Bài: Tuyết Nhung Buôn Krông
Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên
Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Tây Nguyên – một vùng đất đa dạng văn hóa tộc người. Đến với Tây Nguyên, du khách không chỉ bị quyến rũ bởi hương hoa cà phê vào mùa ong đi hút mật; ngất ngây bởi sắc màu vàng rực của hoa dã quỳ khi trời se lạnh; được nghe lời tự tình của các dòng thác ở Đắk Lắk, Đà Lạt, Đắk Nông; được chiêm ngưỡng những ngôi nhà rông cong vút như lưỡi rìu của nữ thần Mặt Trời ở Gia Lai, Kon Tum; du khách còn được hòa mình với vũ điệu cồng chiêng hoang dã bên ngọn lửa huyền ảo trong vũ điệu văn hóa cồng chiêng.

Không chỉ dừng lại ở đó, du khách còn bị thôi miên bởi âm thanh tí tách của bếp lửa trong ngôi nhà dài. Lửa không còn đơn thuần là phương tiện làm chín thức ăn, sưởi ấm lòng người khi đêm về mà còn trở thành bản thể, linh hồn của ngôi nhà dài, nơi tạo ra năng lượng của sự sống, nơi bắt đầu của một ngày mới, đầu mối của sự kết nối tình yêu bền vững.

Cũng như các dân tộc trên toàn cầu, lửa trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống – xã hội các dân tộc Tây Nguyên. Theo quan niệm truyền thống, Yang Apui (Thần lửa) thường ngự trị trong bếp lửa gia đình – ngài là vị thần hiện thân cho sự may mắn, cho sự sinh sôi nảy nở, cho sự phát triển. Đặc biệt hơn, Thần lửa trong những ngôi nhà dài trở thành sợi dây liên kết cuộc đối thoại vĩnh hằng của con người qua nhiều thế hệ, là sức mạnh thiêng liêng cho khởi nguồn của chuyện đời thường, của tình yêu đôi lứa, của hôn nhân gia đình, của ước mơ khát vọng, của buồn vui hờn dỗi. Thần lửa như một nhân chứng thiêng liêng chứng kiến sự hiện diện của con người từ khi lọt lòng mẹ trong nghi lễ thổi tai cho đến lễ thành đinh, lễ trưởng thành, cưới hỏi, kết nghĩa,… và đến thời khắc con người từ giã trung giới về với thế giới thần linh.

Nhà dài – một kiểu kiến trúc độc đáo của cộng đồng mẫu hệ ở Tây Nguyên. Sự thu hút của nó không chỉ bởi “chiều dài như một tiếng chiêng ngân”, như “một hơi ngựa phi” mà còn bởi vai trò vượt trội của những người phụ nữ mẫu hệ luôn duy trì ngọn lửa. Người Tây Nguyên quan niệm nơi nào có ngọn lửa nơi đó có sự sống của con người. Linh hồn của nhà dài có được không chỉ bởi sự tồn tại, phát triển của các thành viên trong gia đình mà còn phụ thuộc vào sự tồn tại của Thần Lửa trong nhà dài. Một ngôi nhà được xem như là nhà của yang atâo (ngôi nhà ma) khi bản thân nó không tồn tại hơi ấm của ngọn lửa. 

Trong các hoạt động tín ngưỡng ở Tây Nguyên, Thần Lửa được xem là yếu tố không thể thiếu. Người K’ho thường cúng Thần lửa vào đầu năm mới, ngọn lửa ấy thường được giữ gìn liên tục tại bếp lửa trong ngôi nhà dài. Người Ca dong giữ gìn bếp thiêng trong buồng kín, chăm sóc cẩn thận, coi thần lửa như một vị thần giữ gìn bổn mạng của gia đình. Thời khắc giao mùa, người Bahnar, Sdăng thường cử một thành viên trong gia đình đến nhà rông rước thần lửa trong lễ hội cúng bến nước về nhà mình một cách trang trọng. Người Êđê, Jrai, Mnông… thường chú trọng rước thần lửa từ ngôi nhà của làng trưởng (khua buôn) với mong ước một năm may mắn, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, con trai con gái khỏe đôi tay, vững đôi chân.

Như một sự ngầm định, trong các sinh hoạt lễ hội cộng đồng ngọn lửa thường được nhóm lên bởi các chàng trai khỏe mạnh thì ngọn lửa trong bếp của ngôi nhà dài được thấp sáng bởi bàn tay kỳ diệu của người phụ nữ. Khi ông mặt trời chưa thức dậy, khi các thành viên trong ngôi nhà dài vẫn còn say trong giấc ngủ, những người phụ nữ đảm đang khẽ khàng nới lỏng vòng tay ấm ấp của người thân, tạm thời rời xa chăn chiếu để đánh thức Thần lửa. Khi ngọn lửa đầu tiên của bếp mẹ trong gian sau thả những làn khói theo chiều gió thoảng cũng là lúc người phụ nữ mang những cục than hồng của bếp sau san sẻ cho bếp ở gian khách.

Sự ấm ấp của bếp lửa được thấp sáng vào sáng tinh mơ xua đi cái giá băng của màn đêm, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Bếp lửa lại tiếp tục cuộc hành trình của nó thông qua vai trò của những người phụ nữ. Theo quan niệm, bếp lửa trong gian khách dùng để sưởi ấm, đun nước, nấu ăn,… khi có khách hay tổ chức lễ hội. Khách được chủ nhà mời ngồi gần bếp lửa trong gian khách để tiếp chuyện, được mời hút thuốc, ăn trầu. Trước sự chứng kiến của Thần lửa trong gian khách, nam thanh nữ tú có thể tự tình, trao gửi yêu thương để thành chồng thành vợ; người anh em “uống rượu ăn thề” qua nghi lễ kết nghĩa; một lời xin lỗi, một sự cam kết bền chặt theo luật tục; một sự tiễn biệt giữa người ra đi và người ở lại trong nghi thức tang lễ; cũng bên bếp lửa bập bùng, những tác phẩm văn chương nổi tiếng, những bản anh hùng ca trác tuyệt như Dăm Săn, Khing Nhă… ra đời. Bếp lửa trong gian sau trở thành bếp chính của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của những người phụ nữ, dùng để nấu ăn, hun thịt thú rừng, sấy khô thực phẩm, hông men rượu cần và các vật dụng khi cần thiết. Những miếng thịt hun khói (thịt gác bếp), vị rượu cần quyến luyến đầu lưỡi, hương thơm lừng của cơm lam… đều được bắt đầu từ “linh hồn của bếp chính” trong ngôi nhà dài mà thành. 

Bếp lửa trong ngôi nhà dài thường được bảo vệ nghiêm ngặt; trẻ con không được phá phách, gây xáo trộn; khách chỉ được đụng chạm khi cần thiết hoặc thực hiện những thao tác liên quan đến lễ hội. Theo quan niệm, nếu khách tùy tiện sử dụng hoặc ai đó có những động thái làm xáo trộn sự “ổn định” của bếp sẽ khiến thần lửa nổi giận, ngài sẽ bỏ rơi gia đình và không bảo vệ gia đình trước sự tấn công của các thần linh xấu xa. Để xoa diệu sự giận dỗi của Thần Lửa, người phạm lỗi phải tiến hành nghi thức bằng việc hiến con trâu, bò, heo hoặc gà. Để tránh những rủi ro, khi vắng nhà, người phụ nữ trong gia đình xin phép Thần Lửa dùng sự mát mẻ của Thần Nước làm tắt ngọn lửa. Linh hồn của Thần Lửa sẽ tiếp tục cuộc hành trình với các thành viên trong gia đình. Họ có thể gọi Thần về bất cứ lúc nào khi họ cần sự giúp đỡ của ngài.

Hiện nay, môi trường buôn làng ở Tây Nguyên có nhiều đổi thay, những “ngôi nhà dài như một tiếng chiêng ngân” cũng biến đổi, nhưng bếp lửa vẫn luôn đồng hành trong đời sống thường ngày, trong thực hành văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng Tây Nguyên. Thời gian cứ dần trôi theo quy luật, chuyện ngày xưa ngày nay, chuyện quá khứ và hiện tại, chuyện của thế hệ trước và thế hệ trẻ được tiếp tục trao truyền bên bếp lửa trong ngôi nhà dài. Du khách hãy đến với Tây Nguyên – nơi bắt đầu lời tự tình bên bếp lửa hồng trong những căn nhà dài, được sưởi ấm bằng những câu chuyện đời thường, chuyện tâm linh bên cạnh hồn thiêng của Thần Lửa – một minh chứng tiếp thêm năng lượng, sức mạnh cho con người vững tin bước về phía trước.