Châu Giang
Là một người đang học tập và sinh sống ở châu Âu, đặc biệt là tại nơi không có cộng đồng người Việt lớn mạnh, tôi hiểu hơn ai hết cái cảm giác chạnh lòng khi đón Tết xa quê. Có thể nói, hương vị đón Tết cổ truyền đối với những người trẻ tuổi ở nước ngoài là nỗi nhớ nhà, chút tủi thân nhưng cũng là những trải nghiệm ý nghĩa và đáng quý trong cuộc đời.
Với xu thế toàn cầu hoá, các gia đình cho con đi du học ngày một nhiều và số lượng người Việt trẻ lựa chọn làm việc, định cư nước ngoài cũng ngày một tăng. Chuyện đổi sang đón năm mới dương lịch và phải ăn Tết xa nhà với nhiều bạn trẻ đã trở thành một điều quen thuộc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người con xa quê sẽ phải từ bỏ ngày Tết Nguyên đán, họ vẫn có những
cách riêng để chào đón năm âm lịch mới sum vầy và ngập tràn hạnh phúc.
TẤT NIÊN BÊN BÈ BẠN
Vào những dịp như Tết Nguyên đán, với các bạn trẻ xa xứ, thay vì quây quần bên người thân, họ sẽ gặp gỡ và tổ chức tất niên với “gia đình thứ hai” của mình chính là những người bạn, những người đồng hương, đồng nghiệp xung quanh. Nơi có nhiều người Việt như Sydney – Úc, Berlin – Đức, Paris – Pháp hay quận Cam – Mỹ, việc tổ chức đón năm mới khá nhộn nhịp và đông vui với nhiều hoạt động lễ hội cùng đầy đủ món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò lụa… Còn tại các trường đại học lớn, hội sinh viên Việt cũng thường tổ chức nhiều chương trình Tết đặc sắc để vơi bớt nỗi nhớ nhà cũng như tạo ra một dịp giao lưu, kết bạn tuyệt vời.
CHÚC TẾT NGƯỜI THÂN THỜI 4.0
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, khoảng cách địa lý đã không còn là vấn đề trong giao tiếp. Trong dịp năm mới, đặc biệt là vào khoảnh khắc giao thừa, những người con xa xứ đều bận rộn bên chiếc điện thoại hay laptop của mình để gọi điện về nhà chúc Tết người thân. Dù không thật sự được ở cạnh nhau nhưng nhờ những ứng dụng video call, các thành viên gia đình vẫn có thể nói chuyện và theo dõi cuộc sống của nhau một cách dễ dàng. Có lẽ, chẳng có khoảng cách nào là quá xa nếu lòng người luôn ở thật gần.
GÌN GIỮ VÀ LAN TOẢ TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT
Đối với những ai đang ở các nước không đón năm mới theo lịch âm thì 30 hay mùng 1 Tết cũng chỉ là ngày đi học và làm việc như bình thường. Tuy nhiên, sự bận rộn không làm những truyền thống đón năm mới bị lãng quên nơi đất khách, quê người mà ngược lại còn được người trẻ sáng tạo để phù hợp với cuộc sống xa nhà. Từ việc tự bắn pháo hoa, lì xì, quấn nem, nấu thịt kho hột vịt đến việc cúng giao thừa, đi lễ chùa đều là những điều mà nhiều bạn trẻ dù xa quê nhưng vẫn duy trì thực hiện. Không chỉ những người đã có gia đình tại nước ngoài muốn gìn giữ các phong tục
Việt cho con cháu không quên nguồn cội mà cả những người trẻ tuổi cũng mong gìn giữ những giá trị quý báu này bởi đó là một phần kí ức đẹp đẽ khơi gợi hương vị Tết cổ truyền trong mỗi con người họ.
Việc tiếp nối các truyền thống của ông cha không chỉ đem lại niềm vui năm mới cho những
người trẻ xa quê mà còn là một cách để họ giao lưu văn hoá, kết thêm bạn bè và truyền bá hình ảnh đất nước. Các bạn trẻ sống ở nước ngoài ý thức được việc chính cá nhân mình sẽ là một góc
nhìn của người ngoại quốc về Việt Nam nên họ luôn cố gắng quảng bá vẻ đẹp đất nước, quê hương đến với các bạn bè năm châu. Và Tết Nguyên đán chắc chắn là một dịp tuyệt vời để các bạn trẻ có thể cùng tổ chức đón năm mới với những người bạn đến từ các nước cũng đón Tết theo lịch âm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia,… Có thể thấy trên mạng không thiếu clip hay ảnh người trẻ Việt và bạn bè quốc tế cùng quấn nem, gói bánh chưng, trao lì xì cho nhau.
Hai năm gần đây, do đại dịch nên không phải ai cũng may mắn có điều kiện để được đoàn tụ với người thân ở Việt Nam. Tuy vậy, hương vị Tết xa nhà với thế hệ trẻ mạnh mẽ, tự lập, hiện đại vẫn sẽ tràn đầy sự lạc quan, niềm vui tươi, đong đầy yêu thương cũng như chứa đựng những trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ.