Tạp chí Heritage tổng hợp
Di sản văn hóa là một nét đẹp thể hiện sự đa dạng trong bản sắc và nét đặc trưng của mỗi quốc gia. Với lịch sử phát triển lâu đời, Việt Nam có không ít nét đẹp nổi bật mang đậm giá trị văn hóa và đời sống tinh thần dân tộc được quốc tế công nhận.
Hướng đến sự phát triển bền vững trong bản sắc dân tộc, việc tìm hiểu và lưu giữ các nét đẹp văn hóa là điều vô cùng cần thiết.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên Việt Nam
(Nguồn: Martijn Vonk)
1. Di sản văn hóa là gì?
Di sản là một dạng tài sản văn hóa hiện vật, có giá trị về vật chất và tinh thần, biểu hiện lối sống của một cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo nên và được kế thừa từ đời này sang đời khác. Có thể nói, di sản là một phần của quá khứ, phản ánh được tri thức, bản sắc cộng đồng và phải được kế tục nhiều đời.
Vậy di sản văn hóa có mấy loại? – Nhìn chung, có thể chia di sản Việt Nam thành 2 loại: vật thể và phi vật thể.
1.1. Di sản văn hóa vật thể
Theo quy định, di sản vật thể là những sản phẩm vật chất, tồn tại hữu hình và có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học. Khi nhắc đến di sản vật thể ta có thể nghĩ đến các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong nước. Ngoài ra, các loại di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị lịch sử cũng được xem là di sản văn hóa vật thể.
Hoàng thành Thăng Long – Di sản vật thể cấp thế giới
(Nguồn: Siddhesh Mangela)
1.2. Di sản phi vật thể
Khác với di sản vật thể, di sản phi vật thể là những sản phẩm vô hình, có giá trị về tinh thần, gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, hoặc không gian văn hóa. Di sản phi vật thể có giá trị kế thừa từ nhiều thế hệ, tượng trưng cho bản sắc của một cộng đồng nhất định.
Di sản văn hóa phi vật thể có thể là tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công… Với truyền thống hàng nghìn năm, có thể nói Việt Nam sở hữu vô vàn di sản phi vật thể tượng trưng cho bản sắc dân tộc qua từng thời kỳ. Theo thời gian, các di sản không ngừng được tái tạo và lưu truyền cho đến ngày nay.
Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là kiệt tác truyền khẩu
(Nguồn: Vietnamplus)
2. Những di sản độc đáo của Việt Nam
Sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa cộng đồng đã giúp đất nước hình chữ S của chúng ta sở hữu một kho tàng đồ sộ những di sản thiên nhiên. Điều này không chỉ thể hiện bề dày lịch sự phát triển của Việt Nam, mà còn đại biểu cho sự phát triển của tri thức của người Việt.
Một số di sản văn hóa được UNESCO công nhận có thể kể đến như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ. Hay một số di sản phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, đờn ca tài tử…. đều được công nhận khắp thế giới.
Ngoài ra, Quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới vào năm 2014. Đây cũng là di sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo luôn được người dân không ngừng bảo tồn và gữ gìn như: các lễ hội đầu năm, làng gốm Bát Tràng…
Làng gốm Bát Tràng Việt Nam
(Nguồn: Pinterest)
3. Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là nhiệm vụ then chốt để giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam.
Trong những năm qua, nhờ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhiều địa phương. Trùng tu và phát huy nét đẹp của di sản tại địa phương không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn cải thiện được đời sống văn hóa và tinh thần người dân.
Hiện nay, các di sản nước ta đang dần hội nhập và trở thành một phần quan trọng của ngành du lịch. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy còn làm sống lại những nét truyền thống đang dần mai một, tiếp sức cho nhiều di sản mang đậm sắc thái dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn ra ngoài thế giới.
Di sản thiên nhiên Tràng An, Ninh Bình
(Nguồn: Nguyen Bui)
4. Kết luận
Việt Nam chúng ta là một quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời, đa dân tộc với 54 anh em. Mỗi cộng đồng dân tộc hay khu vực đều có những nét phong tục tập quán riêng, cấu thành nên Việt Nam đa sắc thái vô cùng độc đáo.
Di sản văn hóa được xem là tiềm lực to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Việc khai thác đúng cách sẽ góp phần tạo ra nhiều giá trị về vật chất và tinh thần. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy từng di sản chính là nhiệm vụ của mỗi người dân trong công cuộc phát triển đất nước.
Bài viết liên quan: