Đỗ Thị Thắm

Thăm Penang, 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất của Malaysia, du khách sẽ vô cùng thích thú với cách người Penang làm nghệ thuật để thu hút khách du lịch…

"Quá hẹp" Họa sĩ Tang Miu Kiar

Thú vị với nghệ thuật đường phố George Town

Chắc chắn là người ta biết đến Penang nhiều hơn sau khi serie tranh tường của họa sĩ trẻ người Latvia Ernest Zacharevic được thực hiện tại khu phố cổ George Town, và trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Dự án tranh tường Mirrors George Town của Ernest là một phần trong Lễ hội George Town Festival 2012, do chính quyền tài trợ. Khi tác phẩm nổi tiếng nhất “Little Children on a Bicycle” (những đứa trẻ trên chiếc xe đạp) trong dự án này hoàn thành, ngay lập tức nó đã giúp Penang và Ernest Zacharevic được ghi dấu trên bản đồ nghệ thuật đường phố của thế giới. Cho tới nay, các bức tranh tường vẫn tiếp tục được Ernest thực hiện (lần vẽ gần nhất là tháng 2/2014), cùng các sáng tác của nghệ sĩ địa phương khác. Các họa sĩ đã thật sự sáng tạo khi sử dụng và phối hợp ăn ý các hình vẽ với những hình khối, màu sắc tự nhiên của các mảng tường nhà, đồng thời kết hợp với các vật dụng thật như cái xe đạp, xe máy, cái ghế, quang gánh, cái cây…, và luôn dành một khoảng trống để người xem được cùng tham gia vào tác phẩm. Phải nói đây là những tác phẩm sắp đặt – trình diễn – tương tác hoàn hảo, và quan trọng nhất là chúng luôn được làm mới với các nhân vật – du khách đường phố. Chúng mang lại sự phấn khích cực độ cho du khách từ già đến trẻ. Những bức nổi tiếng như “Little Children on a Bicycle” “Boy on a Bike” (Cậu bé trên xe máy), hay “Little Boy with Pet Dinosaur” (Đứa trẻ và con khủng long),… đã trở thành những hình ảnh điển hình của du lịch Penang, và chúng được tái hiện lại trên các sản phẩm lưu niệm như túi xách, áo phông, sổ tay…

"Cậu bé trên cái ghế" Họa sĩ Ernest Zacharevic

Cũng chắc chắn là, vì biết sức hút lợi hại của nghệ thuật, nên trước đó chính quyền tiểu bang đã cho thực hiện loạt tác phẩm cộng đồng rất đặc sắc thông qua một cuộc thi ý tưởng vào năm 2009. Kết quả là nhóm tác phẩm “The Marking George Town Steel Rod Sculptures” gồm 52 tác phẩm biếm họa bằng sắt uốn đã được thực hiện, gắn trên một số tuyến phố chọn lọc, với nội dung giới thiệu về lịch sử, văn hóa, tập tục, phong cách sống của nơi đây. Mục đích của cụm tác phẩm này cũng rất rõ ràng: thêm một kênh thông tin cho du khách thông qua phương tiện dễ tiếp cận nhất là nghệ thuật thị giác. Từ nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên của Malaysia Ahmad Rashid Talu (1889-1939) (tác phẩm “Born Novelist”), đến ông hoàng thời trang danh giá Jimmy Choo; từ tôn vinh món đặc sản gia truyền “Char Koay Teow” (tác phẩm “Three Generations”), cho  đến nguy cơ nghề thủ công địa phương bị mai một (tác phẩm “No Plastic Bag”),… Các câu chuyện được kể lại bằng cách vẽ của biếm họa, dí dỏm, và luôn đặt ở những địa điểm gắn liền với nguồn gốc của chúng. Thế là các du khách vừa dạo phố, vừa xem về lịch sử Penang, vừa ngắm, vừa tạo dáng chụp hình cùng các tác phẩm. Sự thú vị lại tăng lên mấy phần, và kèm với đó là sự nổi tiếng của Penang cũng tăng lên nhiều lần.

"Anh trai và em gái trên xích đu" Họa sĩ Louis Gan

Trân trọng những di sản văn hóa địa phương

Làm du lịch bằng cách đề cao các giá trị văn hóa di sản, người Penang càng làm du khách bất ngờ với cách làm bài bản và hiệu quả của mình. Có tới 20 bảo tàng các loại ở quanh khu vực trung tâm, phần nhiều là bảo tàng tư nhân. Bên cạnh các bảo tàng lịch sử, chiến tranh, nghệ thuật 3D, vải truyền thống Batik, đồ thủy tinh…, đáng ngạc nhiên nhất phải kể đến Colonial Penang Museum, một bảo tàng chuyên các bộ sưu tập đồ cổ từ thời thuộc địa. Hơn 1.000 hiện vật quý hiếm của các nhà sưu tập Penang được trưng bày khắp 2 tầng của tòa biệt thự cổ. Từ tài liệu viết tay của thuyền trưởng Francis Light, người sáng lập Penang, đến các bộ đồ nội thất chạm trổ công phu đặt hàng tại Ấn Độ của các thương gia bản địa người Baba – Nyonya; từ những bức tượng cẩm thạch Châu Âu quý hiếm vài trăm năm tuổi, đến bộ bàn ghế Phu –Thê với mặt gương khảm màu được chế tác tại đảo thủy tinh Murano (Italia) từ thế kỷ 18. Bộ bàn ghế này là một trong 3 bộ được sản xuất đặc biệt, và được cho là bộ hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại. Thật ngạc nhiên khi biết đây mới chỉ là một phần trong tổng số các hiện vật của một gia đình có truyền thống 50 năm sưu tập cổ vật tại địa phương, và họ làm bảo tàng với ý thức để gìn giữ các di sản của người Penang. Bảo tàng này cũng là một địa chỉ để các em học sinh tới thăm quan và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của quê hương mình.

Penang: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai

Năm 2008, thủ phủ George Town của Penang được UNESCO công nhận là thành phố Di sản thế giới. Với 200 năm lịch sử, sự đa dạng sắc tộc, cùng vốn di sản phong phú mang đậm dấu ấn của các nền văn hóa Ấn, Ả Rập, Malaysia, Trung Quốc, Myanmar và Châu Âu, cộng với cách phát huy truyền thống để phát triển du lịch, vùng đất này ngày nay là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách tới thăm đất nước Malaysia xinh đẹp.