Ảnh: Thái A, Đan Toàn, Nguyễn Phú Đức

Cụm di tích làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đền Và đã từ lâu là điểm đến quen thuộc của khách du lịch, cộng thêm các thắng cảnh núi Ba Vì, đỉnh Tây Thiên quanh năm chìm trong bầu không khí mát lạnh càng khiến cho vùng du lịch phía Tây thành phố Hà Nội trở nên hấp dẫn. Song không nhiều người để ý tới những ngôi làng cổ ven dòng sông Hát, sông Đà và sông Hồng được liên kết giao thông bằng dải đê quanh co uốn khúc, đó là một vùng quê bình yên, ở đó nếp nhà cũng cổ kính như mái đình, cổng làng, cuộc sống bao đời nay vẫn giữ được sự chất phác chân thật vốn có từ nghìn xưa.

Cổng làng Cựu, Vân Từ, Phú Xuyên

Có thể bởi tách biệt khỏi con đường quốc lộ 32 mà các cụm làng hai bên triền đê đó có cảnh sắc thật đặc biệt. Chỉ một lần du ngoạn trên con đường nhỏ trên con đê uốn lượn quanh co, tâm trí con người sẽ tràn ngập cảm xúc thanh bình. Có thể tạm khởi đầu hành trình khám phá từ khúc đê gần đền Và đi về hướng thủ đô, mỗi nơi ta lại bắt gặp một cảnh sắc mới lạ, rất khác với nhịp sống sôi động nơi phố thị. Hai bên triền đê, bạt ngàn những cánh đồng mía, ruộng lúa tươi tốt được nuôi dưỡng bởi chất phù sa được dòng sông ngày đêm bồi đắp. Không phải vô cớ mà xe đường dài khi xuôi ngược quốc lộ 32 thường dừng lại đây để du khách ngắm cảnh, mua trái cây. Mùa nào thức ấy, các loại hoa quả như mít, ổi, đu đủ, na… vùng này luôn có vị ngon ngọt hơn nơi khác, có lẽ bởi chất phù sa và tình người chân thật tạo nên.

Cổng làng Đường Lâm

Không thể bỏ qua đền thờ Hai Bà Trưng, một di tích trọng yếu của vùng thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Đây là nơi Hai Bà tuẫn tiết, hòa vào linh khí non sông từ gần 2.000 năm trước và đời đời được hương khói thờ phụng. Những công trình như tượng voi đá, ngựa đá, bình phong, hồ bán nguyệt phía ngoài đền mới được tu sửa và làm mới, song tòa chính điện bên trong còn nguyên nét cổ kính rêu phong. Do địa thế xa xôi nên đền thờ ở đây thường quanh năm vắng vẻ, chỉ nhộn nhịp nhất vào những ngày các dịp giỗ, lễ Mộc dục và kỷ niệm ngày Hai Bà tế cờ khao quân. Dòng sông Hát xưa có lẽ rộng không kém sông Hồng, ngày nay sau hàng nghìn năm vật đổi sao dời chỉ còn là một dòng nước nhỏ, song trong tâm thức của người dân Việt, luôn là dòng nước linh thiêng. Hai bên sông, làng mạc hiền hòa với những giếng tròn, tường gạch, mái ngói và rất nhiều vườn cây xanh. Huyện Phúc Thọ là vùng cung cấp rau sạch cho Hà Nội và các vùng lân cận, người dân ở đây đa phần làm nghề rau, bản tính hiền hòa dễ mến. Dù là ngày lễ tết hay ngày thường, đông giá lạnh buốt hay mùa hè nắng chói chang, lúc nào cũng thấy có người cần mẫn làm việc trên cánh đồng xanh mướt.

Cổng làng Phương Viên - Hoài Đức

Xuôi về Hà Nội, con đường đê sẽ đưa bước chân du khách đi vào địa phận huyện Đan Phượng. Cũng vẫn là những ngôi làng nhỏ nép dưới bóng tre, ở đó ấn tượng dễ nhận thấy nhất là vẻ đẹp của các cổng làng, những mái chùa, mái đình cổ kính. Rất nhiều làng với những cái tên Đông Lai, Bồng Lai, Làng Tổ… kề bên nhau, mỗi làng đều có cổng hướng lên thân đê. Tùy theo tập quán từ xưa để lại, tùy theo điều kiện mà mỗi làng cho dựng một kiểu cổng khác nhau. Thân thuộc nhất vẫn là hình thái cổng tam quan có đầu mái uốn cong chạm trổ đầu rồng, chỉ khác xưa là không còn những cánh cổng gỗ lim chạy trên bánh xe gỗ đóng mở mỗi sớm chiều. Thêm một đặc thù của vùng đất bồi này là gần như mỗi làng đều có một chùa và đình cạnh nhau, công trình nào cũng đều chứa đựng hồn quê Bắc Bộ qua đường nét của mái, gác chuông, tam quan và chính điện. Độc đáo nhất có lẽ là ngôi chùa Tân Hải, phía sau chùa có một tòa núi cao tới gần 30m có sức người chỉnh sửa cảnh quan, trên đó dựng bảo tháp và những pho tượng nhỏ diễn lại tích thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Cư dân ở vùng này ngoài làm ruộng còn nổi tiếng về nghề làm mộc, do đó các công trình đình chùa mỗi khi trùng tu, tôn tạo hầu hết đều được thực hiện phần gỗ bằng tay nghề tinh xảo, chắc chắn.

Đền thờ Hai Bà trong vùng đất bồi bên sông Hát

Theo đường đê Hữu Hồng, gần chân cầu Thăng Long, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng đền Chèm, ngôi đình cổ kính linh thiêng trên hai nghìn năm tuổi, tọa lạc sát bên bờ nam sông Hồng, thờ đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng – nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Theo thần phả, Ngài là người làng Chèm, sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, có thân hình to lớn, sức mạnh vô song. Gặp lúc Hùng Duệ Vương xuống chiếu chiêu hiền người tài, ông đổi tên là Lý Ông Trọng rồi ra giúp nước. Vua phong ông làm Chỉ huy sứ đi đánh đuổi quân giặc hay quấy nhiễu ở biên giới phía Tây và phía Nam, sau này được cử sang nhà Tần để giúp chống lại quân Hung Nô. Tại phương Bắc, ông được phong chức Phụ Tín Hầu, khi về quê nhà, được vua Thục Phán ban thưởng và phong tước Đại Vương. Hơn 2.000 năm đã trôi qua, thần tích ấy vẫn lưu truyền và ngôi đền cổ kính vẫn được nhân dân quanh vùng hương khói phụng thờ. Tới đây, hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng nông thôn yên bình bên các dòng sông có thể tạm chấm dứt, nhường chỗ cho những ấn tượng vui vẻ, sôi động của khu vực nội thành Hà Nội. Cuộc sống có thể biến động, song vẻ đẹp bình yên của những làng quê ven sông vẫn vẹn nguyên, ở đó tình người, tình đất không bao giờ thay đổi.