Tạp chí Heritage tổng hợp
Bình dị và gần gũi, nghệ thuật dân gian Việt Nam tự nhiên như hơi thở, gắn liền với đời sống và xuyên suốt trong dòng chảy của lịch sử. Mỗi vùng miền lại có những bộ môn nghệ thuật đặc trưng, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc cho nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Trên hành trình khám phá ngang dọc dải đất hình chữ S, biết đâu nơi bạn sẽ đặt chân đến lại chính là cái nôi của bộ môn nghệ thuật dân gian tự lâu đời.
Nghệ thuật dân gian Việt Nam, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
(Ảnh: Nghethuat.vn)
1. Đồng bằng sông Hồng nổi tiếng với loại hình hát chèo
Tương truyền rằng, người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật chèo Việt Nam là một ca vũ tài nghệ xuất chúng chốn triều đình thuở xưa, bà Phạm Thị Trân – Người được tôn là vị tổ nghề hát chèo sau này.
Trong khoảng thời gian tiến cung, bà được vua Đinh Tiên Hoàng phong cho chức “Ưu Bà”, chuyên dạy múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là trò ngại, sau này là hát chèo. Vào thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tông ban lệnh cấm diễn chèo trong cung, loại hình này bắt đầu phát triển phổ biến ở nông thôn Bắc Bộ và đạt cực thịnh vào cuối thế kỷ 19.
Ngày nay, chèo cổ được xếp vào hàng “di sản quốc gia” cần được bảo vệ và phát triển
(Ảnh: Wikipedia)
2. Nghệ thuật ca trù đặc biệt phát triển ở vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Ca trù khởi nguồn từ lối hát Đào nương, lối hát lấy giọng nữ làm trọng. Loại hình âm nhạc kinh điển này còn được biết đến với nhiều tên khác như hát cô dâu, hát nhà trò và rất thịnh hành ở thế kỷ 15. Theo Nguyễn Xuân Diện trong Đặc khảo ca trù Việt Nam, thì ca trù được hoàn thiện cơ bản về lối chơi vào thế kỷ thứ 15.
Hiện nay, cả nước có khoảng 15 tỉnh, thành phố có các câu lạc bộ, giáo phường ca trù hoạt động. Phần lớn nằm ở các tỉnh, thành Bắc Bộ đến Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhắc đến các vùng ca trù nổi tiếng từ xưa, có thể kể đến cái nôi ca trù làng Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Đông Anh (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Nghệ thuật ca trù Việt Nam còn được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới năm 2009.
Vừa là loại khí nhạc, vừa là loại thanh nhạc nên ca trù có một ngôn ngữ âm nhạc vô cùng độc đáo, tinh vi
(Ảnh: Vanhoavietnam)
3. Khu vực Nam Bộ – Quê hương của Đờn ca tài tử
Nhắc đến nền nghệ thuật biểu diễn dân gian vùng Nam Bộ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến loại hình Đờn ca tài tử. Vừa giàu tính bác học sâu sắc, vừa dân dã thân thương, Đờn ca tài tử gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Cho đến hiện nay, ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn minh chứng một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước của con người phương Nam.
4. Thưởng thức nghệ thuật múa dân gian thì đến đâu?
Mỗi một tỉnh thành, mỗi một dân tộc sẽ có nét văn hóa đặc trưng. Vì vậy muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa dân gian Việt Nam, đặc biệt là các điệu múa truyền thống của các dân tộc hãy đến ngay khu vực mà họ sinh sống. Ví dụ, dân tộc Tày, Nùng, Hmông, Dao ở vùng Đông Bắc Việt Nam sẽ có điệu múa chèo thuyền, múa nhảy chân sáo, múa kỳ lân, múa sư tử… Vùng Tây Bắc thì nổi tiếng với điệu múa xòe, múa sạp, múa khèn, múa áu eo.
Rộn ràng điệu múa sạp Tây Bắc dưới chân núi Fansipan
(Ảnh: baolaocai.vn)
5. Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng, chu du các tỉnh Miền Trung
Trên thực tế, Tuồng có nhiều loại hình và trường phái khác nhau. Về loại hình, nó được chia thành 2 loại là kinh điển và dân gian. Còn về các trường phái, Tuồng sẽ có 3 trường phái chính: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Mỗi loại hình cũng như trường phái có nét đặc sắc riêng, tuy nhiên, không thể phủ nhận sự độc đáo của Tuồng Trung Bộ, đặc biệt là Bình Định.
6. Nói đến Hát Xoan, nghĩ ngay Phú Thọ
Hát Xoan – Di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của vùng Đất Tổ Phú Thọ và cũng là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Hát Xoan vốn phát xuất từ Phú Thọ, sau đó lan rộng đến các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng. Bốn phường Xoan cổ vô cùng nổi tiếng là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu (Phú Thọ).
Hát xoan, một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc, nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa và tăng cường gắn kết cộng đồng
(Ảnh: Tư liệu)
7. Dân ca Quan họ có vùng Kinh Bắc xưa
Làn điệu dân ca Quan họ được hình thành và phát triển ở vùng Kinh Bắc xưa, nay là khu vực ranh giới của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với dòng sông Cầu chảy qua và được mệnh danh là “dòng sông quan họ”. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 23 làng quan họ, còn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 44 làng quan họ.
8. Khu vực Bắc Bộ cũng rất nổi tiếng với loại hình múa rối nước
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam được ra đời vào khoảng hơn 10 thế kỷ trước tại vùng châu thổ sông Hồng. Sự khác biệt và độc đáo trong hình thức biểu diễn đã đưa múa rối nước từ một loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian nhanh chóng trở thành bộ môn nghệ thuật truyền thống quan trọng, có thể sánh ngang với tuồng, chèo và sở hữu một vị thế vững chắc trong nền nghệ thuật biểu diễn của dân tộc.
Được sinh ra từ nền văn hóa lúa nước, múa rối nước là loại hình nghệ thuật mang đậm tính văn hóa dân tộc
(Ảnh: Klook)
Nghệ thuật dân gian vốn bắt nguồn từ cuộc sống và từng là một phần rực rỡ trong cuộc sống của người dân khắp mọi miền đất nước. Hiện tại, do nhiều yếu tố, những tinh hoa đó lại đang mất dần chỗ đứng trong đời sống và đang rất cần sự quan tâm gìn giữ, bảo tồn của mọi thế hệ. Và nếu bạn chưa từng tiếp xúc với loại hình nghệ thuật biểu diễn Việt Nam nào, thì hãy chọn một loại hình và bắt đầu một hành trình khám phá đặc biệt để thấy văn hóa nước mình giàu đẹp đến nhường nào.
Bài viết liên quan: