Nguyễn Duy Phương

Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, nếu tới quần thể Angkor Thom, hãy lần bước nhẹ đến đền Bayon. Nơi đây, du khách sẽ cảm giác đang bước vào một thế giới khác, đầy sự chiêm nghiệm, giữa vô vàn khuôn mặt Bayon như nhìn về bốn phía cuộc đời. Mọi ưu phiền phút chốc tan biến, chỉ còn lại mình ta giữa không gian tĩnh mịch, giống như đang bước theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm trôi nhanh như một thước phim…

Mặt tượng được ghép tinh xảo từ những phiến đá

Angkor – kinh đô của sự vĩnh hằng

Tôi đáp xuống sân bay quốc tế Siem Reap vào một buổi chiều tà, cơn mưa rào cuối mùa hè vừa dứt, nước mưa nhoè cả những khung cửa sổ máy bay. Tôi vừa hoàn thành một chặng bay ngắn, có lẽ là ngắn nhất trong tất cả các chuyến bay quốc tế mà tôi từng đi cùng Vietnam Airlines. Chỉ mất hơn 1 giờ bay từ TP.Hồ Chí Minh sang Siem Reap để tôi có thể diện kiến một trong những kỳ quan vĩ đại nhất thế giới, có tuổi đời gần 1.000 năm: quần thể các ngôi đền Angkor.

Đây không phải là lần đầu tôi đến Campuchia, cũng không phải lần đầu tôi vào thăm các ngôi đền Angkor, nhưng cảm xúc luôn mới mẻ. Vì thế, ngoài giá trị về mặt lịch sử, quần thể Ankor còn mang dáng dấp một kỳ quan vĩnh hằng với riêng tôi.

Cổng vào phía tây quần thể Angkor Thom

Như hầu hết những gì chúng ta đã biết từ các bài học lịch sử, quần thể Angkor, mà nổi bật nhất là Angkor Wat và Angkor Thom, là thành tựu của những triều đại huy hoàng nhất lịch sử đế chế Khmer, tồn tại trong suốt gần 600 năm, bắt đầu từ thế kỷ thứ 9. Trong quãng thời gian đó, đế chế Khmer trị vì một vương quốc hùng mạnh, rộng lớn có thể nói là bậc nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Quá trình xây cất quần thể Angkor cũng vì thế mà tạo thành một nét giao thoa hiếm có giữa kiến trúc đền đài Hindu giáo và những đường nét Phật giáo. Một trong những điển hình của sự giao thoa đó, chính là ngôi đền đa diện mang tên Bayon, thuộc quần thể Angkor Thom.

Mặt tượng ở đền Bayon như đang mỉm cười độ thế

Những khuôn mặt Bayon, nhìn xuyên thấu đời người

Tôi không có cơ duyên nào để thăm viếng ngôi đền Bayon vào đêm trăng sáng. Tuy vậy, trong vài lần diện kiến ngôi đền với hàng trăm khuôn mặt Bồ tát được tạc vô cùng chi tiết trên các khối đá xanh hàng ngàn năm tuổi, tôi cũng nhận được chút ít sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về bản ngã của chính mình.

Rêu phong bao phủ khiến các mặt tượng càng trở nên huyền bí

Bayon, vừa là tên một ngôi đền nổi bật nhất trong quần thể, vừa là tên gọi những khuôn mặt được tạc trong đền, mà nó cũng chính là một phong cách xây dựng về sau được các nhà nghiên cứu kiến trúc đặt cho. Bayon thể hiện một đặc trưng hiếm có là việc tạc các khuôn mặt trên các khu tháp chính và các cổng ra vào. Bản thân các khuôn mặt đa dạng cũng là tâm điểm của một số tranh cãi lớn trong ngành khảo cổ.  Các trường phái khác nhau cho rằng đây là các khuôn mặt của thần Shiva theo Ấn Độ giáo, một số nhà khảo cổ lại cho rằng các bức tượng thể hiện nhân diện của nhà vua Jayavarman VII, người đã khởi công xây dựng quần thể này.  Tuy vậy, giả thuyết phổ biến nhất cũng là hợp lý nhất, các Bayon chính là các khuôn mặt Bồ tát. Những cảm xúc trên tượng thể hiện đầy đủ tính chất cảm thông, san sẻ mọi khổ đau trần thế, mà chính các vị Bồ tát, những người thay vì đã giác ngộ, có thể nhập Niết Bàn thì lại muốn lưu lại trần thế, phổ độ chúng sinh.

Cổng vào phía nam quần thể Angkor Thom

Tranh cãi về nguồn gốc, tính biểu tượng, vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay. Tuy vậy, có một giá trị rất lớn mà tôi tâm đắc: sự giao thoa giữa các nền văn hóa, luôn được những triều đại Khmer giữ gìn, mở rộng cho dù họ theo Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Sự quên lãng quần thể này hàng trăm năm trước cũng là một sự may mắn kỳ diệu giúp cho các công trình này tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay, minh chứng cho khả năng sáng tạo vô hạn của lịch sử nhân loại. Trong dòng chảy lịch sử ấy, chúng ta chỉ là những cá thể nhỏ bé, được chiêm nghiệm những thành quả vô cùng kỳ vĩ của quá khứ để tự cảm thấy niềm hạnh phúc an lạc giữa hàng trăm khuôn Bayon hiền hoà và chứa đựng sự từ bi.

Rời đền Bayon, cũng là lúc bóng chiều nhạt nắng, ánh sáng xiên qua tán lá của những hàng cây cổ thụ xung quanh ngôi đền cổ và rớt xuống mặt đường, đám bụi mờ bốc lên mỗi khi có những bàn chân bước vội ngang. Anh tài xế xe tuk tuk mà tôi thuê, vẫn hiền lành đứng chờ sẵn trước cổng kinh thành cổ kính. Người Campuchia có nụ cười hiền, họ cũng như dân tộc Việt, trải qua nhiều khó khăn bởi chiến tranh trong quá khứ, nhưng mầm xanh vẫn vươn lên bất chấp mảnh đất cằn cỗi và cơ cực.