bằng kỹ thuật phơi sáng cầu kỳ. Có hiểu biết trong lĩnh vực cơ khí chính xác, Andre Lưu nổi tiếng trong giới là người chuyên “độ” (mod) lại thiết bị cho phù hợp với nhu cầu, tối ưu hóa các đồ nghề cho mục đích sử dụng chuyên nghiệp của mình, như chân máy và đầu bi (tripod & ballhead), đèn pin để chiếu vào vùng tối tiền cảnh (color corrected headlamp)… Anh cũng được giới trong nghề ghi nhận là người hay chia sẻ hướng dẫn về kỹ thuật chụp, kiến thức về bố cục sáng tác, thiết bị, và cả các địa điểm chụp độc đáo.
Nhập môn muộn hơn, mới từ 2012, và lại ở tỉnh xa (Quy Nhơn), ban đầu Trần Bảo Hòa cũng tìm tòi nhiều ở các chủ đề đời thường, chân dung …, nhưng cuối cùng anh bén duyên với ảnh phong cảnh. Hòa tìm lối đi riêng cho mình bằng cách khai thác chuyên sâu các chuyên đề để tránh trùng lặp. Các bộ ảnh phong phú, như “Mùa của biển”, “Mùa vàng muôn nẻo”, “Việt Nam huyền ảo trong sương”… là những bộ ảnh công phu, có thể phải mất vài năm thực hiện mà tác giả vẫn chưa ưng ý.
Điểm qua các gương mặt sáng tác được coi là “toàn tâm toàn ý” cho nhiếp ảnh chuyên phong cảnh hiện nay, có thể thấy đây là một lực lượng sáng tác trẻ và hùng hậu. điều kiện sáng tác ngày càng thuận lợi giúp cho cộng đồng này ngày một mở rộng. Người mua ảnh phong cảnh ngày một nhiều, cũng là sự cộng hưởng, khích lệ lớn cho giới làm nghề. Đà phát triển này hứa hẹn mang lại cho người xem những cảnh sắc tuyệt vời của đất nước ở góc nhìn mới đặc sắc hơn.