Tạp chí Heritage tổng hợp

Những điệu hò dân ca Bắc Trung Bộ là di sản văn hoá phi vật thể quý báu của dân tộc ta. Nhưng mỗi địa phương khác nhau lại có những nét đặc sắc riêng về âm điệu, cách biểu diễn, tạo nên những thể loại tiêu biểu riêng của từng vùng. Sau đây hãy cùng tìm hiểu một số làn điệu đặc trưng của từng vùng nhé.

cac-lan-dieu-dan-ca-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quy-gia-heritage

Các làn điệu dân ca là di sản văn hoá phi vật thể quý giá
(Ảnh: Bộ văn hoá thể thao và Du lịch)

Di sản văn hoá phi vật thể là gì? Đó là các sản phẩm tinh thần có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, đó có thể là: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Trong đó, các điệu hò cũng là một phần không thể thiếu trong kho tàng các di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và bảo tồn.

1. Thanh Hoá

Xứ Thanh có nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là hò sông Mã và Trò Xuân Phả, Đông Anh.

Hò sông Mã là một di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của người dân Thanh Hoá. Là hệ thống sông lớn nhất ở Thanh Hóa, sông Mã có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người dân và là một trong những nhân chứng lịch sử về cuộc chiến đấu anh dũng của dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có lẽ vì lý do đó, nên người dân xứ Thanh có hẳn một làn điệu hò riêng dành cho con sông này và được gọi là hò sông Mã. Hò sông Mã được chia thứ tự theo sự kiện thuyền đi trên sông: rời bến, đò ngược, đò xuôi, mắc cạn và cập bến. Các lời ca của hò sông mã thường dựa trên thể thơ lục bát và hát theo lối xướng-xô, có câu dẫn chuyện của một người bắt nhịp.

Trò Xuân Phả là tiết mục biểu diễn dân gian mô tả lại khung cảnh 5 quốc gia lân bang cổ đến chầu hoàng đế nước Việt xưa gồm nhiều hình thức múa hát đặc sắc. Trò Xuân Phả ở Thanh Hoá thường diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hàng năm được tổ chức tại di tích Nghè Xuân Phả. Ngoài Xuân Phả, dân ca, dân vũ Đông Anh là một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Thanh Hoá bao gồm nhiều hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu đi kèm với các bài dân ca phản ánh đời sống tinh thần, thể hiện tâm tư, tình cảm của những người dân lao động.

tro-xuan-pha-van-duoc-luu-truyen-cho-toi-ngay-nay-heritage

Trò Xuân Phả vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay
(Ảnh: Báo Dân Trí)

Ngoài các loại hình nghệ thuật dân gian trên, Thanh Hoá còn có rất nhiều hình thức nghệ thuật, các lễ hội đặc sắc mang đậm truyền thống văn hoá của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

2. Dân ca Nghệ – Tĩnh

Dân ca Nghệ – Tĩnh tiêu biểu nhất là dân ca ví, giặm, đây là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu gắn liền với đời sống tinh thần của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dân ca xứ Nghệ có mối quan hệ mật thiết với các câu ca dao, tục ngữ thể hiện truyền thống văn hoá của dân tộc, nói lên nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của những người dân lao động. Những câu ca được ngân vang từ trong những hoạt động bình dị thường ngày như: ru con, trồng lúa, dệt vải, may vá…. cho tới những dịp lễ hội.

dan-ca-vi-giam-xu-nghe-trong-treo-muot-ma-heritage

Dân ca ví, giặm xứ Nghệ trong trẻo, mượt mà
(Ảnh: báo Dân Trí)

Các điệu ví, giặm có từ ngữ trau chuốt, mượt mà, từng lời hát đầy ý nhị, sâu sắc. Hát ví thường là hát một cách ngẫu hứng, dựa trên các thể thơ của dân tộc như: lục bát, song thất lục bát… các điệu ví với âm điệu cao thấp ngân dài, ngắn đều phụ thuộc vào tâm trạng và hoàn cảnh của người hát. Dặm là một thể hát nói dựa trên các thể thơ ngụ ngôn, vè 5 chữ, có tiết tấu, nhịp điệu, phách được quy định rõ ràng, hát dặm như đang tự sự, kể lại một câu chuyện, phân trần, giãi bày tâm tư, tình cảm.

Dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh là loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cần được giữ gìn, trân trọng và phát huy. Dân ca ví, giặm đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại ở Paris, Pháp tại kỳ họp thứ 9 vào năm 2014

3. Dân ca Bình – Trị – Thiên

Dân ca Bình – Trị – Thiên là di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam có ý nghĩa như một kho tàng văn hoá có giá trị của dân tộc ta với đa dạng các thể loại như: hò, lý, vè, đồng dao… Trong đó, hò và lý là nổi tiếng và tiêu biểu nhất.

dac-sac-cac-dieu-dan-ca-khu-vuc-binh-tri-thien-heritage

Đặc sắc các điệu dân ca khu vực Bình – Trị – Thiên
(Ảnh: Phong Nha Explorer)

Hò thường được chia làm 2 loại dựa trên không gian biểu diễn là: hò trên cạn và hò sông nước. Hò trên cạn có các điệu hò phổ biến như: hò giã gạo, hò xay lúa, hò kéo gỗ, hò đạp lúa, hò kéo thuyền, được hát trong đời sống sinh hoạt bình dị thường ngày. Hò sông nước có các điệu hò nổi tiếng là: hò kéo lưới, hò khoan, hò chèo thuyền, hò đánh cá, hò mái nhì… được sáng tác và hát khi những người dân làm việc với vùng sông nước, lênh đênh trên các con thuyền, ghe.

Lý cũng là một làn điệu rất đặc trưng của Bình – Trị – Thiên nói riêng và của dân ca Việt Nam nói chung, lý khác với hò ở chỗ không đi liền với động tác lao động hay giao duyên và thường được quy định nhạc tính đều đặn, không ngân dài ngắn ngẫu hứng như hò.

Nếu có ghé thăm các vùng đất Bắc Trung Bộ, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những làn điệu trong trẻo, mượt mà và mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc này để hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của con người nơi đây nhé. Các di sản văn hoá phi vật thể vùng Bắc Trung Bộ là tài sản quý báu của quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam cần được giữ gìn và phát triển.

Bài viết liên quan: