Phương Nguyễn

Trong cuốn nhật ký hành trình Đi theo đường xích đạo, đại văn hào người Mỹ Mark Twain từng viết: “Mauritius có trước, sau đó mới đến thiên đường. Thiên đường vốn dĩ sao chép từ Mauritius mà ra”. Vậy, Mauritius có thật sự là “bản gốc” của thiên đường?

Biển Mauritius thanh bình

Miền đất của khí hậu và địa lý kỳ thú

Nằm xa tít về phía tây nam của Ấn Độ Dương, thoạt nhìn từ trên cao, đảo Mauritius có hình dáng tròn trịa. Về địa hình, hòn đảo này tương đối giống với đảo Phú Quốc ở Việt Nam. Tuy nhiên diện tích Mauritius lớn gấp 3 lần Phú Quốc, với hơn 2.000km2. Trong đó, đáng kể nhất là hòn đảo được bao bọc bởi hơn 150km bờ biển với những bờ vịnh yên ả và các bãi cát thoai thoải.

Cũng giống các hòn đảo trong khu vực nam Thái Bình Dương, Mauritius được hình thành từ các vụ phun trào núi lửa thời cổ đại. Ở trung tâm đảo có một vùng cao nguyên với khí hậu ôn đới trái ngược hoàn toàn so với phần rìa đảo luôn nóng bỏng với ánh mặt trời soi rọi. Với địa hình mà tạo hoá ban tặng, Mauritius không chỉ là đảo nghỉ dưỡng, nơi đây còn có một hệ động thực vật phong phú cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên. Ở đây, có một công viên địa chất với các bãi đá nhiều màu sắc và thác nước mộng mơ. Du khách khi đến đảo, không chỉ say mê biển xanh,cát trắng, nắng vàng mà còn có thể chọn lựa những loại hình khám phá thiên nhiên kỳ thú với hệ thực vật độc đáo và các loài động vật hiếm gặp.

Vườn bảo tồn thực vật Sir Seewoosagur Ramgoolam có từ thế kỷ 18

Vốn đã tìm hiểu thông tin cẩn thận, tôi biết trên đảo Mauritius cũng có giống cây bao báp như ở Madagascar (cách đó gần 800km về phía tây). Khi vừa đặt chân đến Mauritius, tôi lập tức tìm hiểu ngay từ một người bản địa, chính là chị chủ homestay mà tôi lưu trú. Chị ấy người gốc Ấn, có thân hình to khỏe và một gương mặt phúc hậu. Chị tỏ ra ngạc nhiên: “Bao báp ư? Tôi tưởng bao báp chỉ có ở châu Phi kia mà”… Tôi ngạc nhiên đến bật cười và hỏi lại: “Thế Mauritius không phải thuộc châu Phi sao?”. Chị ngớ ra chừng 3 giây và cũng cười xoà cùng cả nhóm khách. Thật vậy, về mặt địa lý hành chính, Mauritius là một quốc gia thuộc châu Phi, nhưng bởi vì hòn đảo này nằm trọn trong vùng biển Ấn Độ Dương, trên đảo có hơn 70% cư dân là người gốc Ấn nên đa phần dân bản địa vẫn vui vẻ nghĩ rằng châu Phi là miền đất nào đó xa xôi, còn nơi họ ở thuộc về một xứ thiên đường yên bình.

Hệ thống trường học ở Mauritius dạy bằng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chính thức, nhưng hầu hết các học sinh, sinh viên sẽ nói được tiếng Pháp lưu loát và rất thích đọc tiểu thuyết Pháp. Hệ thống giao thông của họ quy định đi bên trái kiểu người Anh (giống Singapore, Hongkong…), nhưng theo một truyền thống riêng, chính quyền vẫn áp dụng một số đạo luật của thời Napoleon (Pháp). Đó là những nghịch lý lạ lùng, không kém phần dễ thương, mà nếu hoà mình vào trải nghiệm, bạn sẽ thấy chuyến đi hấp dẫn vô cùng.

Sống chậm, không chỉ là “đặc quyền” của du khách

Tôi đáp xuống sân bay Sir Seewoosagur Ramgoolam vào một buổi chiều trời trong vắt, nắng vàng dịu nhẹ và gió biển thổi mát rượi cả không gian chật chội phía bên ngoài nhà ga hành khách. Đây là sân bay thương mại duy nhất của đảo quốc, chỉ với một đường băng, nơi đây đã đón vô số các máy bay cỡ lớn từ khắp các châu lục. Tôi chọn ngay Mahebourg làm nơi dừng chân trong những ngày đầu khám phá đảo. Thị trấn nhỏ nằm ở phía đông nam đảo quốc, lọt thỏm trong một eo biển hẹp, nơi con sông lững lờ đưa những dòng nước cuối cùng từ cao nguyên đổ ra biển lớn. Không có nhiều khu resort nghỉ dưỡng sang trọng ở Mahebourg, bù lại, đúng như tôi mong chờ, thị trấn này rất thích hợp để tìm kiếm cơ hội hoà nhập vào đời sống bản địa. Tôi thuê một homestay xinh xắn, có ban công nhìn ra đoạn cuối cùng của dòng sông hẹp.Vượt qua cây cầu với hàng dừa xanh mát hai bên bờ, phía ngoài xa chính là đại dương mênh mông.

Bãi biển Trou aux Biches nhộn nhịp

Dân bản xứ Mauritius có một cung cách sống chậm rãi và bình thản. Xét về kinh tế, Mauritius không phải là một nước giàu, nhưng cách mà người dân hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần của mình thì không khác gì so với các quốc gia thịnh vượng. Ở Mauritius, nếu bạn được một người bản địa nhiệt tình mời đến nhà của họ mà họ gọi đùa là “lều trại”,  thì thật ra đó chính là biệt thự nghỉ dưỡng xây dựng ven các bãi biển đẹp như mơ. Trong không gian đó, chắc chắn bạn sẽ được gia chủ nồng hậu mời dùng trà theo kiểu Anh, bữa tối sẽ có món bánh mì theo kiểu Pháp.

Cách sống chậm rãi và hưởng thụ cuộc sống đến tận cùng không chỉ là đặc quyền của du khách hay các gia đình khá giả, mà bất cứ dân trên đảo, giàu hay nghèo, đều có cách giải trí riêng. Tôi đến đảo trong khoảng thời gian nghỉ lễ lớn nhất năm (Giáng sinh và Tết Dương lịch), khi tới các bờ biển hay các công viên, tôi thấy rất đông các gia đình đi xe bán tải đến để cắm trại, ăn uống, ca hát. Âm nhạc luôn sôi động khắp nơi. Và đặc biệt, ở những nơi công cộng, dù rất đông người nhưng hiếm thấy rác thải bừa bãi.

Du thuyền ngược xuôi trên vịnh Blue Bay
Với tôi, Mauritius hấp dẫn hơn hẳn các điểm đến thiên đường khác. Hòn đảo này ngoài việc được thiên nhiên hào phóng ban tặng cảnh quan trác tuyệt, bản thân nó còn trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phức tạp khi từng là thuộc địa của Hà Lan, Anh và Pháp. Điều mà tôi ấn tượng là sự giao thoa về văn hoá, tín ngưỡng, cũng như một sự hoà trộn rất khéo léo nằm trong tính cách của đa số người bản xứ. Đó chính là những “gia vị” đặc biệt được thêm vào để tạo nên món ăn tinh thần đậm đà bản sắc khó quên khi lưu trú ở nơi đây.