Thụy Phương
Ngôi làng sách ở Pháp nổi tiếng bậc nhất châu Âu.
Trên toàn nước Pháp ước tính có khoảng từ 20.000 đến 25.000 điểm bán sách, trong đó có 3.500 cửa hàng sách tư nhân. Đây được coi là một trong những hệ thống cung cấp sách dày đặc nhất thế giới. Điểm bán sách có thể là hiệu sách, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua bán văn hóa phẩm, boutique (cửa hàng nhỏ) của các bảo tàng… Không chỉ có vậy, ở Pháp còn có 8 ngôi “Làng sách” (book town). Đó là nơi đọc sách, giao lưu thông qua các không gian hiệu sách, chợ sách, bảo tàng, thư viện, triển lãm, xưởng đóng sách, làm giấy… Montolieu là một trong 8 ngôi làng như vậy, và là làng sách duy nhất ở phía Nam nước Pháp.
“BOOK TOWN”
“Làng sách” (book town) là một ý tưởng đã được sản sinh ở làng Hay-on-Wye (xứ Wales nước Anh) do Richard Booth khởi xướng vào năm 1961. Về mặt ý tưởng, làng sách chỉ có sách cũ hay sách cổ. Mô hình kinh doanh và du lịch này thành công nên tiếp tục được nhân rộng và trở nên phổ biến khắp châu Âu ở những thập kỉ sau. Ngôi làng sách ở châu Âu thứ 2 là Redu của Bỉ thành lập năm 1984, làng thứ 3 Bécherel của Pháp năm 1987, tiếp sau là ở Thụy Sỹ, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan… Đây là những ngôi làng nằm ở vùng nông thôn, hay thị xã nhỏ, xa trung tâm thương mại. Trước đây chúng được nuôi sống bởi các nhà máy sản xuất. Khi công nghiệp dịch vụ và thương mại hóa toàn cầu phát triển từ nửa cuối thập niên 1970, các nhà máy đóng cửa, đời sống kinh tế nông thôn đình trệ, làng mất đi nguồn tài chính, dân cư rời lên thành phố sống. Các ngôi làng bỗng trở nên thưa thớt và tiêu điều. Từ thập niên 1980, một nhóm người bắt đầu hồi sinh các ngôi làng này. Họ là những người làm nghề liên quan đến sách, từ doanh nhân đến nghệ nhân, như chủ hiệu sách, thợ đóng sách, sắp chữ, làm giấy thủ công, người buôn bán sách cũ. Sau hơn 40 năm, nhiều ngôi làng ở châu Âu đã trở thành những địa điểm du lịch văn hóa độc đáo xoay quanh sách và văn hóa đọc. Mô hình này là hình mẫu cho sự phát triển bền vững ở các vùng nông thôn: đưa kinh tế và kinh doanh du lịch về chốn hẻo lánh, tăng sự tương tác giữa nông thôn và thành phố thông qua văn hóa.
Ngày nay, mô hình book town đã vượt hẳn ra khỏi biên giới Âu châu và gây dựng nên mạng lưới toàn cầu thông qua Tổ chức Quốc tế Làng Sách (International Organisation of Book Towns) được thành lập năm 1998. Từ năm 2000, tổ chức này tiến hành 2 năm/lần sự kiện International Book Town Festival (tạm dịch: Lễ hội các làng sách quốc tế).
LÀNG DU LỊCH
Montolieu, ngôi làng với diện tích 23,65km², hiện có 900 nhân khẩu, đã từng rất sung túc nhờ ngành công nghiệp dệt len từ thế kỉ 17, nơi có nhà máy dệt thảm Hoàng gia dưới thời vua Louis 15. Theo sáng kiến của Michel Braibant, một nghệ nhân đóng sách người gốc Bỉ, người biết rõ mô hình book town, Montolieu đã chính thức trở thành làng sách có bảo tàng Nghệ thuật và Nghề sách kể từ năm 1990. Bảo tàng này thừa kế bộ sưu tập cá nhân của Michel Braibant gồm sách, đồ vật, dụng cụ hiếm và cổ. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày vài cỗ máy in và đóng sách. Đến năm 2022, làng đã có 18 hiệu sách với 100.000 đầu sách, bao gồm sách cổ, sách cũ, sách hiếm, sách hạ giá và cả sách mới. Montolieu nằm lọt thỏm giữa các dải núi và những cánh đồng nho. Điểm xuyết dọc các ngóc ngách đường làng là những gốc cây ô-liu, cây bách, xương rồng. Bước vào Montolieu, bạn như đi lạc vào giữa một thư viện khổng lồ không được sắp đặt ngay ngắn: các con phố nhỏ như những hành lang, các cửa hàng nhỏ như những gian phòng hiện ra bất ngờ ở mọi góc. Nhưng sự thiếu quy củ này là điều tuyệt vời nhất để bạn la cà, lạc lối vào những hiệu sách cũ, cổ với đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ, truyện tranh, trinh thám, viễn tưởng, kịch bản, kí họa, khoa học, bí truyền, làm vườn, nấu ăn…
Ở đây, đa số các hiệu sách chính là những ngôi nhà cổ kính. Du khách có thể dừng chân trong xưởng vẽ của một họa sỹ, rồi vào lật sách và đọc sách cả tiếng đồng hồ trong một hiệu sách, đi tiếp vào các cửa hàng trang sức được làm thủ công từ đá, kim loại, giấy, hoa khô, gỗ, hay sà vào một nhà hàng ẩm thực để thưởng thực đặc sản miền Nam. Montolieu mở cửa thường xuyên và mỗi năm đón tiếp hơn 52.000 khách du lịch, đặc biệt là những nhà sưu tầm sách và các học sinh phổ thông.
LÀNG NGHỆ SỸ
Ngoài 18 hiệu sách, Montolieu còn là làng nghệ sỹ với 22 xưởng nghệ thuật và 6 xưởng nghề sách, 3 trung tâm văn hóa trong đó có Bảo tàng Nghề và Nghệ thuật Sách. Từ 20 năm nay, các nghệ sỹ hội họa, điêu khắc, gốm, truyện tranh, nhiếp ảnh, khắc chữ, nghệ thuật thị giác đến lập xưởng, sống ngay tại làng mang lại cho Montolieu một hơi thở nghệ thuật và đời sống xã hội mới. Sức sống và sự năng động của làng còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa trải dài suốt năm như hội chợ sách, hội thảo, hòa nhạc, khóa thực tập hay đào tạo, giao lưu với các tác giả, triển lãm, festival Pages de jazz (Ngày quốc tế Nghệ thuật) của riêng làng…
Nếu chỉ nghe nói về làng này thì bạn có thể mường tượng nơi đây chỉ toàn giấy với chữ, nhưng điều thú vị nho nhỏ lại nằm ở mấy cửa hàng chuyên về đĩa nhạc vinyle cũ. Vừa dạo chơi làng sách, khách thập phương vừa được nghe những tiếng nhạc phát ra từ những góc phố nhỏ. Khoảnh khắc đi dạo trên những con đường làng khiến ta như đang lạc vào khoảng lặng để quên đi sự căng thẳng của đời sống ở những đại đô thị. Mỗi con đường, mỗi góc làng đi qua giống như ta vừa lật giở từng trang sách, vừa hào hứng, vừa thư thái, vừa tò mò!