Bài và ảnh: Trần Tấn Vịnh

Vào dịp năm mới người Chăm tổ chức lễ hội lớn gọi là lễ hội Ka Tê để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các nghi lễ thiêng liêng thường được diễn ra tại khu đền tháp thờ thần vua. Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội này là Lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Po Ina Nagar và rước y trang lên đền tháp để thay lễ phục cho thần vua. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày đầu tháng 7 (theo lịch Chăm), khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 Dương lịch.

Đối với người Chăm, dù là vua hay là người bình thường, khi chết và trở thành thần linh ít nhất phải có ba bộ trang phục để dùng, (đồng bào gọi là: klau kaya anguei). Trang phục của vua gồm có: mão, áo, váy, dây lưng và giày. Trang phục của nữ thần hay hoàng hậu, công chúa gồm có mão, vòng tay, hoa tai, áo và khăn đội đầu. Ngày xưa, người Chăm sắm đầy đủ trang phục các vua chúa để dâng cúng trong lễ hội Ka Tê. Với lòng thành kính của mình người Chăm không chỉ sắm có 3 bộ trang phục cho vua mà còn có thể nhiều bộ, càng nhiều càng tốt, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi năm. Trước đây, bộ trang phục của nữ thần hay vua chúa do người dân ở các làng Chăm tiến cúng mỗi dịp tổ chức lễ Ka Tê. Đó là những thứ vải vóc, lụa, hàng thổ cẩm hảo hạng, có hoa văn, màu sắc đẹp. Tuy nhiên, do thời gian, việc bảo quản không tốt, nhiều loại vải, y phục của thần vua đã bị hư hỏng hoặc mất mát. Y phục xưa cũ của thần vua không còn nữa nên nó được đồng bào thay thế bằng nhiều loại vải vóc mới mua từ các làng dệt thổ cẩm Chăm hiện nay.

Hầu hết trang phục vua chúa Chăm do người Raglai cất giữ cẩn thận. Đến ngày cúng tế nữ thần, vua chúa thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang từ người Raglai đưa về làng Chăm và cùng với đồng bào Chăm tiến hành nghi lễ rước y trang về các đền thờ ở làng và lên tháp như tháp Pô Klaong Garai, Pô Rêmê… Theo truyền thuyết “người Chăm và Raglai là chị em ruột, Chăm là chị cả, người Raglai là em út” (Cham sa-ai Raglai adei). Theo chế độ mẫu hệ, con gái út thừa kế tài sản và phụ trách thờ cúng tổ tiên nên người Raglai có nhiệm vụ giữ trang phục thần vua Chăm. Y trang của vua Chăm được sắp xếp theo từng loại và đựng trong vài cái giỏ tre rồi mang đặt vào trong cái kiệu phủ vải màu, trang trí hoa văn, hình dáng khá bắt mắt.

Ngày đầu tiên người Chăm tổ chứ Lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Po Ina Nagar tại đền thờ bà ở thôn Hữu Đức. Ở đây diễn ra cuộc đón rước, trao y trang của nữ thần giữa người Chăm và người Raglai. Khi y trang về đến làng, bà con Chăm nô nức cùng nhau ra chào đón. Vào lúc 6 giờ sáng hôm sau, ngày mùng 01 tháng 7 (Chăm lịch) đồng bào tiến hành Lễ rước y trang (Raok khan aw Po Yang) lên đền tháp. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội, được diễn ra rất trọng thể. Trong ngày lễ rước y trang, đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông Từ giữ đền dâng cúng lễ vật như: rượu, trứng, trầu, cau,… xin phép Thần cho rước y trang về tháp cúng lễ. Nổi bật nhất trong đoàn rước là những thanh niên trai tráng khiêng kiệu đựng y phục của vua. Khi y trang đã được rước lên tháp, các vị sư cả, bà bóng và các vị chức sắc tiến hành lễ tắm tượng và thay y phục cho vua. Sư cả mang bình nước thiêng ra để tắm, tẩy rửa tượng vua. Vua tắm sạch sẽ, đội mũ, mặc áo, váy, dây lưng và mang giày về hưởng lễ vật.

Việc dâng y phục mới cho vua, hoàng hậu, công chúa… xưa kia diễn ra ở chốn cung đình, nay được người Chăm tái hiện với nghi lễ dân gian dành cho thần vua nơi đền tháp thiêng liêng thấm đậm sắc màu tâm linh. Từ ý nghĩa nhân văn đó, lễ hội Ka Tê cũng là dịp tôn vinh, sáng tạo, giữ gìn nét độc đáo của trang phục truyền thống, di sản thời trang của dân tộc. Nét sinh động nhất trong ngày hội chính là trang phục đặc trưng của người Chăm, từ các vị sư cả, các vị chức sắc đến những người dân thường đi dự hội cũng phải chăm chút cho vẻ đẹp hình thức bên ngoài với những món trang sức quý giá, những chiếc váy, áo, khăn, tấm choàng… tươi tắn sắc màu lễ hội. Những vị sư cả, những người hành lễ trong trang phục màu trắng, đội khăn màu đỏ rất nghiêm trang. Các cô gái thướt tha trong bộ trang phục cổ truyền, tấm khăn choàng khoác chéo trên ngực, chiếc khăn mỏng trùm trên đầu làm cho gương mặt thêm xinh đẹp, duyên dáng. Càng ấn tượng hơn khi các thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa dâng lễ, múa quạt trước ngôi tháp cổ thiêng liêng trong nhịp trống ginăng, kèn saranai. Khi tham gia múa dâng lễ, thiếu nữ Chăm đội chiếc Thor hala 3 tầng, người ta gọi là cổ bồng trầu, vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là biểu tượng của vị đại nữ thần Po Bar Gina của người Chăm. Khi đội trên đầu thì nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn các điệu múa nơi đền tháp. Điệu múa quạt của các cô gái Chăm trong hội Ka Tê cũng tạo nên sắc màu rực rỡ, uyển chuyển.

Lễ rước y trang mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với người đi trước qua nghi lễ dâng cúng y trang cho các vị thần vua, tái hiện nghi lễ đặc sắc nhất trong di sản văn hóa của người Chăm. Lễ hội Ka Tê cũng toát lên vẻ đẹp của di sản thời trang, làm nên sắc màu quyến rũ trên những ngôi đền tháp cổ.