Covid-19 đã gây thiệt hại to lớn cho kinh tế thế giới, trong đó hàng không là ngành chịu tác động nặng nề nhất khi các quốc gia tạm dừng khai thác các chuyến bay quốc tế và thực hiện giãn cách xã hội. Theo báo cáo của ICAO năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 và 1,32 tỷ hành khách, tương đương 74% và 50%, so với năm 2019, làm doanh thu lần lượt sụt giảm 250 tỷ và 120 tỷ USD.
Chính phủ các quốc gia không thể đứng nhìn các doanh nghiệp hàng không phá sản và đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp cần thiết để hỗ trợ họ tạm thời vượt qua khủng hoảng. Tính đến cuối năm 2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không hơn 200 tỷ USD và còn tiếp tục bơm thêm cho các hãng khoảng 80 tỷ USD trong thời gian. Nhìn chung, các biện pháp cứu trợ có thể gom thành các giải pháp chính là hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chính sách và hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã nhanh chóng thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; Áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho đến năm 2021; Áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ D về cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn…
Tuy nhiên, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam chủ yếu tập trung ở các giải pháp ngắn hạn giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính chứ chưa hướng tới các mục tiêu lâu dài hơn. Trong khi đó, chính phủ nhiều quốc gia đã thể hiện cả hai vai trò của nhà nước gồm quản lý nhà nước đối với ngành hàng không thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho toàn bộ các hãng hàng không và vai trò của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại một số hãng hàng không quốc gia thông qua các gói hỗ trợ đặc thù.
Trong năm 2020, chỉ có Bamboo Airways là có tăng trưởng 40% trong khi VNA Group và Vietjet lần lượt chứng kiến sự sụt giảm mạnh 21% và 34% lượng khách. Hiện mới có Vietnam Airlines và Vietjet Air có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, theo các báo cáo này, Vietnam Airlines năm 2020 lỗ 8.743 tỷ VNĐ (trước thuế), còn Vietjet năm 2020 lỗ 1.780 tỷ VNĐ (trước thuế)*.
* Theo Báo cáo tài chính kiểm toán Công ty Mẹ năm 2020 của Vietjet
Ngoài các khó khăn tài chính, các hãng hàng không Việt Nam hiện còn đối diện với một số vấn đề khác mà nổi cộm nhất là dư thừa tàu bay và giá vé.
Hiện các hãng có khoảng 230 máy bay, tăng 24 tàu so với năm 2019. Tổng số ghế cung ứng trong tháng 4/2021 ước tính bằng 137% so cùng kỳ 2019, trong khi sức mua (tổng doanh thu của thị trường) ước chỉ bằng 76% năm 2019. Do đó, các hãng hiện đang thừa xấp xỉ 58 máy bay hay 26% tổng số máy bay.
Tình trạng này dẫn tới việc sử dụng đội tàu bay không hiệu quả, công suất sử dụng thấp trong khi vẫn phải trả các chi phí bến bãi. Việc quá tải nhà ga sân bay khiến hành khách mất nhiều thời gian hơn cho mỗi chuyến bay và việc quá tải tại sân bay khiến các chuyến bay cần nhiều thời gian cho cùng hành trình dẫn tới lãng phí thời gian hành khách và khiến chi phí mặt đất khác của các hãng hàng không tăng mạnh.
Khó khăn của thị trường cũng đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các hãng bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ 2019. Giá vé giảm do các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh và tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ làm méo mó bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.
Bán phá giá vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính có thể làm doanh thu sụt giảm nghiêm trọng hoặc, trong trường hợp tồi tệ hơn, lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi do vé rẻ nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất hiện nay và khi đó người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt lớn.
Nhà nước tiếp theo nên hỗ trợ thế nào?
Trong ngắn hạn, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn trong khi những khó khăn cả về tài chính và hoạt động đang đeo bám ngành hàng không đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ một ngành kinh tế quan trọng, hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, Chính phủ cần cân nhắc thực hiện ngay một số giải pháp như:
- Điều chỉnh việc phê duyệt mua máy bay mới phù hợp với tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, khả năng vận hành của các hãng và hệ thống hạ tầng cơ sở;
- Điều chỉnh giá trần, giá sàn phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không theo hướng hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp hàng không trong thời điểm khó khăn này;
- Có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác, tránh tình trạng sự mất cân đối của ngành hàng không sẽ bóp nghẹt sự phát triển của các loại hình khác;
- Điều tra, xử lý làm rõ vấn đề giảm giá vé để cạnh tranh có phải là hành vi bán phá giá không;
- Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phù hợp, tăng cường năng lực tài chính thông qua các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tín dụng ưu đãi và các chi phí vận hành khác.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần làm rõ nét thêm vai trò chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines không chỉ trong ngắn hạn mà còn thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong trung và dài hạn.
Trước mắt, Chính phủ cần có đánh giá về hiệu quả gói hỗ trợ 12.000 tỷ VNĐ và cân nhắc khả năng có thêm gói hỗ trợ trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục kéo dài để đảm bảo an toàn vốn Nhà nước. Chính phủ cần giao Bộ Tài chính xem xét lại quy chế tài chính đối với không chỉ Vietnam Airlines mà còn đối với cả các doanh nghiệp nhà nước khác theo cơ chế linh hoạt hơn, phù hợp với nhịp độ, cơ chế kinh tế thị trường. Xem xét phương án đổi mới quy chế hoạt động, bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng quy định cụ thể mức đóng góp lợi nhuận sau thuế cho ngân sách nhà nước ổn định 5 năm theo Luật Ngân sách Nhà nước và đầu tư theo yêu cầu của thị trường, theo mục tiêu Chính phủ đề ra, tạo sự chủ động cần thiết cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng cần xem xét phương án tăng vốn cho Vietnam Airlines để mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ và cải thiện chất lượng dịch vụ để sớm trở thành hãng hàng không 5 sao mang tính biểu tượng trong nước và khu vực, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.