Trần Huyền
Chùa Daianji vốn là một ngôi chùa cổ và ngày nay là tâm điểm của du khách hành hương khi tới cố đô Nara
Tôi viếng thăm chùa Daianji (Đại An tự) ở Nara hai lần. Lần đầu vào tháng 8 năm 1997, khi tôi tới Nara để tham dự một khóa đào tạo trong lĩnh vực khảo cổ học do Viện nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Nara tổ chức. Lần thứ hai vào tháng 4 năm 2019 theo lời mời của thiền sư Kono Ryobun, trụ trì chùa Daianji.
Thăng trầm theo dòng lịch sử
Daianji là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Nhật Bản, được cho là nơi khởi nguyên của Phật giáo Nhật Bản thời cổ đại. Bắt nguồn từ tu viện Kumagori-shoja do Thái tử Shotoku kiến lập từ trước, vào năm 639, Thiên hoàng Jomei cho xây dựng nơi đây ngôi đại tự Kudara-otera. Đây là ngôi chùa đầu tiên được hoàng gia Nhật Bản xây dựng và được đặt dưới sự bảo trợ của các Thiên hoàng Nhật Bản trong thời kỳ Asuka (538 – 710).
Năm 673, Thiên hoàng Tenmu ra lệnh dời chùa Kudara-otera tới vùng Takechi và đổi tên chùa thành Takechi-otera, được tôn xưng là Daikan Daiji, nghĩa là “ngôi chùa lớn của hoàng gia”, tọa lạc bên trong cung điện Fujiwara, kinh đô của Nhật Bản bấy giờ.
Năm 710, kinh đô di dời đến Heijo-kyo (Nara ngày nay), thì chùa Takechi-otera cũng được dời vào bên trong kinh thành Heijo-kyo. Chùa được đổi tên thành Daianji, trở thành nơi bảo trợ tâm linh cho hoàng gia và đất nước Nhật Bản đương thời. Daianji, cùng với các ngôi chùa khác là Yakushiji, Gangoji và Kofukuji, hợp thành “tứ đại danh lam” của Nhật Bản trong thời kỳ Nara (710 – 794).
Thời hoàng kim, Daianji là ngôi chùa rộng lớn và tráng lệ bậc nhất Nara. Theo sử liệu Nhật Bản, vào thời kỳ này, chùa Daianji có quy mô rất lớn, nơi có 887 vị tu sĩ Phật giáo tu hành. Chùa còn thường xuyên đón tiếp các vị tu sĩ ngoại quốc đến thuyết giảng và tu tập, trong đó có ba vị sư nổi tiếng là Đạo Từ (người Trung Quốc), Bồ Đề Tiên Na (người Ấn Độ) và Phật Triết (người Lâm Ấp)
Vào cuối thế kỷ 8, Thiên hoàng Konin đã cho xây trong khuôn viên chùa Daianji hai tòa tháp bằng gỗ, mỗi tòa cao 7 tầng, nguy nga tráng lệ, làm nơi thiết trí các pho tượng Phật, Quan Âm và chư vị bồ tát bằng gỗ quý để các thành viên của hoàng gia và chư tăng, tín đồ đến chiêm bái và hành lễ.
Năm 1017, tòa tháp phía đông của chùa Daianji bị hỏa hoạn thiêu rụi. Chùa được trùng tu quy mô ngay sau đó. Nhưng đến thế kỷ 16, một thảm họa thiên tai đã phá hủy gần như hoàn toàn chùa Daianji.
Từng là ngôi quốc tự hàng đầu của Nhật Bản trong thời kỳ Nara, chùa Daianji đã hưng thịnh và suy tàn theo dòng thời gian. Mãi đến những năm cuối của thời kỳ Meiji (1868 – 1812), chùa Daianji mới bắt đầu được tái thiết.
Năm 1922, ngôi chánh điện được trùng tu hoàn chỉnh, chùa Daianji được hồi sinh, trở thành tổ đình của giáo phái Koyashan Shingon trong Phật giáo Nhật Bản.
Sư Phật Triết và công lao đối với chùa Daianji
Một trong những lý do khiến tôi quan tâm và trở lại viếng thăm chùa Daianji là vì nơi đây có liên quan đến một vị thiền sư đến từ Lâm Ấp, một phần lãnh thổ của Việt Nam hiện nay. Đó là sư Phật Triết.
Văn tự trên một tấm bia chữ Hán dựng ở chùa Daianji viết rằng Phật Triết là vị sư hàng thứ tư trong số các tăng sĩ ngoại quốc đến chùa tu tập và thuyết giáo. Nhiều nguồn sử liệu Nhật Bản cho biết sư Phật Triết là người Lâm Ấp, đến Nhật Bản vào năm 736 cùng với vị cao tăng người Ấn Độ là Bồ Đề Tiên Na. Họ tu hành tại chùa Daianji và đã tham gia vào lễ Khai nhãn pho tượng Phật lớn nhất thế giới ở chùa Todaiji vào tháng 4 năm 752.
Sử liệu Nhật Bản cũng ghi nhận sư Phật Triết là người đã truyền bá vào Nhật Bản 9 thể loại âm nhạc và vũ khúc của Phật giáo Lâm Ấp là: Bồ Đề, Ca Lăng Tần, Bạt Đầu, Bồi Lư, Thiên Thu Nhạc, Lan Lăng Vương, A Ma, Nhị Vũ và Hồ Kim Tửu. Ông được coi là người góp công khai sinh Nhã nhạc Nhật Bản sau này. Ông cũng là người khai sinh ra Sittan (Tất đàm), một loại chữ viết bắt nguồn từ chữ Phạn, để ghi chép kinh sách từ Phạn ngữ và thuyết giảng Phật pháp cho các tăng sĩ người Nhật.
Văn bia Đại An tự Bồ đề truyền lai ký tại chùa Daianji còn cho biết sư Phật Triết là người thừa hưởng văn hóa Ấn Độ, vừa là tu sĩ đạo Hindu, đồng thời là một vị sư của Phật giáo Mật tông. Chính ông đã truyền bá Phật giáo Mật tông vào Nhật Bản. Cùng với việc du nhập các điệu nhạc, vũ khúc của Lâm Ấp vào Nhật Bản và việc giảng dạy tiếng Phạn thông qua văn tự Sittan, sư Phật Triết là người có công lao rất lớn đối với Phật giáo Nhật Bản, và là người có nhiều ảnh hưởng đối với văn hóa Nhật Bản ngày nay.
Hiện nay, chùa Daianji trở thành tâm điểm của du khách hành hương khi đến Nara. Đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa thường niên, liên quan đến các vị Thiên hoàng, hoàng hậu và thành viên hoàng gia Nhật Bản như: Thái tử Shotoku, Thiên hoàng Konin, Hoàng hậu Suiko, Thiên hoàng Sudo… Trong đó có hai lễ hội thu hút đông đảo người Nhật và du khách đến tham dự là lễ hội Konin-e (ngày 21 tháng 4) và lễ hội Sake (ngày 23 tháng 6), với phong tục uống rượu trong những chiếc ống tre rất thú vị.
Daiainji cũng là nơi bảo lưu 9 pho tượng Phật, Quan Âm và Hộ Pháp làm bằng gỗ, có niên đại vào cuối thế kỷ 8, được công nhận là tài sản văn hóa trọng yếu của Nhật Bản.