Tina Do – Đức Dumbo

Mùa xuân luôn là đề tài và nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc và hội họa.

Hoa Hà Nội - Phạm Luận

Xuân đã về. Khi mà cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn sắc xuân phơi phới, thì cũng là lúc các nghệ sĩ tràn đầy cảm hứng sáng tạo để cho ra đời những sáng tác tuyệt vời về mùa xuân.

Trong âm nhạc, nhà phê bình lý luận Nguyễn Quang Long gọi đề tài mùa xuân là “tình tự” không thể thiếu, một chủ đề sinh động của đời sống nghệ thuật. Trước năm 1945, nhạc Việt có ca khúc “Bến xuân” của Văn Cao. Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu chất tự sự, khiến bài hát dù ra đời từ năm 1942 vẫn được yêu thích đến tận ngày nay. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hình ảnh mùa xuân xuất hiện trong nhiều ca khúc như ươm mầm cho hy vọng và chiến thắng với “Mơ đời chiến sĩ” (Lương Ngọc Trác, thơ Mạc Tần), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), “Xuân chiến khu” (Xuân Hồng), “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” (Hoàng Vân), “Cùng hành quân giữa mùa xuân (Hoàng Hà)”…

Nhạc sĩ Văn Cao

Sau ngày đất nước thống nhất, mùa xuân trong âm nhạc lại càng trở nên tươi vui hơn. Mùa xuân trở thành mạch nguồn sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Nhiều ca khúc đã trở nên bất hủ như “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao) “Mùa xuân trên quê hương” (Hoài Mai), “Cung đàn mùa xuân” (Cao Việt Bách, thơ Lưu Trọng Lư), “Một nét ca trù ngày xuân” (Nguyễn Cường), “Hà Nội mùa xuân” (Văn Ký), “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Mùa xuân thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Một mùa xuân nho nhỏ” (Trần Hoàn, thơ Thanh Hải), “Lời tỏ tình mùa xuân” (Thanh Tùng), “Hơi thở mùa xuân” (Dương Thụ), hay “Mùa xuân gọi” (Trần Tiến)… Mỗi nhạc sĩ gửi gắm một tình tự riêng về mùa xuân qua sáng tác của mình. Bên cạnh tình yêu quê hương, đất nước, là tình cảm giữa con người với con người, là tình yêu đôi lứa, là “cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau”. Với thế hệ nhạc sĩ sau này, mùa xuân vẫn luôn là đề tài được ưa chuộng. Tuy vậy, lối sáng tác đã trẻ trung hơn. Bảo Chấn có “Hoa cỏ mùa xuân”, Huy Tuấn có “Khúc giao mùa”, trong khi Anh Quân được yêu thích với “Phút giao thừa lặng lẽ”.

Đào - Nguyễn Hữu Khoa

Với hội họa, mùa xuân hiện lên với muôn sắc màu rực rỡ. Từ các tác phẩm kinh điển của các họa sĩ Đông Dương đến các sáng tác hiện đại của các họa sĩ trẻ ngày nay, mùa xuân luôn lấp lánh và tràn đầy sinh lực. Nổi tiếng nhất chắc chắn phải kể đến tuyệt phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh mô tả các thiếu nữ trong trang phục truyền thống từng vùng tươi vui, ca hát thể hiện sức sống tươi mới giữa mùa xuân trong một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Được sáng tác ròng rã trong suốt 20 năm (1969-1989), bức tranh được coi là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa bậc thầy này, bởi ông đã gửi gắm mọi thành tựu trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy về sơn mài của mình. Tác phẩm này là một trong số những bức tranh tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam được công nhận là Bảo vật quốc gia. Một tác phẩm nổi tiếng khác là bức “Hội chợ hoa” của Bùi Xuân Phái, với hình tượng các thiếu nữ Hà thành tươi tắn trong sắc xuân. Trong mỹ thuật đương đại ngày nay, mùa xuân trong các sáng tác là hình ảnh của hoa đào đằm thắm trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa, là cánh đồng hoa của họa sĩ Phạm Luận… Cứ vào dịp năm mới, các triển lãm tranh xuân cũng thường được tổ chức, để người xem có dịp chiêm ngưỡng muôn ngàn sắc xuân tươi mới.

Hội chợ hoa - Bùi Xuân Phái

Và ngay lúc này đây, khi nàng xuân đang dạo gót trước thềm năm mới, sẽ lại tiếp tục có biết bao áng thơ văn, tranh tượng, lời ca, điệu múa được thai nghén và cho ra đời, để ca ngợi về nàng.