Bài: Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện
Côn Đảo không chỉ sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ của biển xanh, cát trắng, lưu “dấu ấn lịch sử về lòng yêu nước”, vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu này còn là điểm đến cho những người đam mê lặn biển do có hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú bậc nhất Việt Nam. Đặc biệt, đây là nơi đang nỗ lực thực hiện và triển khai thành công nhiều chương trình, hoạt động bảo tồn và cứu hộ rùa biển.
Rùa biển ở Côn Đảo
Trên thế giới có 7 loài rùa biển nằm trong danh mục những loài được bảo vệ, cấm săn bắt và buôn bán ở hầu hết các quốc gia. Vùng biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo ghi nhận loài rùa sinh sống chủ yếu là rùa xanh (hay còn gọi là vích). Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa cao điểm rùa mẹ lên các bãi cát làm ổ, đẻ trứng. Vườn Quốc gia Côn Đảo có khoảng 18 bãi cát có rùa mẹ lên làm ổ ở hòn Cau, hòn Tre Lớn hay hòn Tài, nhưng nhiều nhất phải kể đến bãi cát lớn của hòn Bảy Cạnh.
Người đam mê lặn và “có duyên” với rùa biển
Nguyễn Ngọc Thiện (sinh năm 1988) ngoài công việc chính là quản lý mảng dịch vụ của một tập đoàn đa quốc gia Pháp tại TP.Hồ Chí Minh, anh còn đam mê bộ môn thể thao lặn biển và chụp ảnh dưới biển. Anh đã có cơ hội trải nghiệm lặn biển ở nhiều vùng biển dọc theo dải đất hình chữ S, trong đó có các chuyến lặn thực hiện liên tục trong 3 năm qua ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, chủ yếu ở hòn Bảy Cạnh, nơi đang triển khai các chương trình, hoạt động bảo tồn rùa biển trọng điểm quốc gia và quốc tế (do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế – IUCN tổ chức).
Anh Thiện đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị trong những chuyến lặn biển và tác nghiệp của mình: “Vào mùa rùa biển Côn Đảo “kết đôi”, chúng thường xuất hiện ở các khu vực bãi san hô, bãi cỏ biển. Trong một lần lặn, cả nhóm bắt gặp 2 cá thể rùa xanh nhưng chúng khá nhát, thoáng thấy bóng người lặn là bơi đi rất nhanh. Đến gần cuối buổi, cả nhóm chuẩn bị bơi về thì bắt gặp một cá thể rùa xanh trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 1,2 m đang nằm thư giãn tại tầng cát đáy biển. Cá thể rùa này khá dạn, vì thế tôi tranh thủ chớp nhoáng trong 2-3 phút để lặn xuống, tiếp cận đủ gần quan sát và ghi hình, thậm chí bơi cùng với nó một đoạn dưới đáy biển trước khi chào tạm biệt trong tâm trạng phấn khích. Đây là khoảnh khắc quý giá, là sự may mắn, cái duyên giao hòa giữa con người và thiên nhiên ở Côn Đảo”.
Ngoài ra, anh Thiện còn ghi hình hoạt động kiếm ăn của rùa biển ở khu vực đáy biển Côn Đảo, nơi có các thảm cỏ biển mọc rải rác khắp khu vực tầng đáy của biển, hay quá trình tìm kiếm “đối tác” và giao phối của các cá thể rùa trưởng thành,
“Đỡ đẻ” cho rùa biển
Những nhân viên kiểm lâm chính là những “bà đỡ” tận tình và chuyên nghiệp cho các chú rùa biển Côn Đảo. Anh Thiện cùng nhóm lặn của mình đã được kiểm lâm viên Phạm Trung Kiên ở hòn Bảy Cạnh hướng dẫn chi tiết để “đỡ đẻ” cho các chú rùa mẹ.
Màn đêm buông xuống cũng là lúc đội ngũ kiểm lâm đi dọc bờ biển để canh rùa lên đẻ trứng. Tùy vào thời điểm thủy triều lên xuống, rùa mẹ lên bờ đẻ trứng từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Chúng lấy hai chi trước đào hố sâu khoảng 50 – 60cm, rộng 20cm rồi đẻ trứng vào đó. Rùa mẹ đẻ từ 80 đến 200 quả một lần. Sau đó, các kiểm lâm viên sẽ kiểm tra thẻ theo dõi trên cơ thể rùa mẹ và ghi chép dữ liệu, nếu chưa có thẻ thì tiến hành bấm thẻ mới. Khi rùa mẹ đẻ xong và trở về biển, các anh sẽ đánh dấu ổ, nhẹ nhàng kiểm đếm ổ trứng và đem về bãi ấp. Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, sẽ kiểm tra các ổ trứng ở bãi ấp, đào hố mới và vót tre thành những cọc đánh dấu, dùng để viết ngày thu trứng và số lượng trứng trong ổ. Buổi chiều 15 giờ sẽ là khoảng thời gian để san lấp các hố đẻ của rùa mẹ từ đêm hôm trước. Chu trình một ngày đêm “đỡ đẻ” cho rùa biển trên hòn Bảy Cạnh diễn ra như vậy và cứ thế kéo dài liên tiếp nhiều ngày trong suốt mùa cao điểm rùa đẻ trứng tại Vườn quốc gia Côn Đảo.
“Có đêm, tôi phải nằm chờ ngoài bãi biển suốt 5 giờ liền, xung quanh đảo xa không gian rất tĩnh mịch, chỉ có bầu trời đêm bao la và tiếng sóng vỗ vào bờ cát. Tận hưởng thứ không khí tinh khiết từ biển trời hoang sơ rồi bất giác tôi ngủ lịm đi lúc nào không hay, đến khi giật mình tỉnh dậy do tiếng động sột soạt thì bất ngờ phát hiện một bóng đen đang đào cát làm tổ đẻ trứng ngay cạnh chỗ tôi nằm”, anh Thiện kể một kỷ niệm khi chứng kiến rùa mẹ lên bờ đẻ trứng.
Thả rùa con về với thiên nhiên
Trứng nở thành rùa con sau 45 – 60 ngày tùy nhiệt độ môi trường. Cảm xúc thú vị và hạnh phúc nhất là đi cùng đội kiểm lâm thả rùa con về biển, tận mắt quan sát hàng trăm rùa con bò chậm rãi xuống biển, gợi mở về những khát vọng tự do.
“Rùa biển rất nhạy để nhận biết hình ảnh, quê quán nơi chúng sinh ra, bởi khi trưởng thành (20 –30 năm sau), chúng sẽ quay lại chính nơi mình đã chào đời để đẻ trứng. Đó là lý do khi thả rùa về biển, các anh kiểm lâm phải thả từ trên bãi cát để chúng tự bò xuống biển. Đường bò xuống biển chỉ cỡ vài chục mét trên bờ cát, nhưng đoạn đường ấy đã được khắc ghi trong não bộ để rùa biển có thể tìm về nơi mình đã sinh ra, tiếp tục hành trình duy trì nòi giống. Thế nên, khi bảo vệ thiên nhiên nói chung và sinh vật biển nói riêng, chúng ta không thể chỉ làm những điều ta muốn, mà phải làm những thứ chúng thực sự cần” – anh Thiện chia sẻ.
Trên thực tế, rùa biển luôn phải đối mặt với nguy cơ suy giảm quần thể do các động vật săn mồi trong tự nhiên, bệnh tật cho đến các hoạt động đánh bắt không chủ đích và có chủ đích của con người. Với tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ sống sót thấp, cộng thêm thời gian sinh trưởng dài nên rất ít rùa con sống sót được đến khi trưởng thành, tỷ lệ chỉ khoảng 1/1.000.
Để tiếp tục bảo tồn rùa biển, chúng ta cần chung tay hành động để bảo vệ và bảo tồn môi trường sống, hệ sinh thái biển bền vững, đồng thời nhân rộng hơn nữa các chương trình, hoạt động bảo tồn rùa biển. Thống kê từ năm 1995 đến nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo với sự nỗ lực không ngừng đã cứu hộ hơn 21.000 ổ trứng rùa biển, tỷ lệ trứng nở trên 80% và có khoảng 1.500.000 rùa con được thả về biển.
Bài viết liên quan: