Khánh Phan
Hàng năm, khi con nước nổi cuối cùng rút xuống để lại lớp phù sa màu mỡ đôi bờ, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa khô chạm khẽ những cơn nắng đầu tiên vào miền Tây là tôi lại nhớ hẹn với Bạc Liêu. Lúc này, Bạc Liêu đẹp nhất khi từng cánh đồng trở nên sinh động và rộn vui cùng diêm dân tất bật vào vụ thu hoạch muối.
Được xem là thủ phủ của nghề làm muối ở Việt Nam, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất cả nước. Nằm ở vùng duyên hải của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, biển sạch với độ mặn cao, không bị đắng nên nghề làm muối của Bạc Liêu nổi tiếng khắp xứ Nam Kỳ. Người Hoa đến khai hoang, lập đất là những người đầu tiên đặt nền móng cho nghề làm muối nơi đây. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chỉ những hộ giàu có mới được quyền sản xuất muối ở những cánh đồng dọc bên sông. Hiện nay, vẫn còn một số các công trình kiến trúc, dinh thự to lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc là tài sản của những ông chủ làm muối xưa kia.
Tôi yêu và nhớ Bạc Liêu mỗi mùa thu hoạch muối không chỉ vì vẻ đẹp thơ mộng và đặc biệt của cánh đồng muối khi vào vụ mà còn vì cái tình của diêm dân nơi đây. Công việc làm muối rất nặng nhọc và thu nhập thấp nhưng diêm dân vẫn kiên quyết giữ nghề. Để làm ra hạt muối trắng phải trải qua nhiều công đoạn. Với phương pháp làm muối thủ công cực nhọc nhưng những con người ấy vẫn cần mẫn trên ruộng muối, gắn bó với nghề tạo ra những hạt muối tinh – loại gia vị không thể thiếu cho cuộc sống hàng ngày. Tình yêu với nghề truyền thống đã đi vào máu thịt của mỗi người, họ có thể lựa chọn công việc khác ít vất vả hơn nhưng vẫn chọn nghề muối, bởi cái tâm và trách nhiệm gìn giữ kế sinh nhai đã lưu truyền bao đời.
Hai địa phương làm muối nổi tiếng ở Bạc Liêu là huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải với diện tích làm muối toàn tỉnh khoảng 1.600ha đạt sản lượng hơn 90.000 tấn muối mỗi năm. Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, diêm dân ở Bạc Liêu đã tích lũy những kỹ năng thực hành và truyền nghề làm muối độc đáo từ đời này sang đời khác. “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” đã được cấp bằng chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Hình ảnh cánh đồng muối Bạc Liêu không chỉ quen thuộc mà còn là địa điểm tham quan và sáng tác ảnh đặc biệt thu hút đối với tôi.
Sau chuyến xe đò dài từ Sài Gòn đến bến xe của Thành phố Bạc Liêu, chúng tôi qua những con đường chênh vênh bên bờ những ô ruộng hình chữ nhật xâm xấp nước để đến được địa điểm làm muối của bà con. Vào dịp tháng 3, tháng 4 là lúc thu hoạch rộ nhất, diêm dân bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng để tránh cái nắng chói chang đầu mùa khô.
Khi vừa tới, mùi mặn nồng của nước biển xộc vào mũi làm thức tỉnh mọi giác quan, báo hiệu chúng tôi đã đến thủ phủ của nghề muối. Những bóng đèn lập lòe trong màn sương, không gian bao la trải dài nối tiếp nhau của những ô ruộng muối, tiếng bước chân, tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng cười đùa của diêm dân làm muối đêm. Tiếng những chiếc cào gỗ cà xuống mặt ruộng sột soạt, những người đàn ông khỏe mạnh nhất đang dồn muối thành đống, những cánh muối nở hoa trong đêm. Vị mặn bắt đầu ngấm vào da, vào tóc. Trong lòng tôi bỗng rộn vui, vẫn là cảm giác ấy, cảm giác cái lạnh của đêm thấm vào da thịt, mùi nồng của muối, khóe mắt cay cay vì thức khuya cùng những xúc cảm trào dâng khi chứng kiến sự nhọc nhằn của diêm dân nơi đây.
Khi mặt trời lên, không khí làm việc bắt đầu khẩn trương. Những đống muối được cào gọn gàng sáng rực dưới nắng sớm như những viên kim cương lấp lánh. Nắng càng gay gắt, muối càng mau khô. Mặt ruộng lúc này tựa như những tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng và bóng của diêm dân tạo nên khung cảnh thơ mộng mà sinh động như bức tranh sơn dầu nghệ thuật. Tôi mải mê tác nghiệp với chiếc máy ảnh ghi lại những khung hình khác nhau. Với tôi, vẻ đẹp con người trong lao động là vẻ đẹp lộng lẫy nhất.
Với mỗi người dân Việt Nam, muối là gia vị vô cùng thân thuộc không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Muối kết hợp với thực phẩm tạo ra những món ăn được lưu truyền bao đời. Từ vựa dưa muối của bà, món bánh tráng muối nức tiếng, nước mắm, nước tương cũng bắt nguồn từ muối, các món kho, chay, mặn đều dùng tới muối… Chẳng phải chỉ riêng nơi đây mới có, nhưng những hạt muối được làm ở Bạc Liêu lại có hương vị riêng. Vị đặc trưng với độ mặn cao được sử dụng nhiều trong công nghiệp ướp thủy hải sản. Khắp các tỉnh ở Nam Bộ ra đến tận miền Trung hay sang Campuchia đều ưa chuộng dùng loại muối đặc biệt này. Muối sau khi được cào thành đống, diêm dân sẽ đưa muối vào kho bởi những chiếc cần xé (một loại giỏ được đan bằng tre) nặng trĩu, vác trên vai mới thấy chẳng dễ gì mà làm ra được hạt muối. Công việc vất vả là thế nhưng những nụ cười tươi của diêm dân vẫn thấp thoáng sau giọt mồ hôi thánh thót, tuy vất vả nhưng đầy lạc quan.
Trên khắp các cánh đồng muối ở Bạc Liêu đầy nắng và gió, hơi nóng của muối biển bốc lên cùng với bước chân và những giọt mồ hôi của diêm dân tạo nên khung cảnh lay động tâm hồn tôi. Tình nghĩa đậm đà của người dân Bạc Liêu gửi gắm qua từng hạt muối như tấm lòng của những người con luôn bám chặt lấy nghề trước cơ cực gian nan. Chân chất nhưng thẫm đẫm nghĩa tình quê hương!