Trương Quý
Trên tấm bản đồ châu thổ Bắc Bộ, sông Đuống nằm ở trung tâm những vùng văn hóa lâu đời của người Việt. Không chỉ là huyết mạch nối hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông Đuống còn là dòng chảy lưu thông văn hóa – lịch sử của quá trình phát triển. Với tên chữ sông Thiên Đức hay Thiên Đức Giang, sông chảy dài 68km từ ngã ba Dâu (giữa quận Long Biên và huyện Đông Anh, Hà Nội) đến ngã ba thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, dòng nước nhiều phù sa này dường như lắng trầm tích của hàng nghìn năm cư trú của người Việt.
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Thi sĩ Hoàng Cầm đã gợi ra vị trí trung tâm vùng Kinh Bắc của sông Đuống, không chỉ về mặt địa lý mà còn văn hóa: “Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” (Bên kia sông Đuống). Trước hết, sông Đuống gần như làm nên ranh giới tự nhiên của vùng bán sơn địa từ phía Bắc với vùng châu thổ phía Nam. Từ đây trở xuống chỉ còn số ít ngọn đồi thấp giữa những mênh mông ruộng đồng phì nhiêu. Về mặt địa dư hành chính, sông Đuống kết nối phủ Thuận An và phủ Từ Sơn của trấn Kinh Bắc xưa và hai bờ tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
Ở bờ Bắc, tương ứng với phủ Từ Sơn xưa, là một vùng văn hóa lâu đời, dày đặc các địa chỉ di tích và các làng quan họ nổi tiếng, nối dài tới đôi bờ sông Cầu và tỉnh Bắc Giang. Ở bờ Nam, tương ứng với phủ Thuận An, sau đổi là Thuận Thành, được xem là vùng đất tiếp nhận Phật giáo sớm nhất Bắc Bộ, trải rộng từ tả ngạn sông Hồng tới vùng Lục Đầu Giang ghi dấu những chiến tích chống ngoại xâm. Sông Đuống hòa nước với sông Cầu, Thương, Lục Nam, Kinh Thầy và Thái Bình tạo nên địa danh có nghĩa tụ hội 6 dòng sông này. Trong đó 4 con sông đưa nước từ thượng nguồn về tuần tự mang những cái tên thể hiện tư duy hài hòa thể hiện vũ trụ quan của người xưa, xuất phát từ chữ Đức mang nghĩa điều tốt đẹp: Thiên Đức (Đuống) – bầu trời, Nguyệt Đức (Cầu) – mặt trăng, Nhật Đức (Thương) – mặt trời và Minh Đức (Lục Nam) – sự sáng rõ. Đây cũng là bốn con sông tạo nên cảnh quan xứ Kinh Bắc cổ xưa.
Từ nơi sông Đuống chia nước sông Hồng, bằng hành trình đường thủy, du khách có thể tiếp cận những vùng di tích phong phú và dày đặc nhất Việt Nam như cụm đền Gióng, chùa Kiến Sơ (Phù Đổng) gắn với huyền thoại Thánh Gióng thời Hùng Vương, chùa Nành (Ninh Hiệp), chùa Sủi (Phú Thị) hay chùa Keo (Kim Sơn), những trung tâm Phật giáo thời trung đại thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), tiếp đến là cụm di tích chùa Phật Tích trên núi Lạn Kha (huyện Tiên Du) đối ngạn với chùa Bút Tháp và vùng văn hóa Luy Lâu với lõi là chùa Dâu và di chỉ thành cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành), đều là những đệ nhất danh lam nước Việt. Đi xuôi theo dòng sông Đuống lượn khúc thân rồng, ta gặp đền thờ Kinh Dương Vương trước khi qua làng tranh Đông Hồ để rồi tới chân núi Thiên Thai nơi có đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh, người đầu tiên thủ khoa kỳ thi Tam trường Nho giáo Việt Nam vào thế kỷ 11.
Từ đây dòng Thiên Đức đi qua vùng Lệ Chi Viên, nơi từng gắn với bi kịch của đại thi hào Nguyễn Trãi, công thần triều Lê, cũng như chùa Đại Bi nơi Trúc Lâm Tam tổ Huyền Quang thời Trần xây dựng tại quê nhà năm 1305, rồi uốn khúc về phía Nam qua khu lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương, vị tướng đã chế ra nỏ thần và kiến thiết nên thành Cổ Loa vào thế kỷ 3 trước Công nguyên. Cuối cùng, sông chảy tới bến Bình Than, nhập vào sông Thái Bình ở khu vực Lục Đầu Giang. Khung cảnh trời nước đặc biệt này là nơi diễn ra Hội nghị Bình Than (1283), địa điểm vua tôi nhà Trần bàn kế chống giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Sở dĩ vậy là vì vị trí đường thủy chiến lược của sông Đuống là đường nhanh nhất để đi từ cửa biển tới kinh thành Thăng Long. Ngày nay sông Đuống vẫn là trục kết nối với vùng du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) và xa hơn là Hải Phòng, Quảng Ninh, như hàng trăm năm trước tổ tiên người Việt đã băng thuyền lướt sóng.
Tuyệt mỹ hoa tay, mỡ màu nguồn sống
Sông Đuống không dài, song đã đóng một vai trò vô cùng then chốt trong quá trình hình thành nên quốc gia Đại Việt cả nghìn năm. Không chỉ chứa đựng các câu chuyện lịch sử, sông Đuống còn lưu giữ kho tàng văn hóa qua cảnh quan làng mạc, những hoạt động nông nghiệp và thủ công nghiệp đã làm nên bản sắc và sự phồn thịnh của vùng quê này. Cái tên vùng Dâu và con sông Dâu phân thủy của sông Đuống xưa nói lên đặc điểm nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải của cư dân bản địa. Những câu thơ xưa như “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong… Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen/ Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối…” cho đến giờ vẫn còn lưu lại trong sự nhộn nhịp của làng nghề tranh Đông Hồ, tre Xuân Lai hay đúc đồng Đại Bái.
Những di tích lưu lại các Bảo vật Quốc gia như pho tượng đá Phật A Di Đà và linh thú chùa Phật Tích niên đại thế kỷ 11, hay pho Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cùng hệ thống tượng gỗ tuyệt mỹ chùa Bút Tháp, chùa Dâu niên đại thế kỷ 17-18 cho thấy trình độ thủ công trong tay nghề và tư duy mỹ thuật đỉnh cao của vùng ven sông Đuống. Tạo tác kiến trúc những nơi này đã đem lại danh xưng “chùa Bắc” trong câu ngạn ngữ xưa “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” ngợi ca vẻ đẹp danh lam đất nước.
Nhưng sông Đuống còn giữ được khung cảnh hoàn hảo của cảnh quan sông nước, làng mạc triền đê, cùng nguồn lợi thủy sản và sản phẩm nông nghiệp ven sông. Những bãi bồi phù sa đã chuyển hóa thành đồng ruộng cố định, lưu đường cày cấy thâm canh hàng nghìn năm, để thành tập quán canh tác đặc trưng. Những vùng bãi đất giữa dòng như bãi Nguyệt Bàn ở cửa sông Đuống đổ ra sông Thái Bình cũng là những vùng sinh thái thể hiện sự dày công vun xới của con người khi lợi dụng sự ưu đãi thiên nhiên ban cho.