Bài: Trương Quý
Ảnh: Tonkin, Amachau

“Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau”…

Câu thơ hữu ý của Xuân Diệu đã nói tới một đặc điểm của hình thể đất nước Việt Nam với bờ biển trải dài và những mũi đất nhô ra đón sóng tạo ra hình ảnh ngoạn mục đầy ấn tượng.

Mũi Đại Lãnh (Phú Yên)

Những mũi biển đem lại cảm xúc đặc biệt cho người khám phá, khi chúng vừa đánh dấu những mốc địa lý quốc gia, vừa trấn ngự một không gian nơi có dải đất với ba mặt là biển. Các mũi biển đã trở thành những điểm đến được yêu thích không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ mà còn cả sự thách thức chinh phục.

Mũi đất khắc dấu thời gian

Việt Nam có đường bờ biển trải dài 3.260km từ mũi Sa Vĩ (Trà Cổ, Quảng Ninh) đến mũi Nai (Hà Tiên, Kiên Giang), tạo thành hình chữ S mà nhiều người liên tưởng đến dáng một con rồng. Trên chiều dài đáng kể đó, bờ biển Việt Nam là kết quả tạo nên từ sự bồi đắp của các châu thổ lẫn việc đâm ra biển của các dãy núi, nhất là dãy Trường Sơn dọc miền Trung. Những dãy núi chạy ngang ra sát biển đã chia địa lý Việt Nam thành các vùng khí hậu tương đối khác biệt, chúng cũng từng là những địa danh lịch sử trong quá trình hình thành lãnh thổ.

Những mũi biển mang tính lịch sử có thể kể tới mũi Độc (Quảng Bình), nơi dãy Hoành Sơn đâm ra biển, từng là ranh giới của nhiều triều đại, chẳng hạn Đại Việt và Chiêm Thành, với con đường thiên lý vượt qua đèo Ngang nổi tiếng đã đi vào thơ văn. Câu sấm truyền “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (dịch nghĩa: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời) của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ thế kỷ 16 gợi ý cho việc đây là ranh giới vùng đất của chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong) đã làm cho mũi biển này mang tính huyền thoại về một giai đoạn biến động của lịch sử.

Mũi Nghê trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Cuộc Nam tiến của người Việt được đánh dấu bằng các mũi biển, phần vì địa thế miền Trung gồm các đồng bằng nhỏ hẹp xen giữa các dãy núi. Các vùng dân cư ngăn bởi các mũi đất nhô ra biển, con đường thiên lý xuyên Việt cũng men theo bờ biển mà quanh co theo những mũi đất này, tạo ra những ngọn đèo như Phước Tượng, Hải Vân, Cù Mông, Cả. Sự ngoạn mục trong cảnh trí đường đèo sát các mũi biển đã tạo ra những địa danh nổi tiếng nơi đất, trời và biển giao nhau như Hải Vân “đệ nhất hùng quan” ngay sát biển – điểm cuối của dãy Bạch Mã từ Trường Sơn đâm ra biển, tạo ra bức tường chắn những đợt gió mùa từ lục địa Bắc Á tràn xuống. Từ đây trở vào Nam, khí hậu không có mùa đông rõ rệt như miền Bắc.

Đường bờ biển quanh co nhìn từ đèo Hải Vân (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng)

Nhiều mũi biển nằm trong số những mốc địa lý quốc gia vì tính chất tận cùng đầu sóng ngọn gió, như mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm (Khánh Hòa), được ghi nhận là cực xa nhất phía Đông đất liền, hay mũi Cà Mau (Cà Mau)  là điểm xa nhất phía Nam đất liền, nơi mà phù sa sông Cửu Long mỗi năm vẫn tiếp tục bồi đắp tiến xa hơn.

Nơi ba bề trời gặp biển

Điều khiến những người ưa khám phá cảnh sắc đất nước ở những mũi đất này là sự hoang sơ của chúng, nơi vì sự hiểm trở mà con người khó lui tới. Điều này tưởng chừng mâu thuẫn, song cảm giác chinh phục những điểm đến này chính là phần thưởng khi ra đến tận cùng mỏm đá, đứng trước biển mà ngợp trong cảm giác kỳ vĩ lồng lộng của khung cảnh trời biển hòa làm một.

Vẻ đẹp của những mũi đất nhìn ra biển Đông đã khiến chúng là điểm nhấn của những vùng du lịch nổi tiếng nhất miền Trung, tạo ra cá tính cho hệ sinh thái du lịch từng vùng. Khách du lịch đến bãi biển Mỹ Khê và Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng có cơ hội khám phá rừng tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà và tận cùng nhìn ra biển là mũi Nghê, nơi chỉ có thể đến sau khi xuyên qua cánh rừng nhỏ này. Mũi Né (Bình Thuận) từng được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam, cũng nằm trên một mũi đất cùng với mũi Kê Gà phía Nam tạo thành cửa vịnh Phan Thiết, một trong những vùng du lịch đắt khách nhất cực Nam Trung Bộ.

Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà (Bình Thuận)

Mũi biển cũng là nơi thuận lợi cho tầm nhìn để đặt những ngọn hải đăng. Vì vậy những ngọn hải đăng nổi tiếng nhất cũng trấn ngự trên những mũi biển vốn là tận cùng những dãy núi, chẳng hạn như hải đăng Gành Đèn gần gành Đá Đĩa (Phú Yên), hải đăng các mũi Đại Lãnh (hay còn gọi là mũi Điện, Phú Yên), mũi Dinh (Ninh Thuận), mũi Kê Gà (Bình Thuận), hải đăng Vũng Tàu (địa danh thời Pháp có tên Cape St. Jacques mà người Việt gọi là mũi Ô Cấp)… Chúng làm nên một cảnh trí huy hoàng, kỳ vĩ, tựa như những cột mốc con người cắm vào giữa thiên nhiên, thắp sáng đêm đêm cho tàu thuyền tìm bến.

Các mũi đất kết nối với những thắng cảnh và địa danh lịch sử địa phương, gợi ý một bức tranh hoàn hảo cho du lịch biển. Cùng với những bãi cát dài xen kẽ đầm phá, vũng, vịnh và các hòn đảo ven bờ, những mũi đất tựa như cánh tay vươn dài ra biển, trấn giữ nơi đầu sóng ngọn gió, gợi cho con người cảm xúc trân trọng cái đẹp của tạo hóa ban cho đất nước mình.