TS. Trần Tấn Vịnh

Dân tộc Cơtu cư trú ở núi rừng Trường Sơn là tộc người còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có nghề dệt và trang phục cổ truyền. Bộ trang phục của dân tộc Cơtu, đặc biệt là của nữ giới luôn rực rỡ như sắc hoa rừng núi bởi những hoa văn được dệt bằng hạt cườm. Trong các mô típ hoa văn trang trí trên trang phục, nổi bật nhất là điệu múa Da dá, hay còn gọi là “Vũ điệu dâng trời”- một điệu múa cầu mùa cổ xưa của cư dân làm nông nghiệp lúa rẫy.

Chiếc khố hoa của trai làng Cơtu có hoa văn Da dá

“Vũ điệu dâng trời” của đồng bào Cơtu được thực hiện trong các lễ hội cộng đồng. Khi tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên, người con gái bước ra sân nhà làng nhảy múa trước rồi sau đó mới đến đàn ông, con trai. Nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái. Có sự kết hợp nhịp nhàng giữa múa nam và múa nữ trong một đội hình múa. Bên cạnh nhóm phụ nữ múa Da dá, những người đàn ông tham gia nhảy điệu tân tung, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh mà người Cơtu gọi là Tân tung da dá. Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng, làm sống dậy núi rừng hoang vắng.

“Vũ điệu dâng trời” đã được thợ dệt Cơtu đã khắc họa một cách sống động, đầy tính thẩm mỹ trên nền thổ cẩm, trang phục truyền thống. Hoa văn Da dá thường được trang trí trên váy, áo phụ nữ, đuôi khố của đàn ông, trai làng và những em bé. Bằng đôi tay khéo léo với kỹ thuật kết a rắc (hạt cườm), thợ thủ công Cơtu đã chèn những hạt cườm trắng vào nền vải đen thô rám, tạo thành hoa văn Da dá. Điều thú vị là trên đuôi khố của đàn ông Cơtu lại thường xuất hiện mô típ trang trí hoa văn Da dá. Vì chiếc khố là mặt phẳng tạo hình lý tưởng nhất, được xem như là một bức tranh di động, có thể nhìn ở đằng trước lẫn đằng sau khi người đàn ông đóng khố, đeo kèm những món trang sức quý như mã não, nanh thú… hòa mình trong lễ hội cộng đồng. Có lẽ, ngoài yếu tố thẩm mỹ, người thợ dệt Cơtu muốn chuyển tải các đường nét hoa văn cách điệu khắc họa hình tượng người phụ nữ thân thương (người bà, người mẹ, người vợ, chị em gái, con gái) lên bộ trang phục của người đàn ông.

Hoa văn Da dá

Điều thú vị là trên trang phục các dân tộc như Mạ, Kơ Ho ở Nam Tây Nguyên và Xtiêng ở miền Đông Nam Bộ, lại thấy xuất hiện nhiều hoa văn đồng dạng với hoa văn Da dá của người Cơtu. Chiếc áo pró chui đầu nền trắng được dệt từ bông vải của nam lẫn nữ dân tộc Mạ và Kơ Ho được đồng bào sáng tạo nhiều hoa văn độc đáo, trong đó nổi bật nhất là hoa văn hình người múa. Trang phục dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên cũng có những hoa văn hình người, hình ếch. Điều đó cho thấy hoa văn hình người múa là một dạng hoa văn có nguồn gốc rất cổ còn bảo lưu trong nghệ thuật trang trí của các dân tộc. Sự giống nhau trong mô tip hoa văn của các tộc người thể hiện rõ sự ảnh hưởng, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc.

Hoa văn Da dá thực sự là sắc hoa rừng tươi đẹp góp phần làm cho di sản trang phục của đồng bào thêm giá trị, bởi vẻ đẹp của hoa văn, sắc màu và ngôn ngữ tạo hình cô đọng, mang đậm sắc thái tộc người. Chính vì những giá trị đó, năm 2014, vũ điệu của người Cơtu đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.