Tốt nghiệp Đại học trong giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19, Thanh Trúc đã quen với việc “dạo” mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn để tìm việc làm. Cô nộp hồ sơ vào một số công ty và được bộ phận nhân sự của một doanh nghiệp liên hệ. Điều đáng nói là người liên hệ với cô lại là “chuyên viên nhân sự ảo” – một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Tiếp cận, sàng lọc, lên lịch phỏng vấn và đón nhận nhân viên mới trở thành quy trình tự động được thiết lập cho MAI – tên được doanh nghiệp đặt cho chuyên viên tuyển dụng AI kết nối với Thanh Trúc. Ngoài giao tiếp tự nhiên, nhiệt tình như một “cô HR” chuyên nghiệp, MAI còn tổng hợp, phân tích dữ liệu, giúp doanh nghiệp quản lý quy trình nhân sự nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Ứng dụng AI vào cuộc sống và kinh doanh đã phát triển rất nhanh khi chỉ mới một thập kỷ trước, AI vẫn còn là cái gì đó rất mới mẻ, mang ý nghĩa mường tượng. Không chỉ còn là những quảng cáo máy giặt AI, tủ lạnh AI …, điều đáng nói là AI đang xâm nhập và thể hiện ưu thế trong các mô hình kinh doanh ở Việt Nam.
Sôi động công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh
Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô nền kinh tế số Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 33 tỉ USD với mức tăng trung bình 25% mỗi năm, cao thứ hai về tốc độ tăng trưởng, cao thứ ba về quy mô thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Kết quả này có thể cao hơn với tác động của Covid-19.
Đại dịch đang đẩy nhanh tốc độ số hoá tại Việt Nam do những bài toán về giãn cách xã hội, nhân lực và nhu cầu cắt giảm chi phí, nhất là chi phí gián tiếp như truyền thông, marketing …, của các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi. Các doanh nghiệp, do đó, sôi nổi áp dụng công nghệ mới hơn bao giờ hết. AI không chỉ là trend (xu hướng) mà còn là sự lựa chọn ưu tiên của họ.
Hệ thống giải pháp AI ở Việt Nam hiện khá phong phú, được chia thành hai hướng tiếp cận. Gói giải pháp lớn hướng tới các doanh nghiệp cần chuyển đổi tổng thể hoặc lĩnh vực vĩ mô, được thực hiện thông qua các nhà cung cấp như VNPT, Viettel, VNG, FPT… Tháng 10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt “Nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI”, ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến như: AI, Blockchain, RPA… vào hoạt động trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, y tế, hành chính công, viễn thông.
Trợ lý ảo VoiceBot trên Tổng đài 18001119 do FPT phát triển đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi khai báo y tế; phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh, gọi tự động để tầm soát y tế người dân trong các khu vực có nguy cơ cao. Tương tự, Viettel Cyber Callbot do Trung tâm Không gian mạng Viettel phát triển là tổng đài đầu tiên ở Việt Nam trả lời bằng tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm tổng hợp tiếng nói, nhận dạng tiếng nói, và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, mang đến những trải nghiệm như tương tác với người thật.
Ở hướng thứ hai, các gói giải pháp vừa, nhỏ và tuỳ biến hơn tập trung vào các hoạt động truyền thông tiếp thị, ứng dụng nền tảng số, chuyên dùng cho các chiến dịch nhiều cấp độ nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu do một số công ty truyền thông đưa ra thị trưởng. Nhiều nhãn hàng lớn ở Việt Nam đang dần ứng dụng gói giải pháp công nghệ này vào các chiến dịch tiếp thị. Đơn cử là gần đây, người hâm mộ của nữ ca sĩ Tóc Tiên đã vô cùng thích thú khi đối đáp với phiên bản AI giống đến 95% so với người thật trong chiến dịch Tóc Tiên AI Clear Head. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một “người nổi tiếng ảo 2.0” khác tiếp tục khiến người tiêu dùng thích thú – Hà Wonder lấy nguyên gốc từ ca sĩ Hồ Ngọc Hà có đến 5 bản sao phù hợp với các nhóm đối tượng mục tiêu cần tương tác. Hà Wonder vừa là đại diện thương hiệu, nhân viên bán hàng, vừa là chuyên viên chăm sóc khách hàng để tiếp cận toàn chuỗi tiếp thị.
Không chỉ hóa thân thành những người nổi tiếng ảo, công nghệ AI còn được ứng dụng trong chatbot hay tích hợp trong công cụ quảng cáo nhằm tăng tương tác, cung cấp thông tin và dẫn người dùng đến các trang bán hàng để mua sản phẩm. Hiệu quả cụ thể, ứng dụng đa dạng, phù hợp với mọi ngành hàng, công nghệ AI được xem là bước đột phá giúp cá nhân hóa tối đa trải nghiệm người dùng với thương hiệu, đồng thời mang đến sự hào hứng cho người dùng khi tương tác trên các nền tảng số. Còn với doanh nghiệp, “tích hợp giải pháp AI vào quy trình vận hành sẽ giúp doanh nghiệp không mất chi phí đầu tư ban đầu vì được cung cấp theo hướng dịch vụ; thời gian triển khai nhanh chóng chỉ trong vòng 1-3 tuần… và quan trọng, tiên phong trong chuyển đổi số để cạnh tranh hiệu quả” – ông Vũ Anh Tú – Giám đốc công nghệ tập đoàn FPT chia sẻ.
Mô thức kinh doanh mới?
Các nhà quan sát thị trường lưu ý rằng hiện trạng kinh doanh và sức mua đang cho thấy khả năng sẽ có một trào lưu “mua trả thù”, khi các thượng đế ra sức mua sắm, đi du lịch để bù lại thời gian “nằm yên” do dịch bệnh và giãn cách xã hội dài ngày. Năm 2022, do đó, được kỳ vọng sẽ là năm phục hồi và tận dụng các cơ hội kinh doanh mà đại dịch tạo ra.
Nguyễn Diệu Cầm, Tổng Giám đốc công ty truyền thông T&A Ogilvy, nhận định: “Ba yếu tố then chốt doanh nghiệp cần lưu ý trong giai đoạn phục hồi bao gồm: tập trung phát triển sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ vào quy trình; tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng đối tác để đưa ra giải pháp toàn diện, mới mẻ; đầu tư vào tăng cường trải nghiệm khách hàng”.
Theo đó, công nghệ AI đã và đang được áp dụng trong toàn bộ hành trình mua sắm. Ví dụ, trải nghiệm sản phẩm ảo cho phép người tiêu dùng sử dụng webcam để “thử” hàng trước khi mua. Hoặc dựa trên dữ liệu chuyên sâu về khách hàng, giao diện trang mua sắm linh động đề xuất sản phẩm đúng “gu” người mua, hay trò chuyện tương tác giúp cá nhân hóa công đoạn tìm kiếm.
Ứng dụng AI được đánh giá là giúp tăng đáng kể sự hài lòng, giảm tỷ lệ hoàn trả sản phẩm, cho phép doanh nghiệp xác định chính xác khách hàng mục tiêu, cung cấp được dịch vụ mà khách mong đợi. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ còn thấy những công nghệ tiên tiến hơn như phản hồi cảm xúc – dựa trên biểu cảm gương mặt hoặc hành vi điều phối người mua đến các danh mục sản phẩm phù hợp, giúp thương hiệu mang đến những giá trị hướng đến con người chứ không chỉ là ý tưởng sản phẩm.
Những thành quả nghiên cứu khoa học thần kinh và kinh tế học hành vi trong vài thập kỷ gần đây đã giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về quá trình con người ra quyết định. Nếu những dữ liệu về phản ứng của khách hàng được thu thập đủ, chúng sẽ giúp đưa ra những đề xuất phù hợp cho từng cá nhân cụ thể, thúc đẩy các quyết định mua hàng. Tất cả những điều này đều sẽ chỉ thực hiện được với AI.