Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt
Họa sĩ vẽ minh họa: Phạm Hùng Anh
Trong khu rừng sâu kia có một giếng nước trong mát không bao giờ cạn, gọi là giếng tiên. Vì người trần không mấy ai qua lại, nên các nàng tiên trên trời thường dùng chỗ ấy làm nơi hội tụ. Ở đấy họ thỉnh thoảng đến lấy nước, hoặc có khi trút bộ cánh trên bờ, xuống bơi lội đùa giỡn cho thỏa thích.
Cũng ngày ấy, ở cõi trần có một chàng trai làm ăn chăm chỉ nhưng sống một thân một mình. Một hôm chàng lên rừng đốn củi không ngờ quá chân lạc bước đi mãi vào khu rừng sâu. Trong khi tìm lối ra, chàng bỗng đi qua cái giếng tiên lúc ấy có ba nàng tiên đang bơi lội cười đùa trong làn nước. Thấy có ba bộ cánh trắng toát để lại trên bờ cỏ xanh, chàng tính chuyện rình bắt một cô theo mình. Nghĩ vậy chàng rón rén bò lại lấy trộm một bộ, rồi nấp vào một gốc cây.
Sau khi tắm xong, ba nàng tiên thong thả lội lên bờ. Hai nàng có cánh của mình bay vụt lên trời, còn một nàng mất cánh ngơ ngác tìm tòi khắp nơi. Thấy vậy, anh chàng từ chỗ nấp bước ra, và bảo : “Nàng hãy theo ta về nhà làm vợ. Ta sẽ làm cho nàng sung sướng”
Mặc dầu nàng tiên van khóc hết lời, chàng trai nhất định không chịu trả đôi cánh. Túng thế nàng tiên đành phải theo chàng. Về tới nhà, trước tiên chàng bí mật giấu kỹ bộ cánh rồi ra soạn sửa cơm nước, áo quần, chăn chiếu cho nàng tiên dùng. Từ đó nàng tiên trở thành vợ chàng. Chẳng bao lâu, vợ chàng sinh một đứa con trai. Thấm thoắt đứa con đã lên ba tuổi. Chồng sung sướng nhìn con bập bẹ tập nói, còn vợ thì đã thưa nhắc đến chuyện đòi lại bộ cánh để trở về trời. Một hôm, anh chàng có việc phải xa nhà lâu ngày. Trước khi lên đường, anh dặn vợ: “Mẹ con ở nhà, có ăn thì ăn đụn lúa vang, rồi sang đụn lúa ré, chớ ăn đụn lúa rẹ, có tổ ong vò vẽ, đốt cả mẹ liền con”.
Nhưng vợ ở nhà không làm theo đúng lời dặn của chồng. Sau khi ăn hết đụn lúa vang, nàng liền chuyển sang ăn đụn lúa rẹ. Không thấy có tổ ong vò vẽ nào đốt cả, nàng tiên bèn sinh mối ngờ vực. Lời dặn của chồng đã trở thành một câu mách ngầm. Quả nhiên, sau một hồi tìm tòi, nàng tiên đã tìm thấy bộ cánh cũ của mình giấu kín dưới cót thóc mà chồng dặn không được đụng đến.
Được cánh, nàng tiên nóng lòng về thăm bố mẹ, chị em. Nhưng khi lắp cánh vào thì thấy ngường ngượng. Đã lâu lắm không bay, nàng cảm thấy nặng nề khi cất cánh. Từ đó, hàng ngày nàng phải giở cánh ra tập luyện. Chẳng bao lâu thói quen đã trở lại. Nhưng vì thương con, nàng tiên vẫn nấn ná chưa chịu về trời. Đã sắp đến ngày về của chồng. Nàng quyết định phải ra đi. Một buổi chiều, nàng tiên làm một mẻ rất nhiều bánh. Sáng hôm sau, mẹ đưa con vào buồng, dặn: “Con ở nhà hễ khi nào đói thì vào buồng lấy bánh mà ăn đừng có đòi mẹ nhé!”. Rồi mẹ gài lên áo con một chiếc lược và dặn: “Con nhớ giữ lấy lược cho cha nghe”. Dặn đoạn, nàng tiên vỗ cánh bay bổng lên không trung.
Người chồng trở về thấy mất vợ, lại thấy lược vợ cài vào áo con thì đoán ra nông nỗi. Từ đấy cha con cui cút, lòng anh buồn rười rượi, thằng bé vắng mẹ kêu khóc đêm ngày. Một hôm, chàng lại bế con tìm lên giếng tiên. Lối cũ giờ đây cây cỏ rậm rì che kín. Chàng tìm mãi, cuối cùng cũng lần tìm ra đường. Lập tức chàng đưa con đến nấp bên bờ giếng tiên, hy vọng sẽ được gặp lại vợ ở đây. Chờ mãi đến trưa hôm sau, cha con mới thấy một bà già từ trên trời xách thùng xuống múc nước. Chàng trai cầu khẩn bà tiên: “Tôi là chồng nàng tiên ba năm trước đây xuống tắm chốn này. Nàng đã là vợ tôi và là mẹ của thằng bé này. Thế mà nàng đột ngột bỏ về trời không một lời để lại. Vậy bà làm ơn giúp cha con chúng tôi, nhắn tin cho vợ tôi xuống đây gặp chồng gặp con một tý. Đây là chiếc lược của vợ tôi để lại làm dấu tích, bà cứ cầm về, vợ tôi khắc biết ngay”.
Bà tiên bảo: “Ta biết rồi. Nàng tiên đó là Ả Chức, hàng ngày dệt vải nhưng vẫn nhớ chồng nhớ con. Được, ta hứa sẽ đưa giúp”.
Hai cha con lại chờ cho đến tận chiều hôm sau mới thấy có hai người từ trên trời xuống. Họ đem theo mọi thứ dây túi để đưa cha con lên trời. Họ dặn cha con phải nhắm mắt và phải giữ hết sức im lặng. Vào khoảng canh khuya, hai cha con đã bước vào cõi trời. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Nhưng chỉ được hai ngày sau, hai cha con lại phải rời “thượng giới”. Lệnh cấm của Ngọc Hoàng rất nghiêm. Bất cứ người trần nào dám cư trú ở cõi trời đều bị coi như kẻ địch. Người nào chứa chấp cũng bị tội nặng. Ả Chức tuy thương chồng con vô hạn, nhưng không thể xuống sống ở cõi trần. Đành phải chia tay.
Ngày hôm đó, vợ gạt nước mắt trao cho hai cha con một cái trống, một mo cơm, và dặn: “Hễ chân chạm đất thì cứ đánh ba tiếng trống để trên này biết mà cắt dây”.
Hai cha con xuống được nửa đường thì trời đã trưa. Thấy thằng bé khóc đói, anh chàng bèn dừng lại giở mo cơm đặt lên mặt trống cho con ăn. Thằng bé bốc cơm ăn làm vương vãi trên mặt trống. Một đàn quạ thấy vậy bèn sà xuống mổ lấy mổ để. Ở trên kia, Ả Chức nghe có tiếng trống tưởng là cha con đã xuống đến đất, bèn cứ việc cắt dây. Dây đứt, cha con rơi xuống biển cả. Thấy việc không ngờ lại xảy ra như thế, đàn quạ biết là lỗi tự mình, bèn bay lên trời kêu váng cả lên. Thế là việc phạm lệnh cấm của nhà Ả Chức lọt đến tai Ngọc Hoàng.
Sau khi biết rõ tình cảnh của họ, Ngọc Hoàng lấy làm thương hại, bèn hạ lệnh cho cha con lên trời, giao cho chàng công việc chăn trâu. Sau này người ta gọi anh là chàng Ngưu, hay chàng Ngâu. Hàng ngày chàng Ngưu thả trâu của nhà trời ăn cỏ nhưng chỉ được phép thả trâu và cư trú bên kia bờ sông Ngân. Bên này bờ, Ả Chức vẫn ngày ngày dệt vải. Mỗi năm Ngọc Hoàng chỉ cho hai vợ chồng gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng Bảy (âm lịch). Đàn quạ có lỗi thì ngày hôm ấy phải đội đá bắc cầu cho hai vợ chồng qua lại.
Từ đấy, cứ đến ngày mùng bảy tháng Bảy âm lịch, trời thường rỉ rả mưa phùn, người ta gọi là mưa Ngâu, cho rằng đó là những giọt nước mắt của vợ chồng được gặp gỡ trong một ngày, rồi lại ly biệt cho đến năm sau. Giống quạ cho đến nay thường bị hói đầu, người ta cho là vì phải làm phận sự đội đá bắc cầu nên mới thế.