Quỷ Cốc Tử

Tôi có cơ hội đến Côn Đảo nguyên sơ và chứng kiến khoảnh khắc tuyệt đẹp của thế giới tự nhiên: mùa rùa sinh nở.

Vẻ đẹp non nước hoang sơ Côn Đảo

Đảo hoang sơ nơi rùa đẻ trứng

Quần đảo Côn Đảo nằm ở phía đông nam của Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 185km, cách cửa Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 85km. Côn Đảo có địa hình cực kỳ đặc biệt khi có các dãy núi đá granit chạy dài tây bắc sang đông nam, rừng nguyên sinh với nhiều loài đặc hữu bao bọc kín và trải dài đến tận bờ biển.a

Năm 1993, Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo chính thức thành lập với hơn 5.800ha rừng đặc dụng, 14.000ha bảo tồn biển cùng hơn 2.000ha vùng đệm trên biển. Ngoài sự hoang sơ đặc biệt lý tưởng đó, Côn Đảo còn là thiên đường của rùa biển. Rùa có một đặc tính rất đặc biệt là sinh ra ở đâu đến lúc trưởng thành sẽ quay lại chính nơi đó để sinh nở. Cứ đến hẹn lại lên, hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có khoảng 400 rùa xanh, vích mẹ lên 14 bãi đẻ ở VQG để sinh nở. Trong đó có những bãi rùa lên với số lượng lớn như bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, bãi cát lớn hòn Cau, bãi cát lớn hòn Tre Lớn, bãi cát hòn Tài, bãi Dương hòn Bảy Cạnh.

Sau mỗi mùa rùa đẻ, có khoảng 150.000 rùa con được bảo vệ cứu hộ thả về biển với tỷ lệ trứng nở thành công khoảng 87%. Vào những đêm cao điểm mùa sinh sản có từ 10 đến 20 rùa mẹ lên bãi.

Côn Đảo được mệnh danh là thiên đường của rùa biển

Gian nan hành trình bảo tồn và cứu hộ rùa biển

Bảo tồn và cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo là một câu chuyện thật dài và nhiều xúc động. Chị Bùi Thị Thu Hiền – điều phối viên chương trình biển và vùng bờ của Liên Minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – chân tình chia sẻ: “19 năm trước IUCN đã tổ chức hội thảo đầu tiên ở Côn Đảo để xây dựng kế hoạch bảo vệ rùa biển. Bắt đầu từ năm 2014, IUCN đã tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đầu tiên và hoạt động liên tục cho đến bây giờ. Hiện có 300 tình nguyện viên đã tham gia chương trình với các công việc như: vệ sinh bãi ấp, di dời ổ trứng, hỗ trợ các kiểm lâm trong việc theo dõi chăm sóc và thả rùa về biển”.

Tuy Ban quản lý VQG, IUCN, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực để bảo tồn rùa biển Côn Đảo nhưng công việc này gặp không ít khó khăn và loài rùa biển vẫn gặp nhiều đe dọa bởi các lý do tự nhiên lẫn con người. Do sự ấm lên toàn cầu dẫn đến việc nước biển dâng cao, tỉ lệ giới tính bị thiên lệch (dự kiến đến năm 2100, 97% rùa nở ra là rùa cái) hay tình trạng đánh bắt lén lút, nạn trộm trứng vẫn xảy ra.

Ao Hoàng Sáng – trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bến Đầm, người có 9 năm thâm niên gắn bó với công tác bảo tồn rùa biển – chia sẻ rằng các anh em kiểm lâm phải thường xuyên tuần tra để chống đánh bắt hoặc là sự xâm nhập quá gần của tàu bè vào khu vực rùa sinh nở vì rùa rất nhạy âm thanh. Anh Huỳnh Văn Hùng – cán bộ phòng thông tin văn hóa huyện Côn Đảo dành thời gian đưa tôi đi vòng quanh các đảo – cho biết, trước khi chuyển về huyện anh có 20 năm gắn bó với VQG nên anh yêu mảnh đất này như chính sinh mạng mình. Anh nhớ từng đêm, thâu đêm suốt sáng canh rùa đẻ rồi di dời ổ trứng để không bị thiên địch hay lấy trộm. Từng ngóc ngách rùa đẻ anh thuộc như lòng bàn tay. Anh cho biết mỗi năm có khoảng 150.000 chú rùa về biển nhưng chỉ khoảng 150 chú lớn đến tuổi trưởng thành mà thôi, thế nên khả năng chúng sẽ tuyệt chủng trong tương lai là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngày nay Côn Đảo đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều dự án du lịch sắp được triển khai. Thiên nhiên sẽ phải nép mình lại một chút để nhường chỗ cho nhịp sống hiện đại của con người. Phát triển là điều cần thiết thế nhưng làm sao phải bền vững để trăm nghìn năm sau những chú rùa biển dễ thương vẫn theo những con sóng xanh mà quay về thiên đường Côn Đảo sinh nở. Và để hàng triệu chú rùa con lại từ đây băng mình ra đại dương bao la tìm kiếm cuộc đời hạnh phúc.