Vũ Thủy
Trồng rừng vững đất là tên dự án trồng rừng mà chương trình Hạnh Phúc Xanh (thuộc Quỹ Sống) đang thực hiện ở xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. 81.400 cây mấm (*) đầu tiên đã được trồng xuống. Từ những bãi bồi trống trải, mỗi cái cây như một điều hạnh phúc màu xanh đang vươn lên từng ngày.
Chăm chút từng cây mấm
Những ngày này mưa gió liên tục nên chú Kim Nạng (55 tuổi) – 1 trong 2 người trồng rừng của Hạnh Phúc Xanh đi ra bãi bồi từ sáng để dựng lại những cây mấm con bị sóng gió làm bật gốc, đổ rạp. “Mùa này gió lớn, mưa nhiều cây bị đổ hàng loạt. Cây non bị trốc gốc, phải dựng cây lên, cột vào cọc để giữ cây. Nếu để cây ngả 1 – 2 ngày là nó chết nên mưa gió cũng phải ra bãi, rồi cũng phải kêu thêm người thì mới cứu kịp”, chú Nạng kể. Nhà chú cách bãi bồi trồng cây chừng 4km. Để đi từ nhà ra bãi bồi không có cách nào khác là “đi bằng giò” – lội bộ. Có ngày, chú Nạng cùng với anh bạn trẻ Ngô Văn Bắc (24 tuổi), cán bộ của chương trình ra bãi từ 8h sáng, mê mải làm đến hơn 2h chiều, không ăn cả bữa trưa. Khi con nước lên, bãi bồi ngập sâu trong nước, không còn làm được nữa, hai chú cháu mới quay trở về. Lội mưa lếch thếch về đến nhà lúc 4h chiều, họ mới đi mua thức ăn để nấu bữa trưa mà giờ là thành luôn bữa chiều.
Trồng cây trên đất liền khó một thì trồng cây mấm ở bãi bồi phải khó gấp ba, gấp năm lần. Bao công khó nhọc để trồng xuống lớp bùn cát giữa sóng nước một cái mầm cây, nuôi nó lớn và bám rễ sâu vào lòng đất. “Từ lúc trồng xuống đến lúc cây bám rễ chắc, tự lớn được phải chừng 3 năm. Suốt thời gian đó thì phải chằng néo cây thường xuyên với cọc gỗ để cây không bị sóng đánh trôi”, chú Nạng kể. Nhưng trước khi trồng cây non xuống thì họ phải mất gần 2 tháng để đóng một cái “tường mềm” bằng cọc gỗ dài gần một cây số bao quanh khu trồng. Chỉ riêng cái “tường mềm” làm vai trò tạo bãi, chắn sóng… ấy là cả một sự kỳ công. Chẳng hạn để trồng lô 2 với khoảng 44.000 cây mấm, gần 20 người phải làm rõng rã gần 2 tháng để chuyển 46.000 cây cọc dùng để đóng tường mềm. Họ phải chờ nước lên thì mới kéo được bè chở cây trên mặt nước ra đến bãi bồi cách khoảng 2km. “Mỗi ngày mỗi người chỉ kéo được chừng 110 – 120 cọc. Đây cũng là công đoạn vất vả nhất của việc trồng rừng ngập mặn”, Bắc cho biết. Sau khi dựng “tường mềm” thì phải chờ chừng 5 – 6 tháng, bãi bồi được bồi thêm bùn bên trong lớp tường mềm ấy thì người ta mới bắt đầu trồng cây. Mặc dù ngoài cùng đã có lớp “tường mềm” giúp ngăn bớt được phần nào sóng biển nhưng để trồng cây được trên bãi bồi lún sụt, từng hàng cọc phải được cắm thẳng tắp khắp bãi bồi. Cây non chuyển lên các bè nổi rồi kéo ra bãi trồng. Mỗi cái cây được cố định vào một cái cọc néo để khỏi bị sóng biển cuốn trôi.
Cây trồng xuống, 12 tháng trong năm, những người trồng rừng của Hạnh Phúc Xanh hồi hộp với từng trận mưa gió, từng đợt xâm nhập mặn, bùn lỏng… Tháng 3 và tháng 4 là thời kỳ xâm nhập mặn, con hà vào nhiều bám nặng trĩu những cây non, cây oằn xuống. Nước lợ không đến kịp để “rửa” hà thì người trồng phải đi gỡ hà cho những cây bị bám nhiều quá. Từ tháng 10 đến tháng 12, gió chướng làm cây bật gốc nhiều, đến cọc neo cũng bị sóng đánh trôi, đội trồng phải tăng cường thêm nhân công để đi cột lại cây. Nhưng hồi hộp nhất là khi những đợt bùn lỏng với cát tràn về. Bùn quá nhiều sẽ khiến rễ bị ngộp thở, nếu bị ngộp lâu cây sẽ chết. “Với gió bão hay con hà bám thì còn có thể dùng sức người để cứu cây. Còn bùn lỏng thì không có cách nào là đợi thủy triều vào rửa trôi. Năm ngoái cũng có một đợt bùn lỏng nhưng may mắn là phần lớn khu trồng vẫn yên lành”, Bắc kể.
Góp cây, góp “hạnh phúc xanh”
Chị Nguyễn Thị Thu Lành – giám đốc chương trình Hạnh Phúc Xanh của Quỹ Sống cho biết chiến dịch “Trồng rừng vững đất” thuộc dự án Forest Symphony Sóc Trăng với mục tiêu trồng 50ha rừng ngập mặn trong 5 năm, từ năm 2020 – 2025. Sóc Trăng là nơi có dự án Nhà Chống Lũ, một chương trình khác của Quỹ Sống. Nhà Chống Lũ hỗ trợ xây nhà an toàn cho người dân nhưng lúc đó rất nhiều đợt hạn mặn nặng nề xảy ra ở miền Tây. Quỹ Sống bắt đầu nghĩ đến việc làm sao đảm bảo sự bền vững của cả ngôi làng khi mà biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và sinh kế của người dân ngày càng khó khăn. Và dự án trồng rừng bắt đầu được triển khai.
“Tạo thêm rừng, thêm cây, đa dạng hệ sinh thái là chuyện sống còn với con người khi còn ở trên trái đất này. Nếu không làm bây giờ thì đến bao giờ. Nuôi một đứa trẻ cần một ngôi làng thì trồng một cánh rừng cần cả cộng đồng chung tay”, chị Lành chia sẻ. 81.400 cây mấm đã được trồng xuống trên các bãi bồi ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng là công sức của rất nhiều người, của những người trồng rừng, chăm rừng và của hàng ngàn người đã tham gia đóng góp từng cái cây cho dự án. Trước đó, năm 2021, Hạnh Phúc Xanh đã thực hiện đợt gây quỹ cộng đồng cho lô đầu tiên của dự án trồng rừng ở Sóc Trăng và gần 3.000 người đã chung tay đóng góp 37.400 cây mấm trắng cho lô trồng này. Đến nay, những cây mấm con ở lô 1 đang phát triển xanh tốt, đa số cây đã cao 1,5-1,8 m. Tháng 6 năm 2022, cộng đồng tiếp tục đóng góp hơn 35.000 cây để Hạnh Phúc Xanh bắt tay vào trồng lô 2. Hiện tại, chương trình đang gây quỹ giai đoạn 2 để đạt mục tiêu trồng 44.000 cây, phủ xanh toàn bộ 10ha bãi bồi tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng trong năm 2022. “Gây quỹ cộng đồng, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng góp từng cái cây để trồng rừng cũng là cách để chúng tôi lan tỏa câu chuyện về biến đổi khí hậu, về ý nghĩa quan trọng của việc trồng rừng đến với ngày càng nhiều người hơn với mong muốn có thể tạo ra sự thay đổi lớn hơn trong tương lai”, chị Lành chia sẻ thêm.