Bài: Phạm Thanh Hải
Ảnh: Nguyễn Phong

Trong con mắt của các nhà nghiên cứu về đô thị cổ phương Đông, Huế là một dạng thức kinh đô đặc biệt và hiếm có trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, bởi có cả dương cơ và âm phần được tích hợp hài hòa trong quy hoạch chung của một đô thị.

Toàn cảnh khu điện thờ và lăng mộ vua Đồng Khánh

Trong đó, phần dương cơ là kinh thành Huế và các thiết chế phục vụ cho sinh hoạt của nhà vua và triều đình ở phía đông, hướng mặt trời mọc; còn âm phần là miền lăng tẩm, đàn miếu ở phía tây, tây nam, phía mặt trời lặn, cũng là phía thượng nguồn dòng sông Hương. Bởi vậy, đến Huế, ngoài việc thăm kinh thành, cung điện, du khách nhất thiết phải đi thăm viếng một vài khu lăng tẩm điển hình thì mới cảm nhận được tương đối chính xác về văn hóa, di sản của vùng đất này. Tuy nhiên, do quỹ thời gian, hoặc do sự nổi tiếng vượt trội của các khu lăng của hoàng đế Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định nên lăng vua Đồng Khánh ít được quan tâm. Đó là điều thật đáng tiếc!

Lăng vua Đồng Khánh, tên chữ là Tư Lăng, là một khu lăng tẩm có quy mô khá lớn, nối liền và nằm chung trong khu vực lăng vua Tự Đức, tạo nên một quần thể lăng tẩm rộng hơn 220ha. Riêng trong khu vực này có nhiều khu lăng tẩm khác nhau: Tư Lăng của vua Đồng Khánh, Thiên Thành Cục của Kiên Thái Vương (thân sinh vua Đồng Khánh và hai vị vua khác là Kiến Phúc, Hàm Nghi), Tư Minh Lăng của Phụ Thiên Thuần hoàng hậu (tức bà Thánh cung, vợ vua Đồng Khánh), lăng của Đoan Huy hoàng thái hậu (bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại), tẩm mộ của Hoàng tử Cảnh và một số lăng mộ của các thành viên khác trong hoàng gia với thời gian xây dựng cũng rất khác nhau.

Tượng một vị quan võ ở sân chầu Tư Lăng

Nguyên ở khu vực lăng này trước đã có tẩm mộ Kiên Thái Vương, sau khi lên ngôi (1886), vua Đồng Khánh mới cho xây điện Truy Tư, cách đó khoảng 100m về phía đông nam để thờ cha. Công trình đang dở dang thì vua Đồng Khánh lâm bệnh rồi băng hà ngày 28/1/1889, khi mới 25 tuổi. Vua Thành Thái kế vị đã quyết định dùng điện Truy Tư để thờ vua Đồng Khánh, đổi tên thành điện Ngưng Hy, còn bài vị Kiên Thái Vương được đưa về thờ tại Hân Vinh từ đường, bên bờ sông An Cựu. Lăng mộ vua Đồng Khánh được xây cách điện thờ khoảng 100m về phía tây nam nhưng chỉ làm rất đơn giản. Tháng 8/1916, con trai vua Đồng Khánh là vua Khải Định đã cho tu sửa phần lăng mộ với các vật liệu hiện đại. Những năm 1921, 1923, khu vực điện thờ lại được trùng tu. Như vậy, công cuộc xây dựng lăng Đồng Khánh đã diễn ra nhiều đợt trong thời gian gần 35 năm (1889-1923). Sự phức tạp của lịch sử xây dựng lăng để lại dấu ấn rất rõ trên kiến trúc khu lăng mộ này.

Bức phù điêu làm từ gốm Long Thọ

Tương tự như lăng mộ các vị vua Nguyễn khác, Tư lăng gồm có 2 phần: khu điện thờ và khu lăng mộ.

Khu điện thờ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, quay mặt hướng đông nam, lấy đồi Thiên An, cách đó 3km làm tiền án. Trước mặt có hồ nước hình bán nguyệt làm tụ thủy minh đường. Toàn bộ khu vực điện thờ có vòng tường xây gạch hình chữ nhật bao bọc. Tường cao 3m, dày 0,55m, chu vi 262m; khoảng giữa 4 mặt đều trổ cửa. Cửa hậu và hai cửa bên đều làm theo lối cửa vòm cuốn, có mái đúc giả ngói, còn cửa chính phía trước, mang tên Cung Môn làm bằng gỗ, kiểu 3 gian, 2 tầng. Từ nền Cung Môn đi ra phía trước có đến 15 bậc cấp bằng đá Thanh, 2 bên đắp rồng chầu thành bậc, đi ra phía sau có 3 bậc cấp dẫn xuống sân trước điện Ngưng Hy.

Điện Ngưng Hy là ngôi điện chính của khu điện thờ, cấu trúc kiểu nhà kép trùng thiềm điệp ốc (từ gốc Hán, tạm dịch: mái chồng, nhà nối) với 3 ngôi nhà ghép 7 gian 2 chái liền nhau đặt trên 1 mặt nền thống nhất, gần như vuông (25m x 24m). Cả 3 phần của điện đều 7 gian, 2 chái với tổng cộng 100 cây cột gỗ lim sơn son thếp vàng rực rỡ. Ở chính điện ngoài bài vị vua Đồng Khánh, 2 bên tả, hữu còn thờ bài vị 2 hoàng hậu Thánh cung, Tiên cung. Phần mái điện ở mặt trước, mặt sau và đầu hồi đều được trang trí bằng các đồ án rất phong phú trên cả hệ thống bờ nóc, bờ quyết, cổ diêm; chất liệu chủ yếu là pháp lam, đất nung và vữa đắp sành sứ.

Bậc thềm trước điện Ngưng Hy

Phía trước điện Ngưng Hy, bên tả là Công Nghĩa Đường, bên hữu có Minh Ân Viện, đều kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi thờ các công thần. Sau điện, 2 bên có Tả, Hữu tòng viện, cũng kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi sinh sống của các cung phi sau khi vua mất.

Khu lăng mộ nằm trên một ngọn đồi cao, quay mặt về hướng đông – đông nam, lấy ngọn Thiên Thai làm tiền án, cấu trúc tương tự lăng mộ các vua Nguyễn tiền triều nhưng đã dùng vật liệu xi-măng, sắt, thép. Phần mộ đặt trong 3 vòng tường thành xây gạch hình vuông. Cả 3 vòng tường đều trổ một cửa phía trước; sau cửa ngoài cùng có bình phong trang trí hổ phù và chữ Thọ. Nấm mộ xây bằng đá Thanh kiểu 1 ngôi nhà có mái, dài 4,2m, rộng 2,6m, bờ nóc và đầu hồi trang trí hình rồng, dơi và chữ thọ.

Phía trước lăng là 3 tầng sân tế rộng, lát gạch ca rô và gạch Bát Tràng. Phía trước là nhà bia hình tứ giác xây gạch, mái đúc giả ngói ống, trong dựng bia Thánh Đức Thần Công bằng đá Thanh. Bia cao 3m, rộng 1,45m, dày 0,16m đặt trên bệ cũng bằng đá Thanh. Lòng bia khắc bài văn ca ngợi công đức vua cha do vua Khải Định viết năm 1916. Hai bên nhà bia là 2 trụ biểu cao vút, xây gạch trát vữa xi-măng.

Sân bái đình nằm phía trước nhà bia, ngoài cùng là Nghi môn kiểu tam quan đắp trụ tròn, nền sân lát gạch Bát tràng. Hai bên sân Bái đình thiết trí hai hàng tượng gồm quan văn, quan võ, ngựa, voi, mỗi bên 6 bức. Khác với tượng đá Thanh ở các lăng mộ vua Nguyễn tiền triều, tượng ở đây đắp bằng gạch và vôi vữa, hình thức tượng khá thanh mảnh. Tất cả các bức tượng đều được đặt trên các bệ vuông xây gạch.

Các ô cửa kính màu là điểm đặc sắc ở Tư Lăng mà các lăng khác không có

Tư lăng tuy không nổi tiếng bằng một số lăng tẩm khác, nhưng lại có vẻ độc đáo riêng. Tiêu biểu nhất là điện Ngưng Hy với kiểu kết cấu nhà ghép 3 căn mang trên mình những hình thức trang trí nghệ thuật hết sức phong phú và độc đáo của nghệ nhân Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bao gồm cả phong cách cung đình và dân gian. Về mặt lịch sử kiến trúc, Tư lăng là công trình đánh dấu sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại vào kiến trúc truyền thống Việt Nam, để rồi mở kỷ nguyên đấu tranh và hòa hợp giữa hai dòng kiến trúc này. Viếng thăm khu lăng tẩm này, hầu hết du khách sẽ không khỏi có chút bồi hồi đầy xúc cảm bởi vẻ đẹp đa dạng, mộc mạc mà không kém phần tinh túy, rực rỡ, lạ lẫm mà lại rất trữ tình.