Bài và ảnh: Minh Trần

Đến Đà Lạt du khách không thể bỏ qua một địa điểm đặc biệt: chùa Linh Phước (chùa ve chai) vì vẻ đẹp, những kỷ lục và những huyền thoại về nó.

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, nếu du khách đi dạo vào thăm ga Đà Lạt cổ, sẽ có một tour xe hỏa chạy bằng đầu tầu hơi nước xuống vùng ngoại ô Trại Mát, một vùng trồng hoa thơ mộng của thành phố cao nguyên. Với những người yêu nghệ thuật hay những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì việc săn những dải mây điệp trùng, hay những tia sáng qua những rặng thông ở khu vực này là một điểm không thể bỏ qua. Chùa Linh Phước tọa lạc ở trung tâm vị trí này, với năm phút đi bộ từ điểm xe lửa thả khách, nằm trên một khu đất bên phải quốc lộ 20 – đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1952 do Phật tử địa phương phát tâm đóng góp. Năm 1990 dưới sự thiết kế và chỉ huy thi công của thầy trụ trì đời thứ năm là Thượng Tọa Thích Tâm Vị và sự đóng góp của phật tử địa phương cùng phật tử các nơi, chùa đã được xây dựng lại toàn bộ như ngày hôm nay.

Đến với chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật thì điểm nổi bật thu hút du khách là sự độc đáo trong kiến trúc. Chùa còn có một cái tên khác: Chùa ve chai vì gắn liền với Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49m quanh tượng đài Phật Di Lặc. Vây rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, tạo nên một sự độc đáo về chất liệu với du khách tham quan.

Thêm nữa, tòa Linh Tháp 7 tầng, cao 37m, được xem là một trong những tháp chuông cao nhất Việt Nam hiện nay được Vietbooks xác lập vào ngày 05/05/2008. Đây là nơi thờ các tôn tượng Phật quý, bảo tàng và cũng là nơi đặt Đại hồng chuông (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999). Chuông cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng tới 8,5 tấn. Quả chuông này đã được một nhóm nghệ nhân Huế dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh… Toàn bộ ngôi tháp được trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu… Từ mái đến vách trong ngoài lan can, cột cửa đều được khảm vô cùng công phu với hàng trăm tấn mảnh sành, sứ từ mọi miền đất nước, khiến du khách liên tưởng đến những công trình lăng mộ của một số ông vua triều Nguyễn như Khải Định.

Ngoại điện, bên tả chùa vẫn còn đang lưu giữ công trình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “tượng Phật làm bằng hoa lớn nhất châu Á”. Tượng được kết bằng 650.000 đóa hoa bất tử (một loài hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt), do 30 nghệ nhân và 600 phật tử chế tác trong 36 ngày và có chiều cao 17m, nặng khoảng 3 tấn.

Nội điện, bên hữu là đại tượng Quan Thế Âm Bồ Tát mới được khánh thành trong thời gian gần đây bằng bê tông cốt thép, nhưng rất tinh tế cũng với chiều cao lên đến 17m, được bao quanh bởi 324 pháp thân của Bồ Tát. Hiện nay, ngoài hai pho đại tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa Linh Phước còn được xem là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Ngoài các kỷ lục tháp chuông cao nhất, đại hồng chuông lớn nhất, chùa còn có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất, chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất, chùa có con chim công bằng gỗ sao lớn nhất… và tầng hầm còn lưu giữ tượng Phật ngọc và tượng sáp các vị tổ nhiều nhất.

Điểm độc đáo nữa, ngôi chùa còn mang đến cho người xem sự bất ngờ với đường hầm địa ngục miêu tả câu chuyện về Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử của Đức phật Thích ca mâu ni đi xuống địa ngục tìm mẹ. Câu chuyện cảm động này được diễn tả bằng phù điêu và tượng điêu khắc kết hợp với âm thanh và ánh sáng một cách khá hấp dẫn, mô tả quá trình Mục Kiền Liên đi khắp các cõi giới âm phủ để tìm mẹ và tìm thấy bà đã bị đọa vào địa ngục. Vì tôn giả đã khai mở được phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, đắc được ngũ nhãn lục thông, nên nhìn thấy được mẹ mình đang chịu khổ nơi địa ngục. Không muốn thấy mẹ mình phải chịu khổ, ngài cũng không nỡ nhìn thấy mẹ của tất cả chúng sanh chịu khổ, cho nên ngài phát nguyện làm Địa Tạng Vương đi vào địa ngục, trông coi thế giới của Âm phủ. Câu chuyện vừa mang tính giáo dục chuyển hóa “Bồ đề tâm” được thể hiện dưới hình thức giải trí của một trò chơi, cũng là một nét đặc sắc vốn tự nhiên và thực dụng của văn hóa phương Nam.

Box: Vietnam Airlines hàng ngày có các chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đến Đà Lạt. Chùa Linh Phước nằm ở số  120 Tự Phước, phường 11, Trại Mát; cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8km về hướng đông bắc. Du khách có thể di chuyển đến chùa bằng tàu hỏa, xe buýt hoặc các phương tiện địa phương khác.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: