Thái A

Có lẽ tinh khí của trời đất đã thấm sâu vào đá, trải qua hàng triệu năm tắm mưa gội tuyết nên ngọc vùng Hymalaya có độ trong trẻo, màu sắc tươi tắn và cũng có phần huyến bí bởi năng lượng mà chúng tỏa ra

Từ xa xưa người châu Á đã có niềm tin sùng kính đối với các loại ngọc quý. Ngọc thì có vô vàn chủng loại, từ thời cổ đại đã được chọn làm đồ trang sức và chế tác thành vật dụng thể hiện đẳng cấp, uy quyền và được đưa lên ngang hàng với các kim loại quý, dùng để đính lên mũ miện, áo bào của các bậc vua chúa.

Trong các quốc gia châu Á thì nhiều nơi sở hữu nguồn ngọc quý, nhưng nổi bật nhất và cũng mang màu sắc huyền bí nhất phải kể tới những viên ngọc quý nổi tiếng được con người tìm kiếm dưới “mái nhà của thế giới” Hymalaya – nơi muôn phần cách trở bởi những áp lực với cơ thể do điều kiện không khí loãng oxy, nguy cơ sốc độ cao khi lên tới vùng đất cao hơn 3.000m so với mực nước biển.

Ẩn giấu trong lòng đất đá Hymalaya là rất nhiều loại ngọc nổi tiếng mà theo lời những người chuyên nghiên cứu về trường năng lượng, có lẽ tinh khí của trời đất đã thấm sâu vào đá, trải qua hàng triệu năm tắm mưa gội tuyết nên ngọc ở đây có độ trong trẻo, màu sắc tươi tắn và cũng có phần huyền bí bởi năng lượng mà chúng chứa đựng. Ở đó, có một loại ngọc đặc biệt tên là đá dzi, một loại ngọc được các vị lạt ma xưa kia đeo như một loại pháp khí linh thiêng và được người Việt gọi bằng cái tên “đá lạt ma” hoặc “thiên nhãn châu”. Những vân trắng đều đặn hiện trên nền đen, loại càng hiếm thì mắt đá càng đều đặn và nhiều. Theo những người tu tập Mật tông, đá dzi tỏa ra trường năng lượng mạnh. Tuy nhiên đá dzi thật rất hiếm.

Rải rác trong thành phố Lasha, tại Shigatse, bên các hồ nước Namtso, Yamdrok… hiện hữu khá nhiều tiệm và sạp bán đồ lưu niệm. Biết bao loại đá bán quý và ngọc quý được thợ thủ công cắt gọt, mài giũa thành các món đồ nhỏ nhắn đáng yêu với đủ hình thù. Hội tụ tại đây còn có các loại ngọc phỉ thúy xanh, ngọc khổng tước có vân ẩn hiện đẹp như lông đuôi của những chú chim công, ngọc mã não nhiều sắc độ từ hồng nhạt cho tới đỏ sẫm…

Tìm được ngọc quý là cơ duyên, sở hữu được ngọc hợp với người lại là may mắn, điều này thật đúng khi nói về hành trình đến với Hymalaya, nơi mà một nhà lữ hành đã từng tới đây nhiều lần trong đời đã nói, đó là đến với vùng đất nhân duyên, nơi ngọc chờ để làm đẹp cho người.