Tạp chí Heritage tổng hợp

Mùa xuân đến, trăm hoa đua nở, khởi đầu cho một năm mới đầy hứa hẹn. Nhiều lễ hội được tổ chức khắp từ Bắc vào Nam, gửi gắm khát vọng cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Các lễ hội Việt Nam đa dạng, náo nhiệt và đặc sắc khắp mọi miền này cũng là những cơ hội tuyệt vời để du khách khám phá và cảm nhận những vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Cùng Heritage điểm qua năm lễ hội tuyệt vời cho những chuyến du xuân dưới đây nhé.

kham-pha-nhung-net-van-hoa-dac-sac-mua-le-hoi-viet-nam-dau-xuan

Khám phá những nét văn hóa đặc sắc mùa lễ hội Việt Nam đầu xuân
(Nguồn: Vietnam Discovery Travel)

1. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Gắn liền với truyền thuyết người anh hùng đánh giặc Ân cứu nước, ngay tại chân núi Sóc, mùng 6 Âm Lịch hàng năm, Hội Gióng lại diễn ra trong không khí hân hoan tưng bừng.  Đây là lễ hội để ca ngợi và vinh danh chiến công lẫy lừng, đồng thời mô phỏng lại cách đánh giặc của Thánh Gióng. Lễ hội bao gồm các nghi lễ: lễ Mộc Dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Chính vì quy mô và sự chuẩn bị chỉn chu, nên trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

le-hoi-den-giong-tai-nui-soc

Lễ hội Đền Gióng tại núi Sóc
(Nguồn: nem.vn)

2. Hội Minh Thệ thôn Hòa Liễu, Hải Phòng

Giữa hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ tại Việt Nam, Hội Minh Thệ mang đến một vẻ đẹp rất riêng. Đây chính là lễ hội dân gian Việt Nam được triều đình nhà Nguyễn ban tặng bốn chữ vàng: “Mỹ tục khả phong”.

Ngày 18 tháng 2 hằng năm, hàng nghìn người dân sẽ tề tụ về cụm di tích lịch sử đình, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng). Những người hành lễ là các  vị cao niên được tiến cử trong làng, đứng ra đọc lời hịch văn thề được lưu truyền. Sau khi lời thề vừa dứt, chủ tế sẽ cắm mạnh dao vào vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm của toàn thể mọi người.

hoi-minh-the-khong-tham-nhung-dang-dang-vat-pham

Hội Minh Thệ “không tham nhũng” đang dâng vật phẩm
(Nguồn: Giadinhnet)

3. Lễ hội đền Trần, Thái Bình

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội đền Trần, Thái Bình ngày càng được bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vốn có. Lễ hội không chỉ tôn vinh một vương triều hưng thịnh khi xưa, mà còn là một giá trị truyền thống cần được lưu truyền.

Lễ hội Việt Nam này mở đầu với chuỗi các hoạt động, nghi thức: Lễ dâng hương tại 3 gò mộ Vua, tế mở cửa đền Thánh, đền Mẫu, đền thờ vua Trần; lễ rước nước… Sau đó sẽ diễn ra các hoạt động lễ tế tại sân tiền tế đền Vua, đền Thánh, đền Mẫu. Nhiều hoạt động, trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, gồm: thi cỗ cá, thi vật cầu, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi pháo đất…

di-tich-den-tran-o-thai-binh-noi-dien-ra-le-hoi

Di tích đền Trần ở Thái Bình – nơi diễn ra lễ hội
(Nguồn: thanglongdaoquan.vn)

4. Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông

Đây là cái tên tiêu biểu trong những lễ hội của người Mông ở Lào Cai. Lễ hội được tổ chức để gửi gắm những lời cầu chúc về con cái, sức khỏe, mùa màng bội thu hay làm ăn thịnh vượng. Đây là lễ hội xuân lớn có sự tham gia đông đảo của đồng bào Mông.

Cây nêu là vật phẩm linh thiêng trong lễ hội này. Cây được lựa chọn cần đạt những tiêu chí khắt khe như: thẳng, không bị sâu, đổ, cụt ngón… Ngọn hướng về phía đông, thể hiện sự sinh sôi, trên cây nêu sẽ là một dải màu đỏ, đen, rượu, sâu bạc, nắm ngô hay thóc. Ở phía dưới sẽ là lễ vật để dâng cúng thần linh.

Trong lễ hội này, người dân sẽ lên đồi Gầu Tào để cầu khấn điều mong mỏi. Và khi mong ước đã thành hiện thực, họ phải làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh đã ban phước lành.

hoat-dong-thu-vi-tai-le-hoi-gau-tao

Hoạt động thú vị tại lễ hội Gầu Tào
(Nguồn: Trekking Camping)

5. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Tuyên Quang

Đây là lễ hội truyền thống diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng mỗi năm, để nguyện cầu một năm mưa thuận, gió hòa, ấm no hạnh phúc… Mở màn là phần lễ rước chín mâm Tồng từ đền Bách Thần về trung tâm sân vận động huyện Chiêm Hóa. Trong thời gian rước, các trận múa lân “xuống đồng” được diễn ra để tạo không khí náo nhiệt cũng như khuấy động đất trời.

Khi nghi lễ xuống đồng kết thúc cũng là thời gian cho những trò chơi dân gian mùa xuân quen thuộc, như: tung còn, kéo co, đẩy gậy. Đây là thời điểm đồng bào dân tộc Tày cùng nhau chung vui, cầu mùa và tạ ơn trời đất đã mang đến yên vui cho mọi nhà.

le-hoi-long-tong-duoc-dien-ra-duoi-su-te-tu-dong-dao-cua-nguoi-dan

Lễ hội Lồng Tồng được diễn ra dưới sự tề tụ đông đảo của người dân
(Nguồn: My Tour)

Trên đây là một số lễ hội ở Việt Nam được tổ chức vào những ngày đầu xuân. Nếu vẫn cần thêm gợi ý cho những chuyến du xuân trong năm mới, hãy khám phá thêm các nội dung khác trên Heritage nhé.

Bài viết liên quan (nếu có):