Trần Hồng Ngọc
Trên “Con đường tơ lụa” cổ từ Trung Hoa tới Ba Tư, Uzbekistan là đất nước quan trọng bậc nhất ở phân nhánh Trung Á. Vùng đất xinh đẹp này đã chứng kiến sự phát triển cực thịnh rồi suy tàn của các đế chế hùng mạnh nhất thế giới như Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn và Đại đế Timur. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa lớn, những giá trị truyền thống và hiện đại cùng với nghệ thuật kiến trúc Hồi giáo đạt tới đỉnh cao đã khiến Uzbekistan tỏa sáng rực rỡ như một viên ngọc quý giữa sa mạc.
Samarkand – Kinh đô của những đại đế
Samarkand đã khiến tôi ngẩn ngơ và trầm trồ thán phục khi đứng trước những công trình kiến trúc tại đây. Thành phố hơn 2.000 năm tuổi có lịch sử lâu đời và tầm quan trọng không kém Rome hay Athens này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2001. Từ thứ kỷ thứ 6 tới 13, Samarkand được cai trị bởi rất nhiều các đế chế như Turks, Ả Rập, Ba Tư, Mông Cổ và Timur. Năm 1370, Timur Đại đế quyết định chọn Samarkand là thủ đô và trong suốt triều đại Timur, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp đã được xây dựng. Samarkand được coi là trung tâm chính trị và văn hóa của châu Á trong thế kỷ 14 và 15.
Sự phồn thịnh và quyền lực một thời của cố đô vẫn còn nguyên vẹn ở quảng trường Registan – trái tim của Samarkand; Bibi Khanym – một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất thời cổ đại; quần thể Shah-i-Zinda; Gur-e-Amir và lăng mộ hoàng đế Timur. Bên cạnh đó là những công trình không kém phần nổi bật như các học viện Hồi giáo, thánh đường và bảo tàng trưng bày các hiện vật quý giá của triều đại Timur, tái hiện sống động thời vàng son của Samarkand.
Trên quảng trường Registan có ba học viện Hồi giáo Ulugh Beg, Tilya Kori và Sher-Dor. Quần thể kiến trúc này đã trở thành một tượng đài của kiến trúc phương Đông. Thánh đường Bibi-Khanym được đặt theo tên người vợ được sủng ái của Timur. Bà đã ra lệnh xây dựng thánh đường nhằm vinh danh chiến thắng tại Ấn Độ của Timur. Hơn hai trăm kiến trúc sư, thợ thủ công bậc thầy và năm trăm nô lệ đã được huy động để xây dựng nơi này. Gần năm trăm cột đá đã được cắt và vận chuyển bằng voi từ các mỏ đá cẩm thạch tới Samarkand. Mái vòm của sảnh chính cao tới 41m, nơi này đã từng là nhà thờ hồi giáo lớn nhất thời kỳ đó. Phần bên ngoài và bên trong của mặt tiền cổng vòm của các công trình kiến trúc tại Samarkand đều được trang trí bằng nhiều loại gạch men với hoa văn chạm khắc tinh xảo, sống động. Tổng thể, các công trình xây dựng đều có nhiều gam màu xanh tượng trưng cho bầu trời, xanh ngọc là màu của sự sống và màu vàng của mặt trời.
Được tận mắt chứng kiến những di tích của một thời lẫy lừng, được tận tay chạm vào lịch sử, được đứng ở thành phố tôi đã mơ ước bấy lâu nay khiến tôi thật sự xúc động. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những di sản văn hóa quý báu các thế hệ trước đã để lại, tôi chỉ có thể ngả mũ thán phục và chìm đắm trong những kiệt tác này.
Rực rỡ và lãng mạn Bukhara
Nếu như Samarkand khiến tôi choáng ngợp thì Bukhara lại mang đến cảm giác bình yên và thơ mộng. Không khí ở Bukhara lãng mạn như một ly rượu vang vàng óng trong một buổi chiều hoàng hôn nhạt nắng.
Bukhara được phát hiện từ đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Tới kỉ thứ 9-10, Bukhara là thành phố phát triển và huy hoàng chỉ đứng sau thành Baghdad của Ba Tư. Bukhara đã thu hút rất nhiều trí thức và các học giả tôn giáo vì vậy nơi đây có danh hiệu Noble Bukhara hay Bukhara cao quý. Các học giả và sinh viên từ khắp thế giới Hồi giáo đã mang theo nền văn hóa của họ tới Bukhra trên hành trình dọc theo “Con đường tơ lụa”. Thành phố cổ lịch sử này là minh chứng đầy đủ nhất về một thành phố cổ Trung Á còn tồn tại cho đến ngày nay.
Nổi bật nhất là quảng trường Po-i-Kalyan gồm học viện Hồi giáo Miri-Arab, tháp và quảng trường Kalyan. Tháp Kalyan được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung vào thế kỷ 12, cao tới 48m và là tháp cao nhất Trung Á thời đó. Nơi này còn được sử dụng như ngọn hải đăng dẫn đường cho những đoàn thương nhân đi vào thành phố Bukhara. Nhưng công trình khiến tôi ấn tượng nhất phải kể đến học viện Hồi giáo Abdulaziz Khan được xây dựng vào giữa thế kỷ 17. Đây là công trình đánh dấu bước tiến vượt bậc của kiến trúc Trung Á. Cổng vào học viện được trang trí lộng lẫy với màu sắc tươi sáng. Bên trong, các bức tường và trần nhà của học viện là đỉnh cao của hầu hết tất cả các kỹ thuật trang trí được sử dụng trong thời gian đó: phù điêu, chạm khắc đá cẩm thạch, khảm gạch, vẽ tranh tường và mạ vàng.
Bên cạnh đó Bukhra còn có rất nhiều những công trình choáng ngợp như học viện Ulugh-Beg, Nadir Divan-begi, nhà thờ Hồi giáo Bolo Haouz, pháo đài Ark, quần thể Lyab-i Hauz…
Giấc mơ được đứng trước những thành phố vang vọng ngàn năm dọc trên con đường tơ lụa nhánh Trung Á của tôi đã được thực hiện. Thỉnh thoảng bất chợt, những mái vòm màu xanh ngọc, những ô cửa sổ học viện Hồi giáo lại hiện ra trong tâm trí của tôi bồi hồi. Có lẽ, tôi đã trót yêu vùng đất đặc biệt và gây thương nhớ này mất rồi.