Thuần Võ – Tuấn Trần
Bắt đầu từ tháng 10 trở đi, khi tần suất các cơn mưa nặng hạt giảm dần, thực vật bắt đầu tạo quả, hạt, các ao hồ trong vùng cạn dần đem lại một lượng thức ăn vô cùng phong phú cho nhiều loài chim, thú trong một thời gian ngắn cho đến khi các đầm vũng hoàn toàn khô cạn vào tháng 12.
Hệ sinh thái rừng khộp, nửa năm khô hạn và nửa năm mưa khiến các loài thực vật thân gỗ hầu hết không thích nghi được, chỉ còn lại một số ít loài cây họ Dầu đặc trưng tồn tại. Theo thường lệ, chúng sẽ tăng cường phát triển vào mùa mưa, tích trữ dinh dưỡng, trút hết lá vào mùa khô để bảo tồn lượng nước tích trữ trong cơ thể.
Mỗi năm có hàng triệu cây bị chết vì không thể chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Sự biến động sinh thái này vô tình tạo ra nhiều thân cây chết khô, mục rỗng, cộng với lớp vỏ xù xì của cây họ dầu là môi trường sinh sống lí tưởng cho nhiều loài côn trùng, kiến, mối… Đây là nguồn thức ăn phong phú, đa dạng, và ổn định trong hai mùa mưa nắng cho các loài chim gõ kiến. Có đến 20 loài gõ kiến đã được phát hiện ở đây trong tổng số 28 loài gõ kiến đã được ghi nhận ở Việt Nam.
Nhiều loài gõ kiến trong số này có số lượng cá thể còn lại khá ít và không phân bố ở các khu vực còn lại của nước ta. Một số loài gõ kiến đặc trưng của rừng khộp có thể kể đến như Gõ kiến bụng hung, Gõ kiến xanh gáy vàng, Gõ kiến xanh bụng vằn, Gõ kiến xanh hông đỏ, Gõ kiến đen bụng trắng và loài Gõ kiến xám được các nhà khoa học đánh giá là loài dễ bị tổn thương, cần phải được bảo tồn.