Khám phá lịch sử lâu đời và vẻ đẹp xa hoa của Cung điện Mùa Đông, Saint Petersburg

Toàn cảnh Cung điện Mùa Đông

Nổi bật giữa những công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nga tại Saint Petersburg là Cung điện Mùa Đông nguy nga tráng lệ. Nằm lặng lẽ bên bờ sông Neva, công trình kiến trúc vĩ đại này là biểu tượng tiêu biểu của lối kiến trúc Baroque. Từ cuối những năm 1700 cho đến năm 1917, đây là nơi ở chính thức của các Nga Hoàng. Cung điện được xây trên khoảng đất rộng với khuôn viên lên tới 90.000m2 thể hiện quyền lực của Sa Hoàng – vị quân vương trị vì hơn 125 triệu thần dân vào cuối thế kỷ 19. Cung điện này sở hữu 1.786 cửa ra vào, 1.945 cửa sổ và 1.057 sảnh cùng với các phòng riêng biệt. Hiện nay, rất nhiều phòng trong số đó mở cửa đón khách du lịch.

Với 3 tầng chính được sơn màu trắng và xanh lá cây nhạt, Cung điện Mùa Đông nay là tòa nhà chính của bảo tàng Hermitage. Nơi đây trưng bày hơn 2,7 triệu đồ tạo tác và tác phẩm nghệ thuật trên toàn thế giới. Trong những căn phòng lấp lánh ánh sáng của pha lê và vàng lá dát mỏng, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những kiệt tác của các danh họa hàng đầu thế giới như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Rembrant, Renoir, Cezanne, Manet, Monet, Van Gogh, Matisse, Gaugin and Rodin

Những bức tường sơn trắng sử dụng hoa văn ánh vàng đầy diễm lệ khiến nơi đây toát lên vẻ trang trọng và uy nghiêm

Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, bảo tàng Hermitage còn sở hữu bộ sưu tập có một không hai gồm vàng, nữ trang, đồng xu và đồ khảo cổ từ thế kỷ 18-19. Những món đồ cổ vô giá này được tìm thấy từ Ai Cập, Iran, Trung Quốc, Tây Tạng và Nhật Bản. Khách du lịch cũng nên dành thời gian để khám phá bảo tàng Nga, nơi cung cấp những thông tin khá đầy đủ về nền nghệ thuật nước Nga. Người ta ước tính rằng nếu dừng lại một phút để ngắm nhìn mỗi món đồ trong bảo tàng Hermitage thì bạn phải mất tới 11 năm để chiêm ngưỡng hết bộ sưu tập. Bao gồm Cung điện Mùa Đông và 4 tòa nhà khác chạy dọc bờ sông Neva, bảo tàng Hermitage không chỉ là bảo tàng lớn nhất nước Nga mà còn là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới.

Cung điện Mùa Động đang tồn tại hiện nay thực chất là tòa cung điện thứ 4 được xây dựng trên khu đất này. Tòa lâu đài đầu tiên được thiết kế và thi công vào năm 1711 nhằm phục vụ vua Peter Đại Đế – người mà trong cuộc tấn công về phía tây nước Nga vào thế kỷ 17 đã yêu cầu thành lập một thành phố mới – chính là Saint Petersburg ngày nay. Cung điện Mùa Đông ban đầu chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ. Vào năm 1711, Vua Peter Đại Đế cho xây dựng 1 tòa nhà lớn hơn trên nền móng cũ. Sau này, vào năm 1727, tòa nhà này được thay thế bằng Cung điện Mùa Đông thứ 3. So với những cung điện khác tại thủ đô các nước Châu Âu thì tòa nhà này khá nhỏ và đơn giản.

Cung điện Mùa Đông mang trong mình những dấu ấn nghệ thuật đặc sắc bởi những hoa văn trang trí tinh xảo vẫn còn vẹn nguyên vẻ đẹp qua thời gian

Cung điện Mùa Đông hiện tại gắn liền với tên tuổi Nữ hoàng Catherine Đại Đế, người đã cùng con trai ra mắt dân chúng tại ban công của Cung điện Mùa Đông và lên nắm chính quyền ngay sau đó. Hầu hết các hậu duệ của vương triều Romanov sống ở đây, cuối cùng là Alexander Đệ Nhị, vị vua trị vì từ năm 1855 cho đến khi bị ám sát năm 1881. Cung điện Mùa Đông sau đó được cho là không an toàn và gia đình hoàng gia đã chuyển tới một cung điện hẻo lánh ở Gatchina, cách Saint Petersburg 64km. Năm 1905, một nhóm người biểu tình không vũ trang đã bị bắn trong lúc diễu hành hướng về Cung điện Mùa Đông để diện kiến hoàng đế. Được biết đến với tên gọi “Chủ nhật máu” hay “Chủ nhật đỏ”, sự kiện này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc và được xem là một trong những tác nhân dẫn tới cuộc cách mạng Nga năm 1917.

Theo thống kê của CNN, trong những năm gần đây Cung điện Mùa Đông thu hút hơn 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, khiến nơi đây trở thành địa điểm được quan tham nhiều thứ 6 trên thế giới. Bước vào những sảnh hội trường đầy màu sắc được trang trí cầu kỳ, sẽ không khó để tưởng tượng ra những bữa tiệc hoàng gia xa xỉ một thời được tổ chức tại. Khu vực cầu thang được bao phủ bởi một tấm thảm nhung đỏ và trang trí bởi những tấm gương khổng lồ, các tác phẩm điêu khắc, các bức bích họa và chạm khắc gỗ sơn son thếp vàng. Phòng trưng bày vương miện – được xây dựng bởi Nga Hoàng Nicholas Đệ Nhất năm 1833 cũng là nơi bạn không nên bỏ qua. Sau khi bị phá hủy bởi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng năm 1873, căn phòng này đã được trùng tu nguyên dạng như lúc ban đầu. Các bức tường được phủ vải nhung đỏ thẫm có thêu hình những chú đại bàng hai đầu màu bạc. Chiếc vương miện mạ vàng được đặt trang nghiêm trong một góc của căn phòng.

Khi màn đêm buông xuống, cả khu vực trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết với ánh đèn rực sáng một khoảng trời

Bảo tàng Hermitage mở cửa miễn phí vào thứ năm đầu tiên của mỗi tháng. Mọi thông tin về việc mua vé vào Cung điện Mùa Đông và bảo tàng Hermitage du khách có thể tìm thấy trên trang web www.hermitagemuseum.org