Bài: Nguyễn H. H. Duyên
Ảnh: E FEO, Lý Hòa Bình, Paisarn Piemmettawat

Nằm gối mình bên bờ tây sông Hàn, bảo tàng Điêu khắc Chăm là một điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đà Nẵng.

KHỞI ĐẦU LÀ MỘT KHU VƯỜN TƯỢNG

Sự ra đời của bảo tàng Điêu khắc Chăm bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương để trưng bày và bảo quản các tác phẩm điêu khắc đá Chăm Pa do Charles Lemire (1839 – 1912) khởi xướng. Ông được chính quyền thực dân bổ nhiệm làm công sứ Pháp tại Qui Nhơn, Vinh, Đồng Hới, Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An) những năm từ 1881 đến 1893. Trong thời gian sống ở Việt Nam, ông bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật Chăm Pa, bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng các đền tháp Chăm Pa bị hủy hoại và bắt đầu sưu tập các hiện vật điêu khắc đá bị bỏ mặc tại các di tích.

Bản vẽ mặt trước Bảo tàng Chàm tại Tourane của Delaval. Năm 1911. Tài liệu lưu trữ của EFEO

Năm 1892, Lemire yêu cầu vận chuyển 50 pho tượng về công viên Tourane. Nơi đây vốn là một gò đất cao nằm giáp với một ngôi chùa bên cạnh sông Hàn. Năm 1893, ông gửi đề án xây dựng bảo tàng lên các nhà cầm quyền. Trong những năm sau đó, nhiều hiện vật tiếp tục được Lemire chuyển về, trong đó có một nhóm tượng được hiến tặng từ đồn điền ở Phong Lệ của Camille Paris. Công viên Tourane dần trở thành một khu vườn tượng dưới sự chỉ đạo sắp đặt của Lemire. Tuy nhiên, ông qua đời vào năm 1912 khi ý tưởng xây dựng bảo tàng vẫn còn dang dở.

HENRI PARMENTIER VÀ BẢO TÀNG CHĂM TẠI TOURANE

Nếu Charles Lemire đặt nền móng đầu tiên cho dự án xây dựng một bảo tàng, Henri Parmentier (1871-1949) là người đã theo đuổi và hiện thực dự án. Ông tốt nghiệp ngành vẽ kiến trúc tại trường Mỹ thuật Paris và bắt đầu công việc cho trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam năm 1900, với nhiệm vụ khảo sát thống kê các di tích Chăm tại Trung kỳ.

Parmentier ôm ấp ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương để trưng bày, gìn giữ các tác phẩm điêu khắc Chăm Pa, thay vì gửi những hiện vật này đến bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet hay một nơi nào khác tại Pháp. Năm 1902, ông bắt đầu vẽ phác họa cho một “dự án về kho Chàm” để bảo quản bộ sưu tập mà Charles Lemire đã mang về công viên Tourane kể từ năm 1892 nhưng vẫn nằm dầm mưa dãi nắng trong khu vườn. Thế nhưng đề án xây dựng bảo tàng Chàm tại Tourane do Sở Khảo cổ của trường Viễn Đông Bác Cổ lập nên không được phê duyệt vì lý do kinh phí.

Năm 1908, Parmentier một lần nữa kiên trì theo đuổi đề án này. Trong báo cáo gửi các nhà cầm quyền, ông chỉ ra tình trạng nguy kịch của các hiện vật điêu khắc cũng như thiết lập các nguyên tắc sưu tập hiện vật. Mãi đến năm 1914, bảo tàng mới được đồng ý cấp kinh phí xây dựng và Parmentier được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án.

Đài thờ Trà Kiệu, thế kỷ 10

Tòa nhà bảo tàng được thiết kế dựa trên bản vẽ của hai kiến trúc sư người Pháp, Delaval và Auclair cùng những ý kiến đóng góp của Parmentier. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1915 và kết thúc vào tháng 5/1916. Trong ba năm sau đó, Parmentier chỉ đạo việc trưng bày hiện vật. Tháng 4/1919, bảo tàng mở cửa đón du khách, và được biết đến với tên gọi Bảo tàng Chàm tại Tourane (Musée Cam de Tourane). Tuy nhiên, mãi đến ngày 11/3/1936 lễ khánh thành mới chính thức diễn ra và bảo tàng được đặt tên Musée Henri Parmentier để ghi nhận những nổ lực của ông trong việc kiến lập một bảo tàng nghệ thuật – khảo cổ Chăm Pa.

100 năm sau ngày mở cửa đầu tiên, bảo tàng Chàm tại Tourane đã được đổi tên, nâng cấp cải tạo nhiều lần và là nơi hội tụ của hơn 400 tác phẩm điêu khắc đá độc đáo. Ngày nay du khách biết đến bảo tàng dưới tên gọi chính thức “Bảo tàng Điêu khắc Chăm”, tuy nhiên người dân thành phố gắn bó với bảo tàng qua năm tháng vẫn gọi nơi đây bằng tên gọi gần gũi, giản dị “Viện cổ Chàm”. Những hàng cây lối đi trong khu vườn Tourane không còn hiện hữu nguyên vẹn như 100 năm cách đây. Không gian trưng bày đã có nhiều sự thay đổi. Nhưng đâu đó vẫn còn âm hưởng của một khu vườn tượng trầm mặc yên ả và bóng dáng của những người tiên phong sáng lập nên một bảo tàng dành cho di sản nghệ thuật Chăm Pa.