Bài: Châu Giang
Chỉ vỏn vẹn có 10 ngày để khám phá Thổ Nhĩ Kỳ – mảnh đất kỳ diệu nằm giữa hai lục địa Á-Âu, nhưng tôi đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ vô tận. Trong chuyến hành trình đầy ắp sự bất ngờ này, Pamukkale chính là điểm đến mà từ con người, ẩm thực, cảnh quan tới dấu ấn lịch sử và văn hóa đều đọng lại thành những mảng ký ức tuyệt đẹp trong tâm trí tôi.
Bắt đầu hành trình của mình từ thủ đô Istanbul, tôi mất hơn mấy tiếng ngồi máy bay và thêm một khoảng thời gian trên xe ô tô mới đến được với mảnh đất nằm ở giữa khu vực Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Pamukkale. Khác với tưởng tượng của tôi về một thành phố du lịch danh tiếng, nơi đây lại khá yên bình, thích hợp với những ai vừa có nhu cầu khám phá vừa yêu thích du lịch nghỉ dưỡng. Dù thấm mệt sau quãng đường di chuyển khá dài nhưng khi lấp đầy bụng đói bằng một suất kebab đặc trưng giàu chất đạm với những miếng thịt bò mềm mọng, xém mùi lửa và đậm đà hương vị của các loại thảo mộc, tôi đã có đủ sức để ngay lập tức xách balo lên và đi.
HIERAPOLIS – TÀN TÍCH CỦA THÁNH THẦN
Pamukkale không chỉ nổi tiếng với địa hình thiên nhiên độc đáo mà nó sở hữu thành cổ Hierapolis, một tàn tích lịch sử thú vị được dựng lên bởi vương triều Attalid từ thế kỉ thứ II trước Công nguyên và sau đó được người La Mã tiếp quản. Nằm trong thung lũng sông Menderes, giữa những đỉnh núi trập trùng là cả một di sản lịch sử rộng lớn. Dù bị vùi lấp bởi trận động đất vào năm 60 sau Công nguyên, Hierapolis, với ý nghĩa “thành phố thần thánh” vẫn còn nguyên khí chất của một vùng đất từng phát triển rực rỡ với tàn dư của những cổng thành sừng sững, đền thờ, tượng các vị thần linh thiêng hay nhà hát ngoài trời rộng lớn, hoành tráng.
Điểm đặc sắc cũng như công trình nguyên vẹn nhất còn lại của thành phố đã chìm vào quá khứ này chính là một nhà hát La Mã được xây trên đỉnh đồi Pamukkale. Con đường lên đến nhà hát là một đường mòn tuyệt đẹp uốn lượn giữa những sườn núi thoai thoải, với hai bên mênh mông bụi cỏ vàng ươm. Công sức leo lên đến nhà hát đã được đền đáp xứng đáng khi trước mắt tôi là cả công trình kiến trúc vĩ đại và có sức chứa lên đến 10.000 người với hơn 50 hàng ghế, chia thành 9 lối đi và 8 đại sảnh, được xây dựng bằng những khối đá khổng lồ thể hiện cho trí tuệ, sức lao động đáng kinh ngạc của người cổ đại.
Đứng trên hàng ghế cao nhất của nhà hát, dưới tầm mắt tôi không chỉ là sân khấu lớn với các bức tượng tinh xảo, cột đá trụ lẫy lừng đặc trưng của văn hóa La Mã mà còn là không gian cổ xưa hùng tráng. Trong tôi dâng lên những xúc cảm khó tả thành lời, vừa cảm thán, vừa tiếc nuối. Tôi cảm nhận được sức sống của một thành phố từng sầm uất, tuy nay chỉ còn những tàn dư sót lại nhưng vẫn đủ đẹp, đủ giá trị và đủ lý thú để níu chân bất kỳ du khách nào.
PAMUKKALE – MÓN QUÀ KỲ VĨ TỪ TẠO HÓA
Nằm sát ngay bên thành phố tàn tích Hierapolis là lâu đài bông kì diệu mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1988. Sự độc đáo của kỳ quan này đến từ địa hình và màu sắc tuyệt mỹ của nó. Có thể nói, trên thế giới chỉ có duy nhất một Pamukkale bởi nó được tạo ra từ những trầm tích tự nhiên lắng đọng qua nhiều thế kỷ. Nước từ các mạch suối nước nóng mang theo canxi carbonat chảy qua mài mòn của những mỏm đá tạo thành tầng tầng, lớp lớp nhũ đá vôi trắng muốt, độc đáo. Đặc biệt, phần nước còn đọng lại tạo thành hàng trăm chiếc hồ nhỏ trong vắt, xanh biếc nền trời, mang lại một cảnh quan ngoạn mục, có một không hai cho Thổ Nhĩ Kỳ và cả thế giới này.
Chầm chậm tháo giày, tôi dùng đôi chân trần để cảm nhận trọn vẹn làn nước nóng thanh khiết cùng cái gồ ghề của địa hình đá vôi đã mất hàng nghìn năm để kiến tạo. Pamukkale như một spa thiên nhiên hùng vĩ, nơi mọi du khách có thể đến để ngâm mình trong làn nước ấm áp, dễ chịu, giàu khoáng chất, có khả năng chữa lành không chỉ thể chất mà còn cả tâm hồn con người. Men theo những gò đá trắng tinh, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời, tôi được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục trước mắt với một bên là những “đám mây” đá vôi bồng bềnh điểm xuyết những hồ nước biếc màu trời, một bên là khung cảnh thị trấn yên bình cùng những mỏm núi xanh mướt mắt. Hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng khi được làn nước nóng vây quanh, ngắm nhìn thiên nhiên an yên của Pamukkale, tôi bỗng thấy mình thật sự là một người du hành may mắn. Vào thời La Mã cổ đại, Pamukkale từng là mảnh đất thiêng nhờ việc sở hữu những nguồn khoáng nóng có giá trị chữa lành cả những đau đớn thể xác lẫn những nhọc tâm, phiền não của con người. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, giá trị của mảnh đất này vẫn không hề bị suy biến, hàng triệu khách thập phương vẫn hội ngộ về đây không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ diệu, những di tích lịch sử trường tồn mà còn chữa lành cho tâm hồn, nơi họ có thể để cho cơ thể lẫn tâm hồn mình được thật sự thư thái và bình yên.