Trúc Lâm
Tọa lạc tại tỉnh Champasak thuộc Nam Lào, ngôi đền Wat Phou là điểm đến không thể bỏ qua với mọi du khách. Người ta tìm về vùng đất này để được đắm mình vào không khí trong lành trên dòng Mekong, đi thuyền len lỏi giữa 4.000 hòn đảo để mong gặp cá heo nước ngọt, đồng thời để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của một công trình kiến trúc đã được dựng nên từ thế kỷ thứ 5 và tiếp tục được hoàn thiện vào thế kỷ 11 – 13. Sau biết bao biến động trong lịch sử, ngôi đền với chức năng ban đầu là nơi thờ cúng của Hindu giáo đã được chuyển đổi thành nơi thờ cúng theo đạo Phật vào thế kỷ 13 song vẫn giữ nguyên các đường nét kiến trúc mang dấu ấn của văn minh Angkor. Từ thủ phủ Champasak, du khách sẽ trải qua hành trình xe hơn một giờ đồng hồ để đến được khu vực đón tiếp phía ngoài và từ đây, hồ nước trong xanh với hàng cây hai bên sẽ bắt đầu chào đón bước chân khám phá của những vị khách đang tràn đầy sự háo hức trong tâm khảm.
Dù đã bị hư hại khá nhiều, Wat Phou vẫn tạo ra cảm xúc mạnh mẽ ngay từ những hạng mục di tích đầu tiên. Hàng cột linga đá đứng hai bên trục đường thần đạo mở lối tiến vào phía trong, tại đó hai ngôi đền đối xứng phô bày vẻ đẹp hoàn mỹ với bệ đá chạy viền xung quanh, mảng tường sa thạch và các chấn song cửa sổ đá tiện tròn. Từ chất liệu, kỹ thuật xây dựng đến phong cách mỹ thuật của Wat Phou đều tương tự như Angkor Wat ở Campuchia, dù quy mô công trình nhỏ hơn nhiều và không có những mảng phù điêu đá lớn. Tuy nhiên, kết cấu nền móng, kỹ thuật dựng cột và chồng đá của người xưa vẫn khiến hậu thế thán phục bởi sự chính xác của các mối ghép và sự ổn định của tổng thể công trình. Phía ngoài, pho tượng rắn thần Nagar còn khá nguyên vẹn là tâm điểm chú ý của du khách, bởi những người dân địa phương, theo tín ngưỡng lâu đời vẫn ngày ngày đặt lễ vật và gài hoa lên thân rắn thần. Dù theo lý thuyết của Hindu giáo hay Phật giáo, rắn thần Nagar đều là linh thú, đã hộ vệ Đức Phật đạt tới giác ngộ, từ đó mà hình tượng này xuất hiện rất phổ biến trong các điện thờ ở vùng Đông Nam Á.
Theo con đường lát đá đi lên sườn núi Phu Cao, du khách sẽ tới được ngôi đền thượng, tại đó còn lưu giữ được những mảng họa tiết chạm trổ vào đá sa thạch, hai bên khuôn cửa còn nguyên vẹn tượng Apsara nở nụ cười huyền bí từ hàng trăm năm trước và tượng thần bảo vệ Dvarapala uy nghiêm trông giữ thánh địa. Thật đáng ngạc nhiên khi hệ mái của đền thượng đã bị hư hại khá nhiều, song mảng phù điêu trên khuôn cửa lại được bảo tồn như mới, phô bày vẻ đẹp của những đóa hoa tung bay, hình mây lửa bao bọc hình tượng Phật chạm trên sa thạch. Pho tượng Phật bên trong khoác tấm cà sa vàng luôn đắm trong khói hương thơm ngát, và dù mái đền không còn nguyên vẹn, bên trong ngôi đền vẫn tỏa ra tinh thần tôn giáo mạnh mẽ, thu hút các tín đồ tới chiêm bái và khấn nguyện. Đứng từ tầm cao nhìn xuống, quần thể đền hiện lên với dáng vẻ bề thế, rộng rãi và cân xứng, cũng gợi nên cho hậu thế biết bao câu hỏi không có lời giải đáp. Ai có thể mường tượng tới những công sức của con người từ nghìn năm trước đã có thể khai thác đá, vận chuyển, đưa lên sườn núi cao để dựng thành ngôi đền thiêng này? Cũng như với nguồn gốc của Angkor Wat ở Campuchia hoặc các kim tự tháp Ai Cập, kỹ thuật xây dựng của người xưa luôn là một bí ẩn cho hậu thế, tại đây, rất nhiều câu hỏi sẽ được nảy sinh để sau đó hóa thành sự thán phục khôn nguôi dành cho các nền văn minh xưa.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc và kỹ thuật tạo tác đá, Wat Phou còn hấp dẫn du khách bởi sự hòa hợp của hai tôn giáo lớn, pha trộn thêm tín ngưỡng bản địa. Theo các tài liệu du lịch vẫn giới thiệu, du khách về Wat Phou vào tháng 3 Âm lịch sẽ được đắm mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm. Vào dịp đó, hàng vạn lít nước sẽ được té để mang lại muôn triệu niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời, các cuộc đua voi, đua thuyền sẽ tưng bừng tổ chức và những vũ điệu, lời hát sẽ tô điểm cho nhịp sống bình yên của vùng đất thiêng bên dòng Mekong.