Long Tuyền
Sâu trong những khu dân cư hay trên trục đại lộ Lan Xang, quanh Khải Hoàn Môn Patuxay hay trong ngôi chùa Thap Luang, ấn tượng thường gặp nhất về cuộc sống chính là sự hòa quyện của hai nền văn hóa Việt – Lào.
Ở Udon Thani, du khách sẽ tiến nhập vào đời sống thôn quê thanh bình bao bọc xung quanh đô thị nhỏ, ở đó phảng phất hồn phách Việt đan xen cùng nhịp sống bản địa
Với các lữ khách đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, Vientiane quả thực có phần hơi buồn tẻ và khiến những gã trai thích sôi động phải lúng túng khi hỏi nhau đi đâu chiều nay. Nhưng đó chỉ là ấn tượng bề ngoài, bởi chính như nụ cười đằm thắm của thiếu nữ Lào, Vientiane chứa đựng trong lòng những lớp trầm tích văn hóa và nhịp sống thanh bình chậm rãi trôi dưới tán cây cổ thụ. Không phải vô cớ mà đất nước triệu voi được du khách mến yêu đến vậy, bởi so với những ồn ào của Bangkok hay xa hoa tráng lệ của Thượng Hải, Vientiane đẹp như ký ức của mỗi người về miền quê xa vắng nào đó, thanh bình như một ốc đảo xanh giữa một thế giới ngày càng náo nhiệt.
Ở đó, sâu trong những khu dân cư hay trên trục đại lộ Lan Xang, quanh Khải Hoàn Môn Patuxay hay trong ngôi chùa Thap Luang biểu tượng của nước Lào, ấn tượng thường gặp nhất về cuộc sống chính là sự hòa quyện của hai nền văn hóa Việt – Lào. Người Việt từ lâu đã sinh sống hòa hợp cùng cư dân bản địa và góp phần kiến tạo đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa ở đây. Thật tuyệt khi giữa những khu dân cư yên tĩnh chợt xuất hiện một tấm biển hiệu bằng tiếng Việt, rồi ríu rít trong chợ sáng những thanh âm Việt – Lào cùng mời gọi khách hàng. Đã bao nhiêu năm văn hóa của người Việt Nam đã góp phần bổ sung cho đời sống Vientiane một sắc thái rất riêng, từ cách mua bán tiêu tiền cho tới việc làm món ăn đãi khách. Và rất hòa hợp với phong vị đó là điệu múa Lăm Vông và các món cổ truyền của đất nước Lào thanh bình. Tuyệt làm sao bữa ăn bên bờ Mekong lộng gió, khi đầu bếp chế biến cho du khách những món nướng đặc trưng. Cá sông, thịt bò, thịt trâu nướng uống cùng bia Lào, món lạp bò, lạp cá ăn với xôi, cơm trắng ăn cùng canh chua… Dìu dặt trong không gian rộng lớn tiếng thổi ríu rắt của kèn Khaen, tiếng gõ thanh thoát của Ranat hòa cùng nhịp trống Kong bập bùng. Điệu múa Lào lúc nào cũng khiến lòng người như lạc tới Thiên Thai bởi vũ đạo nhẹ nhàng và bàn tay uốn cong.
Nhưng chỉ cần qua cửa khẩu Nong Khai qua bên kia sông, chúng ta sẽ bắt gặp những câu chuyện rất khác về văn hóa, ở đó sự sôi động thay thế cho nét thanh bình và tiếng trống điện, tiếng ghitar sẽ dâng trào, cuốn du khách vào nhịp chảy có phần hiện đại hơn ở các tỉnh Nong Khai và Udon Thani của đất nước Thái Lan. Vẫn những hàng cây xanh mướt, vẫn một màu nắng rực rỡ trên cao nhưng Thái Lan chào đón du khách bằng nhạc rock sôi động, những bữa tiệc buffet và một công viên tượng không. Đó là Vườn Phật – một không gian lạ lùng với hơn 200 pho tượng mang phong cách Phật giáo và Hindu giáo đan xen. Được xây dựng bởi Bounlua Suliat, những pho tượng ở đây mang hình dáng lạ lẫm, cao lớn hoặc thấp nhỏ nhưng đều có đặc trưng rất mạnh về tâm linh. Được biết Bounlua Suliat cũng là tác giả chính của Vườn Phật ở ngoại ô Vientiane, một nơi tuy không được các tôn giáo chính thống thừa nhận nhưng là điểm nhấn của hành trình du ngoạn xuyên Đông Nam Á. Mỗi người nhìn nhận một kiểu về công trình của Bounlua, mỗi trang du lịch giới thiệu một cách, nhưng quan trọng nhất là ông đã để lại cho vùng đất ven dòng Mekong một dấu ấn vui nhộn. Đó chỉ là bề nổi ở miền đất thanh bình này, bởi ở Udon Thani, du khách sẽ tiến nhập vào đời sống thôn quê thanh bình bao bọc xung quanh đô thị nhỏ, ở đó phảng phất hồn phách Việt đan xen cùng nhịp sống bản địa. Trong một quán khá nổi tiếng có tên “Pon – nem nướng”, chị Hoàng Thị Vượng lúc nào cũng tất bật giới thiệu cho thực khách các món ăn nào dùng với gia vị gì. Nem rán chấm nước mắm chua ngọt, nem nướng chấm với nước sốt chua cay, rồi nem chua ăn cùng lá sung, đinh lăng và mùi tàu… Xa xôi nghìn dặm mà gặp lại món ăn thân thuộc ở đây, khách du lịch Việt Nam ai cũng hào hứng và ra sức thưởng thức hương vị quê nhà dưới bầu trời nắng lửa.
Tại đây sự nhạy bén và hiếu khách của người Thái bộc lộ trong từng hành động nhỏ, nhất là với những vị khách từ Việt Nam sang. Lịch sử dài đã gắn kết gần gũi các dân tộc với nhau để ngày nay, trên vùng đất thanh bình của Thái Lan đã có một chốn đi về cho du khách Việt, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tới dâng hương, chiêm nghiệm lại câu chuyện lịch sử thời kỳ non trẻ của cách mạng, dạo bước trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích, bất chợt chúng ta lại gặp bóng hình thân thuộc của một căn nhà sàn và nếp nhà tranh. Vẫn biết đây là đất nước Thái mến khách, bên kia dòng Mekong là xứ triệu voi, nhưng sự hiện diện của nếp nhà tranh nơi này bỗng khiến lòng người cảm thấy như đang ở trong khu vườn đất Việt, nơi vẳng tiếng ru ầu ơ và điệu hò ví giặm đã đi theo lịch sử bốn nghìn năm.