Khương Văn

 

Hiếm nơi nào hội tụ nhiều mảng màu văn hóa đối lập như Cebu, thành phố được mệnh danh là “Nữ hoàng phương Nam” của Philippines.

Chuyến bay nội địa từ Manila đáp sân bay Mactan lúc xế chiều. Bằng vốn tiếng Anh sành sỏi, tài xế đón tôi nói Cebu giờ này sẽ kẹt xe, có lẽ phải mất một tiếng rưỡi mới đến được khách sạn trong trung tâm thành phố. Tôi chậm rãi ngắm nhìn nhịp sống của thành phố lướt qua ô cửa kính chiếc taxi cũ.

Con đường xuyên rừng gỗ ở đảo Bohol

Di sản phương Tây giữa lòng châu Á

Đường phố Cebu như một bức tranh màu sắc được tô vẽ bởi những chiếc Jeepney hoài cổ song hành với hàng dài xe ngoại nhập đang nhích từng chút một trên đường phố chật chội. Thi thoảng vài chiếc xe ngựa lướt qua trước sự thích thú của du khách. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là cách người Cebu cân bằng giữa truyền thống với hiện đại trong dòng chảy văn hóa giao thoa Đông – Tây.  Giữa nhịp sống hối hả của thành phố lớn thứ hai Philippines, người dân Cebu vẫn giữ lại cho mình những giá trị truyền thống đặc biệt. Khắp thành phố là những nhà thờ cổ kính, những công trình kiến trúc đậm chất châu Âu. Đầu thế kỷ 16, quân đội Tây Ban Nha chiếm đóng nơi này và bắt đầu xây dựng Cebu thành trung tâm văn hóa, kinh tế sôi động bậc nhất. Nổi bật trong số đó là Vương cung thánh đường Minore Del Santo Nino. Đây được xem là trung tâm hành hương của các tín đồ công giáo. Cạnh Vương cung thánh đường là biểu tượng của Cebu – nơi thuyền trưởng Magellan trồng cây thánh giá đầu tiên ở Philippines.

Vương cung thánh đường Minore Del Santo Nino

Cách Santo Nino khoảng 10 phút đi xe là là pháo đài lâu đời nhất bên bờ biển của Philippines. Ngày nay, San Pedro trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Cebu.

Những chiếc xe Jeepney sặc sỡ trên đường phố Cebu
Xíc-lô máy
Jeepney là phương tiện mang ý nghĩa phổ biến tại Cebu

Văn hóa Cebu trên những chuyến xe Jeepney sặc sỡ

Giống xích lô ở Việt Nam hay tuk tuk của Thái Lan, Jeepney là phương tiện giao thông phổ biến ở Cebu. Đặc điểm dễ nhận thấy của Jeepney là thiết kế bắt mắt với những màu sắc đậm chất hoài cổ. Phần đầu máy chủ yếu được lấy từ những chiếc xe Jeep cũ của Mỹ, thân xe được kéo dài ra sau thành hai băng ghế có thể chở được 20 khách cùng lúc.

Cebu nhìn từ cửa kính chiếc taxi cũ khác hẳn với khi bạn ngồi trên một chiếc Jeepney. Chiếc xe sắc màu bon bon lướt trên đường phố trong sự hồi hộp, phấn khích của vài vị khách ngoại quốc. Những người bản xứ thoải mái trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh, đây được xem là ngôn ngữ chính thứ hai ở Philippines. Họ cũng rất cởi mở với du khách, một cậu trai trên chuyến xe Jeepney đã chủ động bắt chuyện và dẫn chúng tôi đi ăn Lechon – món heo sữa quay giòn được xem như đặc sản của Cebu.

Buổi tối, chúng tôi bắt một chiếc Tricycle để khám phá Cebu về đêm. Cũng như Jeepney, Tricycle là phương tiện giao thông tự chế gồm một cabin nối vào xe máy có thể chứa được 2 đến 6 người. Giá trung bình khoảng 8 peso một người cho quãng đường 5km.

Khác vẻ cổ kính ban ngày, Cebu về đêm lại trở về đúng bản chất của một thành phố đang trên đà phát triển. Các quán ăn vỉa hè trải dài trên những con phố đông đúc. Đằng sau ánh đèn màu nhấp nháy và một nền kinh tế đêm sôi động với đủ hoạt động vui chơi giải trí từ ăn uống bình dân đến thể thao mạo hiểm.

Cebu là thiên đường biển đảo
Những hòn đảo hoang sơ ở Cebu cũng là nơi trú ngụ của nhiều động vật hoang dã
Du thuyền khám phá biển đảo Cebu

Thiên đường biển đảo

Hiếm có thành phố nào kỳ lạ như Cebu. Bạn có thể tìm mua những món đồ thời trang nổi tiếng ngay trên con đường cổ nhất Philippines hay ngồi thuyền vài chục phút để đi từ trung tâm thương mại sầm uất đến những ốc đảo hoang sơ.

Tôi dành trọn một ngày để khám phá Hilutungan, hòn đảo được mệnh danh đẹp nhất Cebu với những rạn san hô màu sắc. Điểm đặc biệt của biển Cebu là sóng rất êm, nước biển quanh năm xanh trong và các bãi tắm không dốc. Bạn có thể đi bộ hàng cây số trên mặt biển với mực nước ngang đầu gối.

Nếu Hilutungan khiến du khách ngỡ ngàng bởi những rừng san hô đầy mê thì đảo Caohagan lại là thứ gì đó rất khác lạ. Sau khi thỏa sức bơi lội bên những bãi biển trong veo có thể nhìn thấy đáy, bạn sẽ được thưởng thức bữa trưa theo phong cách bản địa. Đồ ăn được trải dài trên những tấm lá chuối ghép lại. Cơm trắng được nắm chặt, đặt cạnh hải sản nướng, chấm cùng thứ nước chấm truyền thống kết hợp từ nhiều gia vị lạ miệng. Tất cả đều ăn bốc theo văn hóa bản địa.

Những ngọn đồi Chocolate bí ẩn ở đảo Bohol

Truyền thuyết bí ẩn về những ngọn đồi chocolate

Cách Cebu khoảng 80km là đảo Bohol, hòn đảo khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của thành phố. Nơi đây không chỉ có bờ biển trải dài với các khu biệt thự nghỉ dưỡng mà còn có những con đường tuyệt đẹp uốn lượn giữa rừng gỗ khổng lồ. Đặc biệt nhất là những ngọn đồi chocolate bí ẩn.

Từ cảng biển, tôi phải đi qua 4 thị trấn nhỏ để có thể ngắm nhìn những ngọn đồi kì thú này. Từ trên cao, bạn có thể thấy hàng trăm ngọn đồi nhỏ nằm san sát nhau. Mùa mưa chúng được phủ một lớp cỏ xanh mướt. Rồi đến mùa khô những ngọn đồi lại chuyển sang màu nâu vàng như chocolate. Người bản địa vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ ní về những ngọn đồi này.

Lãng mạn nhất là truyền thuyết về tình yêu của vị thần Arogo với một cô gái dưới trần gian tên Aloya. Họ đã có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau cho đến khi Aloya qua đời. Vì quá yêu thương nàng, thần Arogo đã khóc ròng từ tháng này sang năm nọ. Cuối cùng, những giọt nước mắt bi thương của chàng đã hóa thành những ngọn đồi như ngày nay.

Một truyền thuyết khác lại kể về một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa hai người khổng lồ. Họ đã giao chiến bằng cách ném những tảng đá khổng lồ vào đối phương. Sau khi quá mệt họ quyết định làm hòa, trở thành bạn bè và rời đi, để lại bãi chiến trường là những ngọn đồi san sát như bây giờ.