Buôn Krông Tuyết Nhung
“Hỡi các vị thần linh, hỡi linh hồn ông bà tổ tiên! Hãy về khu mộ địa thiêng liêng đón chào linh hồn của atâo (người đã khuất). Hôm nay, chúng con làm lễ bỏ mả để tiễn đưa atâo. Atâo thân đã tàn, cây đã mục, linh hồn đã về với thần cha sinh mẹ đẻ đã 3 năm. Atâo vòng trên tay đã buông, chân trên lưỡi rìu đã rút, đã không còn vướng bận với lời cam kết vợ chồng ở trần gian nữa. Hãy đón chào và hỗ trợ atâo như một đứa trẻ ở thế giới mới. Ơ ơ yang”.
Lời khấn mời các vị thần linh và các linh hồn xưa cũ trong nghi lễ tiễn linh hồn người đã khuất hòa quyện với âm thanh cồng chiêng như một thứ ma lực cuốn hút các đôi trai gái nhảy soang không ngừng nghỉ. Những đôi tay như níu kéo thời gian, những lời mời rượu tiếp nối từ người đàn ông này sang người đàn ông khác, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má của những người mẹ, người bà… Tất thảy hòa chung với không khí rộn ràng, tất bật trong lần tiễn đưa atâo về với tổ tiên ông bà trong lễ hội Pơ thi (bỏ mả) vào mùa nông nhàn tại các khu mộ địa ở Tây Nguyên.
Theo phong tục, sau tang lễ chôn cất người quá cố, người Jrai, Ê Đê, Bahnar, Xơ Đăng… thường lui tới để giữ “linh hồn người đã khuất” và chăm sóc ngôi mộ từ 1 đến 3 năm, hoặc 5 năm. Khi nỗi tang thương, tiếc nuối vơi dần, gia đình sẽ tiến hành tổ chức lễ hội bỏ mả. Cộng đồng tham dự lễ hội bỏ mả thường mang rượu cần, gạo hoặc các con vật hiến sinh. Họ đến để chia buồn, thương khóc hay tham gia làm các công việc trong lễ hội với mong muốn xoa dịu sự mát mất, tang thương của tang chủ.
Trước khi tổ chức lễ hội bỏ mả, những chàng trai khỏe mạnh vào rừng tìm những cây thân gỗ, bền chắc làm chất liệu cho những tác phẩm tượng gỗ muôn hình vạn trạng được tạc bởi những bàn tay chắc khỏe của các nghệ nhân tài năng. Đó có thể là hình con vật, đồ vật hoặc tượng người suy tư, đau khổ, tượng già làng hút tẩu, phụ nữ mang thai, con trẻ cởi trần nô đùa, kể cả tượng trai gái giao hoan… Khi các tượng gỗ, cây nêu và nhà mồ đã được dựng xong, các nghi thức chia của cải, nghi thức tiễn đưa linh hồn người quá cố đã xong, cũng là lúc âm thanh cồng chiêng hòa với vũ điệu hóa trang, vũ điệu múa soang vòng quanh ngôi nhà mồ. Bữa cơm cộng cảm được tổ chức tại nhà mồ của atâo và từ đây sẽ không có lần thứ hai. Cuộc tiễn đưa này thường được tổ chức từ 2 ngày đêm trở lên. Những thức ăn, đồ uống hay bất cứ tặng vật gì cho atâo trong khu mộ địa tuyệt đối không được mang về. Đó là tài sản của atâo, thuộc về thế giới atâo, người sống bất khả xâm phạm.
Sau lễ hội tiễn đưa cuối cùng ấy, các nghi thức tại nhà mồ cho atâo không được thực hiện nữa. Thân xác atâo về với các thần linh trong khu mộ địa, còn linh hồn về với thế giới “phan”, thế giới “yang atâo” (ông bà, tổ tiên) để tiếp tục cuộc hành trình mới. Linh hồn atâo có thể tiếp tục qua chu kỳ tái sinh, đầu thai vào hình hài một đứa trẻ và bắt đầu một vòng đời mới trong cõi trần gian.
Lễ hội Pơ thi là sự kiện quan trọng trong hệ thống lễ hội vòng đời con người ở Tây Nguyên. Quan niệm cái chết không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn mà là một sự khởi nguyên cho hành trình mới. Chỉ sau lễ hội Pơ thi, atâo mới thanh thản về với ông bà tổ tiên hoặc tái sinh. Người còn lại đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, mọi vướng bận với atâo sẽ chấm dứt từ đây, họ có thể tái hôn hoặc tiếp tục câu chuyện của đời mình. Những ứng xử nhân văn trong lễ hội Pơ thi không chỉ thể hiện sự độc đáo trong quan niệm sống – chết, mà còn thể hiện về sự sẻ chia, cộng cảm của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.
Bài viết liên quan: