Bài: Trương Quý
Ảnh: Kim Dung
Biệt danh “Hà Nội 36 phố phường” đã xác định đặc điểm đây là chốn hội tụ những phường thợ của tứ trấn xung quanh. Truyền thống này đã có từ thời Lý, được ghi chép trong những văn bản thời Lê. Mỗi phường thường quy tụ những người ở các làng nghề đến lập nghiệp, mở hiệu kinh doanh và sản xuất các mặt hàng tại chỗ, sinh ra các phố mang tên Hàng: Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Bạc… Đó chính là nét đặc trưng làm nên hồn cốt tinh hoa của “khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”.
Thế kỷ 21 tưởng chừng chứng kiến sự phôi phai của những phố nghề, và những tên phố Hàng chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng kỳ lạ là vẫn còn đó những người thợ, nghệ nhân còn bám trụ với phố. Trên một diện tích chật hẹp, họ vẫn vun vén tạo tác nên những sản phẩm chất lượng, xứng danh lưu truyền từ các thế hệ cha ông của họ.
Những người còn lại của phố nghề
Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết
(Bài ca mùa xuân 61 – Tố Hữu)
Câu thơ của Tố Hữu đã nhắc đến những bức tranh dân gian làm đẹp mỗi căn nhà Hà Nội vào thời gian khó. Ở Hà Nội, những bức tranh dân gian Hàng Trống đã nổi tiếng từ hàng trăm năm, với các chủ đề đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và trang trí nhà cửa của thị dân Kẻ Chợ, có nét hoa mỹ khác với sự mộc mạc của tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Cũng là loại tranh in bằng ván khắc gỗ lên giấy dó để lấy hình và nét, song tranh Hàng Trống đòi hỏi tay nghề người thợ hoàn thiện phải cao và biến hóa trong công đoạn dùng bút lông tô màu bằng cách vờn đậm nhạt và điểm xuyết nét. Mỗi bức tranh hội tụ kỹ năng tạo mảng chuyển êm lẫn tỉa nét sắc sảo. Nổi bật là tranh Ngũ hổ, nghệ nhân phải đi các nét vờn của màu lông hổ, của vân mây đan xen những nét rất mảnh của ria, mắt và móng vuốt con vật linh thiêng. Bộ tranh Tố Nữ còn đòi hỏi khả năng viết chữ Hán đẹp đối với những bài thơ đề trên bốn bức tranh các cô gái đánh đàn, thổi sáo.
Dòng tranh Hàng Trống qua những biến thiên, nay còn lại nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn cần mẫn duy trì những nét hoa mỹ trên các bức tranh khổ lớn. Thừa hưởng truyền thống gia đình từ ông nội, ông Nghiên không chỉ thực hiện những bức tranh mới hàng năm mà còn phục chế những tranh cổ từ bảo tàng Mỹ thuật lẫn các tư gia, trong đó có cả công đoạn bồi lại tranh. Những tác phẩm này mỗi năm trở nên quý hiếm và được trưng bày lâu dài, thay vì loại tranh Tết chỉ treo một năm như thời xưa. Những bức tranh ông Công ông Táo, Tứ phủ, Tứ bình, Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông Trăng)… cũng là những sản phẩm nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống, bởi sự trau chuốt và hoa mỹ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thị dân Hà thành. Chúng cũng thể hiện sự phức tạp trong thực hiện, đòi hỏi một trình độ tay nghề vững vàng và thẩm mỹ tinh tế, vì thế ông Nghiên là người duy nhất trong số bảy anh chị em trong gia đình theo nghề, và ông cũng đang cố gắng truyền lại cho người con trai kế tục.
Giữa thời sản xuất hàng loạt áp đảo các hệ thống phân phối hàng hóa, ở trung tâm đất Hà thành vẫn còn người cặm cụi làm một công việc thủ công nặng nhọc – thợ rèn Nguyễn Phương Hùng ở 26 Lò Rèn. Công việc của người chủ lò rèn thủ công duy nhất ở đây như bảo tàng sống cho tên phố, ấm áp như sức nóng tỏa ra từ bễ lò và mạnh mẽ như sức đập của quai búa, đồng thời kỹ lưỡng như bàn tay uốn những hoa sắt cầu kỳ. Đã ngoài tuổi lục tuần, ông Hùng vẫn đắt khách nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác để đảm bảo độ chính xác cho sản phẩm. Kinh nghiệm của người thợ thủ công còn liên quan đến nhiệt độ và thời gian tôi trong bễ của món đồ rèn để cho ra sản phẩm chất lượng.
Những đô thị có tuổi đời hàng trăm năm, dấu vết của những lò rèn thủ công là bằng chứng cho hoạt động thủ công nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất và sinh hoạt, bởi lẽ đồ dùng kim khí là một chỉ dấu quan trọng của sự phát triển thời kỳ tiền công nghiệp. Những con dao, cái kéo hay những lan can sắt các biệt thự đã được ra đời dưới bàn tay những người thợ phố Lò Rèn mà ông Hùng là hậu duệ còn lại.
Lấp lánh ánh vàng, ánh chữ
Phố Hàng Bạc có lẽ là phố còn giữ được nghề truyền thống bền bỉ bậc nhất ở khu phố nghề Hà Nội xưa đến giờ. Đồ kim hoàn và trang sức vàng bạc là thước đo sự giàu có của thị dân, và ở mảnh đất phồn hoa này, nhu cầu dùng đồ trang sức làm đẹp hay mỹ nghệ trưng bày luôn được duy trì. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn, sở hữu một món đồ kim hoàn cũng mang ý nghĩa quan trọng như món gia bảo hồi môn cho sinh kế. Bởi vậy, con phố chỉ dài 280m nhưng vẫn còn những cửa hiệu duy trì, những xưởng thợ tại chỗ chế tác những đồ mỹ nghệ. Trong các gian nhà ống mặt phố vẫn sáng ánh lửa đèn khò và tấp nập những người thợ cần mẫn khảm vàng, chạm bạc cho những món đồ làm quà tặng vào dịp Tết, mừng thọ hay chúc phúc đám cưới theo truyền thống người Việt.
Bình dị hơn nhiều so với kim hoàn, nhưng gắn bó mật thiết với lịch sử văn sách Hà thành chính là những con phố Tố Tịch, Hàng Gai, nơi có những hiệu khắc dấu thủ công đến nay vẫn còn duy trì hoạt động, và hơn thế rất hấp dẫn du khách. Từ thế kỷ 19, khu vực này đã rất nhộn nhịp với những nhà in bằng phương pháp khắc ván như Liễu Văn đường, Quan Văn đường… mà sản phẩm để lại chính là những tác phẩm truyện thơ kinh điển của văn chương tiếng Việt như Truyện Kiều, Nhị độ mai… hay những bản khắc về phong tục dân gian trong bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” được xuất bản năm 1909. Tiếp nối truyền thống này, vào thế kỷ 20, các lĩnh vực khắc dấu hay các hình trang trí cũng rất thịnh vượng với những thương hiệu như Tinh Hoa, Phúc Lợi…
Hiện tại, những cửa hiệu khắc dấu còn nằm rải rác thêm ở những phố Hàng Quạt, Hàng Bông kế đó. Những con dấu giờ đây có thêm các hình con giống, logo có tính trang trí hay kiểu con triện chữ Hán hay những chữ ký viết tay bay bướm. Chúng được yêu thích bởi nét khắc cẩn trọng, tinh vi mà mộc mạc nhờ chất liệu gỗ lồng mực, một loại cây gỗ đặc thù vì nhẹ và dễ khắc. Khi được dập màu mực son lên mặt giấy, chúng để lại các vết màu đậm nhạt ngẫu nhiên, khác với sự sắc nét đanh lạnh của con dấu cao su khắc bằng máy.
Bước qua những phố phường cũ của Hà Nội, ngắm những ngôi nhà cổ đượm màu thời gian, lòng người du ngoạn cũng ấm áp khi còn nhìn thấy những khung cảnh lao động của người thợ ở phố nghề, đã từng làm nên ngữ nghĩa của tên các phố Hàng. Trong mỗi cảnh tượng ấy, vẻ đẹp làm rung động tâm hồn ta không chỉ ở giá trị vật chất tạo ra, mà còn là những dấu ấn kết tụ của thế giới văn minh vật chất người Việt trên mảnh đất kinh kỳ.