Trúc Lâm
Vào mùa xuân, người Việt thường tìm về Quảng Ninh để chiêm bái vùng thánh địa Yên Tử, nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và thành đạo.
Với tâm thức về một đất nước vẹn toàn, lòng người đi vãn cảnh đầu năm thường nhớ tới những danh thắng có ý nghĩa về bờ cõi mà tổ tiên đã ra công mở mang và gìn giữ
Từ bao giờ chẳng biết, du xuân đã trở thành tập quán quen thuộc với các gia đình Việt Nam. Sau khi đã thắp dâng lên Trời Đất những nén hương thơm, sau những bữa cơm mừng năm mới, sau khi đã tới chúc Tết người thân, điều mà người Việt hay làm trong những ngày đầu của năm là rủ nhau đi tới các miền danh thắng. Tùy theo tín ngưỡng và sở thích, cũng tùy theo điều kiện mà người ta đi xa hay gần và ở khu vực miền Bắc, các đền chùa ở Quảng Ninh là đích tới quen thuộc.
Không chỉ vì một vùng vịnh biếc kỳ thú có hàng nghìn đảo nổi lô xô trên mặt biển được mang danh Di sản thế giới do UNESCO trao tặng, mà vào mùa xuân, người Việt thường tìm về Quảng Ninh để chiêm bái vùng thánh địa Yên Tử, nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Trên suốt một dải núi thiêng, có những ngôi chùa cổ kính, có chùa được trùng tu khang trang, và những nền chùa hoang vu chìm khuất dưới tán lá rừng, nhất là ở mạn Tây Yên Tử. Chạm tay vào hàng cây đại đã hơn 700 tuổi, ngắm nhìn hàng gạch đời Trần có họa tiết hoa cúc nổi được lát dưới lối đi trước bảo tháp đặt tượng Phật hoàng, lòng mỗi người sẽ thấy dâng lên niềm tự hào vô bờ với lịch sử của dân tộc khi cùng nhau nhắc lại những tích xưa. Ngày xưa đi Yên Tử cũng như vãn cảnh chùa Hương Tích là một hành trình khá gian khổ, phải đi mất 2 ngày và du khách thường chọn ngủ trọ ở cạnh chùa Hoa Yên rồi hôm sau vượt núi tới chùa Đồng. Còn ngày nay, với cáp treo, chuyến hành hương về đất Phật đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Rời khỏi Yên Tử, hướng về Cẩm Phả, khách du xuân sẽ nhập vào dòng người thành kính tới dâng hương ở đền Cửa Ông. Nằm trong khu dân cư nên ở đây không có cảnh sắc huyền bí của rừng sâu núi thẳm nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tâm thức của người dân đất Việt, bởi đây là nơi thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, con trai của đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đã là người Việt, có ai không biết tới cuộc kháng chiến thần kỳ, ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông của dân tộc và vai trò trọng yếu của những chiến thắng đó đều xuất phát từ tài thao lược, ý chí ngút trời của Hưng Đạo Đại vương. Công lao ấy lớn tới mức nhân dân các đời đều gọi Ngài bằng cái tên đầy kính trọng, Đức thánh Trần. Tôn thờ Đức thánh Trần, dân tộc cũng không quên công lao của các danh tướng dưới quyền, trong đó có Trần Quốc Tảng. Trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông, ông đã cùng các danh tướng khác đóng quân đồn trú tại Cửa Suốt (tên cũ của Cửa Ông) và bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải Đông Bắc Tổ quốc. Công lao ấy thật lớn lao nên hậu thế sau này vẫn giữ tập quán đầu năm tới đền dâng hương tưởng nhớ.
Du xuân trên đất Quảng Ninh còn biết bao thắng cảnh khác nữa, từ núi Bài Thơ lưu bút tích của vua Lê Thánh Tông, rồi chùa Cái Bầu có vị trí tuyệt đẹp bên bờ biển, chùa Lôi Âm tọa lạc trên đỉnh núi Linh Thứ trong lòng thành phố Hạ Long… Tuy nhiên với tâm thức về một đất nước vẹn toàn, lòng người đi vãn cảnh đầu năm thường nhớ tới những danh thắng có ý nghĩa về bờ cõi mà tổ tiên đã ra công mở mang và gìn giữ. Ngôi đình Trà Cổ trên miền đất Móng Cái địa đầu Tổ quốc là một nơi như vậy, rồi cụm đình chùa trên đảo Quan Lạn cũng là điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm. Phần vì đây là các công trình còn lưu giữ được nhiều đường nét kiến trúc cổ kính, phần vì vị trí nơi địa đầu nên mỗi người khi tới chiêm bái, dâng hương ngoài việc cầu bình an, may mắn còn như cảm thấy được bước tiếp trên con đường người xưa đã đi, đó là chung tay xây dựng một quốc gia bền vững trường tồn. Điều này thật có ý nghĩa không chỉ với mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà còn góp phần bồi đắp niềm tự hào của cả cộng đồng về một đất nước yên bình như lời thơ của vua Trần Nhân Tông đã từng viết:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(Dịch nghĩa: Ngựa đá đôi phen chinh chiến mỏi
Non sông nghìn thưở vững âu vàng)